Kêu gọi người dân tố giác vi phạm
Đời sống - Ngày đăng : 06:16, 26/04/2016
Cùng với việc kêu gọi người dân tố giác vi phạm thì việc tìm ra hướng sản xuất mang lại hiệu quả cao, an toàn, thân thiện với cộng đồng là nội dung được đưa ra thảo luận tại hội thảo về quản lý sử dụng chất cấm trong chăn nuôi do Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Báo Lao Động tổ chức ngày 25-4.
Tuyên truyền để người dân không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là việc làm thiết thực hiện nay.Ảnh: Khánh Huy |
Cần đồng bộ trong kiểm soát
Theo ông Chu Đình Khu - Trưởng phòng Thức ăn chăn nuôi (Cục Chăn nuôi), đợt cao điểm về kiểm soát chất cấm vừa qua đã có tác dụng tích cực góp phần giảm thiểu rõ rệt vi phạm. Hiện các mẫu thức ăn chăn nuôi dương tính chỉ còn 1,3% so với 5,3%, nước tiểu còn 6,1% so với 16,2% hồi tháng 1-2016. Trong 4 tháng đầu năm 2016 chưa phát hiện được cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi có chất cấm trong sản phẩm. Tuy nhiên, khi kiểm tra mẫu nước tiểu ở lợn vẫn phát hiện vi phạm. Nguyên nhân là do công tác triển khai kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi thiếu đồng bộ, mới tập trung ở các cơ quan trung ương và một số địa phương trọng điểm. Không ít địa phương chưa thực sự coi trọng công tác này và chỉ làm theo kiểu hình thức, đối phó, khiến một số hộ chăn nuôi và doanh nghiệp hám lợi vẫn lén lút sử dụng. Hoạt động tuyên truyền chủ yếu được làm cho việc truy xuất, tố giác, xử phạt mà chưa quan tâm đến việc hướng dẫn, khuyến cáo nông dân phát triển các mô hình, địa chỉ chăn nuôi, cung ứng thực phẩm chất lượng, an toàn để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Ông Hoàng Văn Thám - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết, công tác phối hợp về kiểm soát chất cấm giữa các sở, ban, ngành chưa chặt chẽ, khó thực hiện vì còn lúng túng trong bố trí nhân lực và kinh phí. Còn theo ông Trần Văn Chiến - Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi dịch vụ Cổ Đông (Sơn Tây - Hà Nội) thì việc sử dụng chất cấm ở các hộ chăn nuôi hiện rất tinh vi. Người dân không trộn vào thức ăn mà thay đổi bằng cách tiêm trực tiếp vào gia súc, gia cầm. Điều đó khiến việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi khó kiểm soát, bởi chỉ có thể kiểm tra bằng xét nghiệm nước tiểu đối với lợn, còn gia cầm được tiêm chất cấm thì không kiểm tra được.
Đối với việc xử lý chất salbutamol (còn được gọi là chất tạo nạc) đã nhập khẩu thời gian qua, theo Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT Nguyễn Văn Việt, Bộ Y tế đang chỉ đạo các công ty dược thu hồi khoảng 2.025kg đã phối trộn. Ngoài ra, khi phát hiện chất cấm trong chăn nuôi dù ở hình thức nào cũng xử lý theo quy định của pháp luật.
Khuyến khích mô hình chăn nuôi an toàn sinh học
Để quản lý chặt chẽ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân, cần rà soát sửa đổi bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật làm hành lang pháp lý cho công tác quản lý và kiểm tra. Đặc biệt, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất thông qua điều tra, trinh sát, xác định đối tượng, địa bàn trọng điểm để tập trung nguồn lực vào kiểm tra, xử lý hiệu quả. Từ ngày 1-7-2016 Bộ Luật hình sự sửa đổi có hiệu lực thi hành, sẽ áp dụng chế tài xử phạt mạnh và mang tính răn đe đối với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP). Vì vậy, các địa phương phải tuyên truyền mạnh hình thức xử phạt này tới người dân và coi đây là nhiệm vụ quan trọng cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là sự tố giác của người dân.
Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Văn Hạnh - chủ trang trại chăn nuôi ở Mỹ Đức (Hà Nội) đề nghị, Nhà nước nên tạo cơ chế cho người dân tham gia vào việc tố giác các đối tượng sử dụng chất cấm, bởi họ là người rõ nhất các trang trại đưa chất cấm vào vật nuôi. Tuy nhiên, phải có chính sách khen thưởng cho người tố cáo và bảo vệ họ để tránh sự trả thù.
Theo ông Phạm Thanh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cung ứng thực phẩm sạch, công bố những doanh nghiệp vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để bảo đảm tính răn đe.
Đối với thông tin cho rằng chất salbutamol không nằm trong danh mục các chất gây ung thư mà Mỹ công bố, PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo - Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm ATTP quốc gia (Bộ Y tế) cho rằng, tất cả các nước trên thế giới đều cấm sử dụng chất clenbuterol và salbutamol trong chăn nuôi. Riêng Mỹ và các nước trong khu vực Châu Mỹ cho phép sử dụng có kiểm soát chặt của ngành chức năng. Tuy nhiên, ở Việt Nam người dân sử dụng vô tội vạ, tồn dư chất cấm vượt ngưỡng gấp tới 60-70 lần cho phép sẽ gây ra các tác hại lớn cho người sử dụng nên phải xử lý triệt để. Bộ NN&PTNT và cơ quan thú y địa phương phải có trách nhiệm giám sát việc sử dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, năm 2016 là năm hành động về ATTP, thời gian tới Bộ sẽ tiến hành song hành 2 nhiệm vụ là tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm và khuyến khích các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học…