Phải rõ trách nhiệm để thực thi hiệu quả
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:13, 26/04/2016
Tại hội thảo này, thêm một lần nữa nhiều con số được các cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm đưa ra càng khẳng định, nhận xét của vị đại biểu Quốc hội nêu trên là hoàn toàn có cơ sở.
Ví dụ, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cung cấp thông tin: Hai năm 2014-2015, các công ty dược trong nước đã nhập khẩu hơn 9.000kg chất cấm, trong đó hơn 6.200kg đã được bán ra ngoài thị trường không đúng đối tượng, sai mục đích (chiếm 68%)... Còn nhớ, lần trước về thông tin chất cấm có liên quan tới chất salbutamol được nhập về Việt Nam và thẩm lậu ra thị trường làm chất tạo nạc trong chăn nuôi, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý vấn đề này còn cho rằng chưa chính xác bởi con số đó là của 2 năm chứ không phải 1 năm. Tuy nhiên, suy cho cùng con số chính xác vẫn là hơn 6 tấn chất cấm đã và đang trôi nổi trên thị trường cần phải thu hồi.
Có bao nhiêu trong lượng chất cấm đó đã được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi? Song như Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương từng phát biểu, buôn bán chất cấm salbutamol (chất cấm được sử dụng nhiều nhất trong chăn nuôi) thậm chí còn lãi hơn cả buôn ma túy, thì có thể thấy thị trường chuộng loại chất… chết người này như thế nào. Thế nên có quyết liệt thu hồi thì chắc lượng chất cấm còn tồn, chưa kịp tiêu thụ cũng không nhiều lắm.
Và khi những chất cấm đã kịp đưa vào sử dụng, thì gánh chịu hậu quả chính là người tiêu dùng. Nhưng vấn đề là ở chỗ, ai (cả cá nhân và tập thể) phải chịu trách nhiệm về việc này?
Cũng tại Hội thảo nêu trên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không phải là vấn đề mới. Ông Hùng dẫn chứng: Từ năm 2006 đã phát hiện tồn dư chất cấm trong thịt và chăn nuôi. Năm 2011, Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng đã khảo sát và phát hiện chất cấm trong thịt lợn siêu nạc và thức ăn chăn nuôi. Năm 2012, Ủy ban Khoa học Công nghệ môi trường Quốc hội có báo cáo về chất cấm trong thịt lợn… Vậy mà tới giờ này chúng ta mới quyết liệt vào cuộc. Trong thời gian đó, có bao nhiêu người mắc bệnh do chất cấm được sử dụng trong chăn nuôi? Và ai (cả cá nhân và tập thể) phải chịu trách nhiệm về việc này?
Chắc chắn khó có thể đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi trên. Tuy nhiên, đặt ra những câu hỏi như vậy để tìm ra biện pháp hiệu quả trong công tác quản lý nhằm ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đến giờ này dù rằng không là sớm, nhưng cũng đã đến thời điểm không thể "bình chân như vại". Cụ thể, một trong những vấn đề các cơ quan chức năng trước đây thường nêu ra, đó là thiếu chế tài xử lý và việc xử lý chưa đủ sức răn đe, thì nay Bộ Luật hình sự năm 2015 đã đưa vào Điều 190, 191, 195 và quan trọng nhất là Điều 317 là hành vi cấu thành tội phạm hình thức. Tức là sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ thực phẩm có chất cấm là đủ yếu tố để khẳng định cá nhân, tổ chức phạm tội. Mức phạt tiền từ 50 triệu đến 3 tỷ đồng, phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm tùy theo mức độ hành vi sử dụng chất cấm. Những điều luật sửa đổi này chính thức có hiệu lực từ 1-7-2016.
Trong hội thảo nêu trên, đại diện các cơ quan chức năng đều cho rằng, áp dụng chế tài mạnh như luật định là cần thiết và chắc chắn sẽ phát huy tác dụng trong răn đe, phòng ngừa và ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Vấn đề bây giờ là thực thi ra sao?
Trở lại với hai câu hỏi đặt ra ở phần trên bài viết là ai (cả cá nhân và tập thể) phải chịu trách nhiệm trong từng việc? Nêu như vậy không phải nhằm "xét lại" những chuyện đã qua, song rõ ràng để thực thi từng chuyện có hiệu quả thì phải xác định rõ trách nhiệm của cá nhân và tập thể trong công tác quản lý. Và việc ngăn chặn hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cũng không thể là ngoại lệ.