Phó Thủ tướng chỉ đạo xác định nguyên nhân đổ cột điện đường dây 500kV

Kinh tế - Ngày đăng : 16:22, 25/04/2016

(HNM) Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có Văn bản yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tập trung khắc phục nhanh sự cố đổ cột điện trên đường dây 500kV Hiệp Hòa - Quảng Ninh (trên địa bàn huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), bảo đảm truyền tải và cung cấp điện an toàn, ổn định; tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân sự cố, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả.

Ảnh hiện trường sự cố


Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn cung cấp điện trong thời gian khắc phục sự cố; chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra hành lang tuyến, chất lượng các công trình đường dây nói chung và đặc biệt là công trình đường dây 500 kV, bảo đảm vận hành an toàn, tin cậy trong mùa mưa bão.

Ngày 25-4, Bộ Xây dựng cũng có Văn bản số 729/BXD-GD đề nghị Bộ Công Thương với chức năng quản lý công trình xây dựng chuyên ngành triển khai một số nội dung để giải quyết sự cố đổ cột điện 500kV thuộc đường dây 500kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa.

Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc kiểm tra thiết kế và công tác thẩm định thiết kế, thi công xây dựng và công tác kiểm tra nghiệm thu đưa vào sử dụng công trình đường dây truyền tải điện 500kV Quảng Ninh – Hiệp Hòa. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện tổ chức giám định nguyên nhân sự cố công trình theo quy định.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) Nguyễn Tuấn Tùng cho biết, cột điện bị đổ nằm ở vị trí 199 trên địa bàn huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang với khoảng 500 m đường dây bị ảnh hưởng. Tuy nhiên sự cố này không gây gián đoạn cho việc cung cấp điện.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, lãnh đạo NPT và Công ty Truyền tải điện 1 đã có mặt tại hiện trường phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng khẩn trương tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân và huy động lực lượng, thiết bị, phương tiện để khắc phục sự cố.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, NPT đã giao cho Công ty Truyền tải điện 1 (đơn vị đang vận hành quản lý đường dây) và Công ty cổ phần Xây lắp điện 1 (đơn vị thi công đường dây) khắc phục sự cố đổ cột đường dây 500kV Hiệp Hòa-Quảng Ninh. Vị trí cột mới sẽ được dựng ngay sát vị trí cũ và vẫn giữ nguyên hiện trạng vị trí cột đã bị đổ. Dự kiến, 7-5 sẽ hoàn thành và tiếp tục đưa vào vận hành.

Do truyền tải công suất của cụm nhiệt điện Quảng Ninh-Mông Dương vào hệ thống điện quốc gia vận hành khép kín mạch vòng 500 kV với 3 đường dây: Hiệp Hòa- Quảng Ninh và 2 đường dây Quảng Ninh-Phố Nối-Thường Tín và hàng loạt đường dây 220kV: Quảng Ninh, Hoành Bồ, Sơn Động, Tràng Bạch, Hải Dương, Đồng Hòa, Phả Lại nên trong thời gian khắc phục sự cố, việc giải tỏa công suất từ cụm nhiệt điện khu vực Đông Bắc về lưới điện quốc gia không bị ảnh hưởng. Bởi, theo thiết kế, tổng công suất của 2 đường dây 500kV Quảng Ninh-Phố Nối-Thường Tín truyền tải an toàn là 2.000 MW, nhưng tổng công suất truyền tải cao nhất trong thời gian qua mới lên tới 1.725 MW.

Đường dây 500 kV Quảng Ninh-Hiệp Hòa là đường dây mạch kép (2 mạch) có chiều dài 139 km từ trạm biến áp 500 kV Quảng Ninh đến trạm biến áp 500 kV Hiệp Hòa, đi qua địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang.

Đường dây 500 kV Quảng Ninh-Hiệp Hòa là dự án năng lượng cấp I, có tổng mức đầu tư hơn 2.260 tỷ đồng do Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung làm đại diện chủ đầu tư quản lý điều hành thực hiện dự án, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 là đơn vị tư vấn thiết kế, Công ty cổ phần Xây lắp điện 1 và Tổng Công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam là hai đơn vị thi công công trình.

Đường dây có nhiệm vụ truyền tải công suất của cụm nhiệt điện Quảng Ninh-Mông Dương vào hệ thống điện quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của miền Bắc cũng như cả nước và khép kín mạch vòng 500 kV cho khu vực Hà Nội và các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc.

Đường dây này góp phần nâng cao khả năng vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn, liên tục và giảm tổn thất điện năng trong hệ thống; đồng thời dự phòng cho sự phát triển nguồn nhiệt điện giai đoạn sau năm 2020 tại khu vực Quảng Ninh.

Thanh Mai