Đường dài tìm đến đỉnh cao
Thể thao - Ngày đăng : 07:23, 25/04/2016
Trước đó, cặp VĐV này đã cùng các tay vợt trẻ của Hà Nội thi đấu tại 8 giải quốc tế, diễn ra từ ngày 19-1 đến 10-4. Sau những vui buồn, biết bao khó nhọc mà thầy trò Đội tuyển Cầu lông Hà Nội đã trải qua trong hành trình dài hơi đó, kết quả thu được thật đáng hài lòng.
Tham gia 8 giải quốc tế bằng kinh phí từ ngân sách, đó thực sự là khoản đầu tư dài hơi cho hành trình tìm cơ hội dự Olympic 2016 và 2020 của cầu lông Hà Nội. Kết quả, sự thăng tiến vượt bậc trên bảng xếp hạng Liên đoàn Cầu lông thế giới của các tay vợt Thủ đô khiến tất cả phải ngỡ ngàng. Ở giải quốc tế đầu tiên trong năm 2016 (China International Challenge 2016, diễn ra từ ngày 19 đến 24-1, tại Trung Quốc), cặp Tuấn Đức - Như Thảo đã giành HCĐ.
Tiếp sau đó là thành quả ở các giải tại Đức, Bồ Đào Nha, Romania, Ba Lan, Pháp, Phần Lan… Kết thúc chuyến du đấu, cặp đôi nam - nữ Tuấn Đức - Như Thảo từ hạng 747 vươn lên vị trí 64. Đôi nam Tuấn Đức - Hồng Nam từ hạng 436 lên vị trí 110. Đôi nữ Như Thảo - Thu Huyền từ hạng 216 lên vị trí 89, Thu Huyền từ hạng 283 lên vị trí 165 đơn nữ. Quan trọng hơn, lứa trẻ của cầu lông Hà Nội ngày càng dạn dày kinh nghiệm trận mạc, tự tin vào mục tiêu chinh phục đỉnh cao.
Để có được bước tiến như vậy là cả một quá trình, bắt nguồn từ sự tin tưởng của lãnh đạo ngành khi dám đầu tư dài hơi cho một môn rất khó có huy chương ở SEA Games, ASIAD, Olympic. Bên cạnh đó, không thể không kể đến sự vào cuộc của nhà tài trợ Ciputra Hà Nội, niềm đam mê và quyết tâm, không ngừng phấn đấu của các HLV, VĐV.
Nhìn lại hành trình du đấu với biết bao vất vả, HLV Dương Thị Liên kể: "Không phải cứ Nhà nước đầu tư, lãnh đạo ủng hộ là làm gì cũng thuận lợi. Ngay khi nhận được thư mời, việc làm visa diễn ra vào đúng dịp Tết của Việt Nam, ngày 17-2 phải lên đường mà ngày 16-2 còn chưa có visa dù vé đã đặt, phòng đã "book". Lỡ mất giải Áo, vừa không được thi đấu, vừa bị phạt tiền, vừa mất tiền đặt phòng trước!".
Thế là thay vì đi Áo, thầy trò Đội Cầu lông Hà Nội bắt đầu hành trình tới Đức. Đây là giải mà VĐV tham gia đều rất mạnh, các VĐV Hà Nội phải thi đấu từ vòng loại, chỉ có đôi Tuấn Đức - Như Thảo thắng 2 trận và lọt vào vòng chính 1/32. Nhưng đến giải Bồ Đào Nha, kết quả thật đáng khích lệ: Đôi nam Tuấn Đức - Hồng Nam và đôi nam - nữ Tuấn Đức - Như Thảo đều giành HCB. Tại giải ở Romania, diễn ra sau đó, đơn nữ Thu Huyền đoạt HCĐ…
Khó có thể kể hết những kỷ niệm vui buồn trong hành trình du đấu của VĐV cầu lông Hà Nội. Nhiều khi phòng khách sạn đắt tiền mà vẫn không có tủ lạnh, bình đun nước. Khi đến Đức, tiền chi cho bữa sáng mất khoảng 180.000 đồng tiền Việt Nam mà cũng chỉ có bánh mì, trứng luộc, bơ, pho mát. Vì vậy, HLV Dương Thị Liên đành mua 2 cái nồi để tự nấu ăn. Không có tủ lạnh nên hằng ngày, khi thi đấu về, HLV phải vào siêu thị mua đồ về nấu nhằm bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho các VĐV.
Nhìn lại hành trình du đấu mới hiểu thêm rằng, phía sau mỗi thành công của một lứa VĐV là biết bao tâm huyết, khó nhọc và cả sự dũng cảm trong đầu tư của thể thao Thủ đô.
Những khoảnh khắc đáng nhớ Đến Ba Lan, chúng tôi cảm thấy như ở nhà vì có rất đông người Việt ở đây. Đa số đều đã sang đây được 30-40 năm. Khi xem thông tin trên mạng, biết đội nhà sang, họ đã đến khách sạn tìm gặp chúng tôi. Đến Phần Lan chúng tôi cũng được mọi người cổ vũ nhiệt tình. Vợ chồng bạn Quang - Phương mời đội về nhà ăn cơm, lại mời thêm một đầu bếp chuyên nghiệp nấu món bổ dưỡng cho chúng tôi và Tiến Minh ăn để có sức khỏe đánh chung kết. Món ngon nhớ lâu, tình người quý báu. Đó thật sự là một bữa cơm gia đình đầu tiên sau 40 ngày ở Châu Âu. (Ghi theo lời kể của HLV Dương Thị Liên) |