Vì sao hệ thống đại lý thuế chưa phát triển?
Kinh tế - Ngày đăng : 06:51, 25/04/2016
Những rào cản vô hình
Thống kê của Hội Tư vấn thuế (VCTA) cho thấy, cả nước có 284 ĐLT đang hoạt động, trong đó nhiều đơn vị hoạt động hiệu quả. Ví dụ: Tại TP Hồ Chí Minh, ĐLT Trí Luật đang phục vụ, làm thủ tục dịch vụ thuế cho 400 DN; ĐLT Trương Gia tư vấn cho hơn 300 DN... Nhưng hoạt động ĐLT trên thực tế vẫn chưa phát triển như kỳ vọng.
Hệ thống đại lý thuế chưa phát triển khiến công việc của cán bộ ngành thuế quá tải ở một số thời điểm. Ảnh: Thái Hiền |
Ông Lê Văn Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền hỗ trợ, Tổng cục Thuế cho biết, số lượng ĐLT ở các nước khác thường gấp đôi cán bộ công chức ngành thuế. Đơn cử, tại Nhật Bản, có 78.000 ĐLT, CHLB Đức có 83.000 ĐLT kể cả cá nhân và pháp nhân. Trong khi đó, ở Việt Nam hiện mới cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn thuế cho 2.800 cá nhân, trong số này, 700 cá nhân hành nghề tại 284 ĐLT, chủ yếu là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Cả nước mới chỉ có 33 tỉnh, thành phố có ĐLT. Đây là "bức tranh" không mấy sáng sủa về hệ thống ĐLT tại Việt Nam.
Tại buổi tọa đàm về phát triển hệ thống ĐLT do VCTA tổ chức mới đây tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thúy Nga, đại diện một công ty tư vấn tài chính và kế toán chia sẻ, hoạt động của ĐLT đang gặp nhiều khó khăn. Một số DN phản hồi, khi cán bộ thuế đến kiểm tra đã đặt câu hỏi "Sao không làm việc trực tiếp với cơ quan thuế, mà lại phải thông qua đại lý"? Ngược lại, nếu cơ quan thuế có thái độ tích cực, hoạt động ĐLT sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Đơn cử, tại tỉnh Nam Định, cơ quan thuế đã sát cánh cùng ĐLT giải đáp kịp thời nhiều vướng mắc của DN. Cách làm này nếu được nhân rộng ở nhiều địa phương không chỉ giúp ĐLT phát triển, mà còn giúp cơ quan thuế giảm tải trong việc hỗ trợ DN chấp hành tốt pháp luật thuế.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga cũng nêu một trường hợp, có DN khi cơ quan thuế vào kiểm tra, cán bộ thuế rất ngạc nhiên hỏi tại sao ĐLT lại kéo được doanh thu của DN này thêm 3 tỷ đồng. Nguyên nhân là do họ bán dưới giá vốn, sai với quy định hiện hành. Việc tư vấn cho DN kê khai doanh thu thêm 3 tỷ đồng không chỉ giúp họ chấp hành đúng pháp luật thuế, mà còn tư vấn DN nộp thêm vào ngân sách 300 triệu đồng tiền thuế VAT. Điều này đã giúp DN tránh được khoản tiền phạt nếu kê khai sai doanh thu...
Cần sự nỗ lực từ nhiều phía
Trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập với kinh tế thế giới, việc chấp hành tốt pháp luật thuế đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VCTA cho rằng, vấn đề gian lận thuế trên thực tế khá phổ biến. Với những DN gian lận, cần xử lý nghiêm minh, ngược lại, DN chấp hành tốt pháp luật thì cần phải ủng hộ. Trên thực tế, nhiều DN nhờ sự tư vấn của ĐLT nên hệ thống sổ sách, chứng từ thực hiện đúng quy định của pháp luật. Nhưng khi đoàn thanh tra thuế đến kiểm tra không tìm ra sai sót thì lại bị đánh giá là năng lực yếu và đây là bất cập cần được khắc phục.
Bà Nguyễn Thị Minh Thắng, đại diện Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Ngọc Quý có chức năng làm dịch vụ ĐLT tại Hà Nội cho rằng, ngành thuế cần khuyến khích NNT sử dụng các dịch vụ của ĐLT thông qua các hình thức: Ưu tiên quyết toán thuế riêng, ưu tiên trong hoàn thuế… qua đó giúp NNT nhận thấy những ưu điểm khi dùng dịch vụ ĐLT và sẵn sàng bỏ chi phí để sử dụng dịch vụ.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí chia sẻ, qua thực tế ở địa phương, một số cán bộ thuế có hiện tượng làm khó DN. Cán bộ của ngành thuế rất đông, nên vấn đề quản lý còn nhiều khó khăn. Ngành thuế hiện đã thực hiện nguyên tắc DN tự khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm. Với nhân lực còn hạn chế, ngành thuế không thể kiểm tra toàn bộ số DN đang hoạt động. Nếu khuyến khích và tạo điều kiện cho DN sử dụng dịch vụ ĐLT thì tình trạng gian lận thuế sẽ giảm.