Đừng để khách hàng chịu thiệt
Kinh tế - Ngày đăng : 06:39, 25/04/2016
Với khách hàng, nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông hiện nay là không thể thiếu trong đời sống hằng ngày, đặc biệt quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do vậy, việc khách hàng bức xúc là dễ hiểu. Song cũng có thực tế, để lập lại kỷ cương văn minh đô thị, từ năm 2014 đến nay UBND TP Hà Nội đã yêu cầu bó gọn, thanh thải dây cáp đi nổi. Triển khai kế hoạch này có sự vào cuộc liên ngành: Thông tin và truyền thông, Xây dựng, Điện lực, Chiếu sáng và đương nhiên không thể thiếu các doanh nghiệp (DN) viễn thông, truyền hình cáp. Theo quy trình, trước khi thực hiện bó gọn, thanh thải dây, cáp, cơ quan chủ trì gửi thông báo, tổ chức họp thống nhất phương án (trước 2-3 tuần). Các DN có ít nhất một tuần để cắt dây hỏng, đánh dấu dây đang sử dụng… Cả cơ quan quản lý và DN đều có sự chuẩn bị kỹ. Tuy nhiên, khi thi công, sự cố đứt dây, cáp vẫn xảy ra…
Tại các cuộc họp liên ngành, đại diện nhà mạng, nhà đài không ít lần phàn nàn đơn vị thi công thuộc điện lực, chiếu sáng làm đứt dây, cáp và phải mất hàng tuần mới khắc phục xong. Nhưng ngược lại, phía đơn vị thi công cũng cho rằng, không ít nhà mạng, nhà đài còn chủ quan, thiếu trách nhiệm, thông báo trước hàng tuần mà không chịu hợp tác. Chỉ đến khi thanh thải đường dây, đại diện đơn vị mới có mặt, rồi vội vàng đánh dấu đầu cáp trong cả một mớ hỗn độn như mạng nhện. Không làm tốt việc chuẩn bị, sao tránh khỏi sự cố "bất khả kháng".
Rõ ràng, câu chuyện này phụ thuộc vào trách nhiệm và sự cẩn trọng của đơn vị thi công thanh thải dây, cáp và DN cung cấp dịch vụ. Chỉ khi nào các bên phối hợp, cùng chuẩn bị tốt và thấy rõ trách nhiệm của mình, thì khi đó người dân mới không phải chịu thiệt hại khi rơi vào những sự cố "bất khả kháng".