Khi bí thư cấp ủy "đứng lớp"
Chính trị - Ngày đăng : 06:24, 25/04/2016
"Trách nhiệm trực tiếp truyền đạt"
Việc bí thư cấp ủy trực tiếp giới thiệu Nghị quyết Đại hội Đảng đã trở thành yêu cầu, nhiệm vụ bắt buộc trong tình hình mới. Ngày 22-3-2016, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 01-CT/TƯ về học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu, toàn thể cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ chủ chốt các cấp và người đứng đầu đều có trách nhiệm học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, trực tiếp là người đứng đầu, chịu trách nhiệm chỉ đạo, chủ trì việc tổ chức học tập, quán triệt, xây dựng chương trình hành động của cấp ủy, tổ chức Đảng, kế hoạch hành động của cá nhân thực hiện Nghị quyết Đại hội; chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và hằng năm đánh giá kết quả thực hiện của địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Đặc biệt, Chỉ thị nêu rõ: "Bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm trực tiếp truyền đạt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng…".
Các đảng viên Đảng bộ thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI. Ảnh: Đặng Sáng |
Việc bí thư cấp ủy "đứng lớp" giới thiệu về Nghị quyết của Đảng đòi hỏi vừa phải có trình độ, năng lực vừa phải có trách nhiệm cao. Vì có nghiêm túc học tập, quán triệt, nhận thức sâu sắc những nội dung cốt lõi, những nội dung đổi mới Nghị quyết của Đảng, người đứng đầu cấp ủy mới có thể nói cho người khác nghe một cách thuyết phục. Khi trực tiếp giới thiệu Nghị quyết, bí thư cấp ủy có điều kiện truyền đạt quan điểm lãnh đạo, yêu cầu, nhiệm vụ, thậm chí là tư tưởng, tình cảm đối với cấp dưới. Nói rộng ra, đây là cơ hội để tạo nên sự thống nhất về nhận thức và hành động trong tập thể; thể hiện vai trò của người đứng đầu cấp ủy.
Điều này càng được thể hiện rõ trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng (ngày 19-4). Tổng Bí thư nêu rõ, theo chức trách và nhiệm vụ được giao, các cấp ủy, tổ chức Đảng trước hết là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện ngay Chỉ thị của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Trung ương trong việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, kết hợp với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ mình. Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Việc chỉ đạo học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai cần thiết phải xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thiết thực; khắc phục bệnh hình thức học qua loa, học cho xong, học cốt có điểm danh".
Chủ động, tích cực xây dựng "giáo án"
Tại các địa phương, nhận thức về yêu cầu đổi mới học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng ngày càng cao. Chỉ đạo việc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh yêu cầu phải đổi mới việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt nghị quyết theo hướng: Làm rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của nghị quyết; xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, những nội dung cần đi sâu, phân tích kỹ, đáp ứng yêu cầu của từng cấp ủy; tăng cường thảo luận, đối thoại... Việc bí thư cấp ủy trực tiếp làm báo cáo viên giới thiệu các nghị quyết của Đảng đã bước đầu được coi trọng. Nhiều bí thư cấp ủy trực thuộc Thành ủy, cấp ủy cơ sở tại Hà Nội đã tích cực xây dựng "giáo án" để trực tiếp "đứng lớp" làm báo cáo viên tại các hội nghị quán triệt Nghị quyết của Đảng. Có thể kể đến như Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Huy Việt, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu… Nói về việc này, các đồng chí bí thư cho rằng, đây là việc cần thiết và nên làm đối với người đứng đầu cấp ủy. Đảng lãnh đạo bằng nghị quyết, chỉ thị, nên bí thư cấp ủy trực tiếp truyền đạt những nội dung lãnh đạo, chỉ đạo là công việc bình thường của công việc lãnh đạo. Chưa kể, đây là cơ hội để "cá nhân phụ trách" với "tập thể lãnh đạo" thêm gần gũi, hiểu nhau hơn. Làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Gia Lâm, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo khẳng định: Truyền đạt nghị quyết, chắc chắn bí thư, chủ tịch huyện nói hay hơn và cần hơn là báo cáo viên từ nơi khác đến. Bởi truyền đạt nghị quyết cần nói thẳng vấn đề thiết thực ở cơ sở, không hô hào chung chung. Nghị quyết có hay mấy mà không làm cụ thể thì không có kết quả.
Cũng tại hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Làm sao để khắc phục được tình trạng Nghị quyết thì đúng, thì hay nhưng chậm đi vào cuộc sống". Đó là câu hỏi đặt ra đối với các cấp, các ngành, trước hết đối với người đứng đầu cấp ủy. Câu trả lời có lẽ nên bắt đầu từ việc các bí thư cấp ủy trực tiếp soạn "giáo án", "đứng lớp" giới thiệu về Nghị quyết cho thật thuyết phục như sự khởi đầu trước khi bắt tay vào hành động.