Công tác Đảng cũng cần cải cách hành chính

Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:22, 25/04/2016

(HNM) - Tại cuộc làm việc của Đoàn kiểm tra Thành ủy Hà Nội về triển khai Nghị quyết đại hội Đảng các cấp tại một đảng ủy doanh nghiệp trực thuộc mới đây, phần trình bày kết quả, hạn chế của đơn vị khá "đầy đặn", còn nội dung kiến nghị lại khá "nhẹ nhàng".

Tuy nhiên, sau khi được Trưởng đoàn "động viên" có thêm đề nghị cụ thể nào không, đồng chí bí thư đảng ủy doanh nghiệp mới "rụt rè" nêu lên thực tế là phải làm quá nhiều văn bản, báo cáo; có văn bản yêu cầu phải "dài đằng đẵng", khiến đơn vị làm… không xuể.

Với nhiệm vụ chính là sản xuất - kinh doanh nên hầu hết người làm công tác Đảng trong doanh nghiệp đều kiêm nhiệm. Làm đầy đủ thì thiếu nhân lực, nếu không đến lúc kiểm tra "chế độ báo cáo" sẽ bị đánh giá thấp và hạ điểm thi đua. Vì vậy, đồng chí bí thư đảng ủy đề nghị với trường hợp đặc thù như những doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, công tác Đảng cũng cần cải cách hành chính, nhất là trong việc báo cáo, sao cho vừa giản tiện, ngắn gọn vừa bảo đảm tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy.

Trong Kết luận số 82-KL/TƯ (ngày 16-8-2011) của Bộ Chính trị về cải cách thủ tục hành chính trong Đảng, nhiều vấn đề quan trọng đã được cấp ủy các cấp đổi mới, cải tiến một bước như về quy chế làm việc của cấp ủy, ủy ban kiểm tra; lề lối, phương pháp làm việc; nâng cao chất lượng, hiệu lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; quy trình dự thảo, ban hành các văn bản của cấp ủy triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng… Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, vẫn còn khá nhiều thủ tục có thể đơn giản hóa hơn nữa, nhất là đối với các doanh nghiệp cổ phần thoái hết vốn nhà nước, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Vì vậy, lược bỏ những thủ tục không thật sự cần thiết sẽ giúp cấp ủy rất nhiều trong việc toàn tâm, toàn ý lãnh đạo đơn vị hoạt động đạt hiệu quả cao hơn.

Khải Hưng