Bài đầu: Địa chỉ hấp dẫn
Kinh tế - Ngày đăng : 06:10, 25/04/2016
Bài đầu: Địa chỉ hấp dẫn
Hiện tại, Hà Nội đứng thứ ba cả nước về tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài và luôn là địa chỉ hấp dẫn dòng vốn "ngoại". Đáng chú ý, trong quý I-2016, Hà Nội đã lập "kỷ lục" mới trong thu hút đầu tư nước ngoài, với số vốn đăng ký gấp 5 lần cùng kỳ năm 2015 và dẫn đầu cả nước trong 3 tháng đầu năm.
Việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Hà Nội gắn liền với định hướng tăng trưởng xanh ưu tiên doanh nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Bá Hoạt |
Xu hướng gia tăng chất lượng
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay Hà Nội có gần 3.500 dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN) còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 23,22 tỷ USD, đứng thứ ba cả nước về vốn. Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà ĐTNN, với sự góp mặt của doanh nghiệp đến từ 72 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, hiện các nhà đầu tư đã giải ngân hơn 12 tỷ USD, đạt 52% tổng vốn đăng ký. Vốn ĐTNN tập trung vào 3 lĩnh vực: Bất động sản, công nghiệp chế biến - chế tạo và thương mại - dịch vụ. Phần lớn dự án ĐTNN vận hành theo hình thức 100% vốn nước ngoài, bởi đây là mô hình năng động - nhà đầu tư tự nghiên cứu và bỏ vốn cũng như dễ dàng triển khai và toàn quyền quyết định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vũ Duy Tuấn, Hà Nội là đô thị lớn, có cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại; trong đó chú trọng lĩnh vực thương mại - dịch vụ nên số lượng dự án ĐTNN quy mô nhỏ và vừa (vốn dưới 1 triệu USD) chiếm 81% tổng số dự án. Trung bình, quy mô vốn đạt 6,64 triệu USD/dự án, thấp hơn so với mức bình quân của cả nước. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, quy mô vốn không phải là yếu tố quan trọng, vấn đề là hiệu quả hoạt động của các dự án. Thông qua hoạt động sản xuất - kinh doanh, các dự án ĐTNN đang đóng góp 15% tổng vốn đầu tư xã hội, gần 50% kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn, đóng góp 13,7% cho ngân sách, cũng như tạo ra việc làm, thu nhập cho hàng nghìn lao động... Mặt khác, thông qua các dự án cụ thể, doanh nghiệp trên địa bàn cũng có thêm cơ hội hợp tác, liên kết và tiếp nhận công nghệ sản xuất mới, phương thức quản lý, kinh doanh hiện đại. Xu hướng ĐTNN tại Hà Nội sẽ là gia tăng chất lượng vì chính các nhà đầu tư cũng ý thức được vấn đề bảo đảm chất lượng sản phẩm là điều kiện quan trọng để cạnh tranh và đứng vững trên thị trường.
Khu công nghiệp Thăng Long - một trong những điển hình về thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội. Ảnh: Đức Nghiêm |
Nhiều dự án có trình độ công nghệ cao
3 tháng đầu năm 2016, Hà Nội lập "kỷ lục" mới trong thu hút ĐTNN, với tổng vốn đăng ký mới đạt 825 triệu USD, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2015. Kết quả ấn tượng nêu trên bắt nguồn từ những chính sách khơi thông, hấp dẫn, thu hút các nguồn lực đầu tư nói chung, ĐTNN nói riêng của Thủ đô thời gian qua. Đáng chú ý, đa số dự án mới có trình độ công nghệ cao, thân thiện môi trường, không tốn nhiều diện tích mặt bằng. Đơn cử, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (Hàn Quốc) vừa được cấp phép triển khai dự án Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Samsung, với tổng vốn 300 triệu USD. Đây sẽ là "cái nôi" cho ra đời những ý tưởng sáng tạo để đưa ra thị trường sản phẩm điện tử, viễn thông có giá trị gia tăng cao. Và dự án này, như Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Han Myoung Sup chia sẻ, là chiến lược phát triển trung - dài hạn của Samsung tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng.
Ông Vũ Duy Tuấn cho biết, Hà Nội có đặc điểm, lợi thế riêng, từ đó tạo ra sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đó là hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại; nguồn nhân lực trẻ, dồi dào và có chất lượng so với các địa phương khác. Ngoài ra, đây còn là một đầu tàu kinh tế, đầu mối giao thông, trung tâm giao thương của cả khu vực phía Bắc nên có sức lan tỏa rộng. Cùng với đó là cam kết đồng hành, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, vì sự thành công của nhà đầu tư; với quyết tâm cải cách hành chính, từ việc đơn giản hóa thủ tục, xây dựng ý thức thi hành công vụ hiệu quả, thân thiện... “Đây là phương châm và mục tiêu lâu dài, trên tinh thần kiên trì, cầu thị của thành phố, nhằm nâng cao uy tín, tạo niềm tin với cộng đồng ĐTNN” - Ông Tuấn nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Osuka`s, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long cho biết: Các thủ tục hành chính của Hà Nội đã được cải tiến rất nhiều. Đặc biệt, thời gian qua, nhiều khó khăn, vướng mắc của công ty đã được giải quyết nhanh chóng. Khu công nghiệp Thăng Long là một trong những khu công nghiệp ra đời sớm nhất, giải quyết việc làm cho 62.000 lao động. Ngoài đóng góp về kinh tế, khu công nghiệp còn đóng góp cho cộng đồng, xã hội tại địa phương thông qua hoạt động văn hóa, thể thao, hỗ trợ giáo dục, xây dựng... |