Bài đầu: Dấu ấn di sản, chứng nhân lịch sử

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:31, 24/04/2016

(HNM) - LTS: Thời gian và tiến trình đô thị hóa đã và đang làm biến dạng nhiều công trình văn hóa kiến trúc nghệ thuật cổ, trong đó có cổng làng - một thiết chế văn hóa đặc biệt, gắn với sự ra đời và tồn tại của những ngôi làng Việt cổ Bắc Bộ. Mặt khác, trong nhịp sống hiện đại ngày càng ít người quan tâm đến những giá trị mà di sản này muốn lưu lại…


Hãy bước dưới cổng làng để cảm nhận rõ hơn một không gian văn hóa đặc sắc cũng như lắng nghe những thông điệp mà di sản muốn truyền tải để biết thương yêu, trân trọng và có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa ấy!

Vừa là di sản văn hóa vật thể, cổng làng đồng thời mang nhiều giá trị văn hóa phi vật thể bởi ý nghĩa nhân văn sâu sắc lan tỏa cùng những giá trị tốt đẹp của làng quê. Những bức đại tự, câu đối… khắc trên cổng làng mang theo thông điệp về một xã hội thu nhỏ với những đặc trưng và giá trị riêng có bấy nay được coi là hồn cốt làm nên truyền thống cũng là niềm kiêu hãnh của cư dân trong làng...

"Nhập hương vấn tục"

Cụ Nguyễn Văn Kiếm (85 tuổi, người làng Hòa Xá, Chương Mỹ) cất giọng hãnh diện: "Khắp Chương Mỹ chẳng đâu có cổng làng được vua Trần Anh Tông ban tặng bốn chữ "Bất như nhân hòa", như quê tôi. Các chữ này có nghĩa người Hòa Xá luôn thuận hòa, đoàn kết. Nhìn vào đó là biết phong tục, tập quán, cốt cách của làng, nét đẹp gia tộc, tư chất của mỗi người dân... Bao đời nay, bức đại tự ấy còn là lời răn dạy con cháu hai buổi đi, về, đọc để hiểu, để làm người".

Trưởng thôn Hòa Xá, Nguyễn Văn Giống lại có cách dẫn thực tế hơn: "Hòa Xá là thôn lớn, chiếm tới nửa số dân cũng như diện tích của xã Đồng Phú nhưng đã từng là làng nghèo bậc nhất của huyện vì nằm ngay "rốn nước" của hai con sông lớn, quanh năm hứng chịu thiên tai. Thế nhưng bao đời nay, người Hòa Xá đã biết khắc cốt ghi tâm bốn chữ vàng.

Những năm chống Pháp, Hòa Xá là làng chiến đấu kiểu mẫu. Năm đầu tiên của phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới (1995), Hòa Xá là một trong 17 làng đầu tiên của tỉnh Hà Tây (cũ) được phong tặng Làng văn hóa và vẫn giữ vững danh hiệu cho đến hôm nay. Năm 2008, Hòa Xá được công nhận là Làng nghề truyền thống mây tre đan xuất khẩu. Hiện số hộ giàu trong làng chiếm tới 70%. Đặc biệt, đây là miền quê trong sạch, không có tệ nạn xã hội cũng như những vụ bất hòa, mâu thuẫn, đúng với tâm nguyện "Bất như nhân hòa" mà cha ông bao đời truyền lại…".

Từ Chương Mỹ xuôi về phía nam Ứng Hòa, chúng tôi được chiêm ngưỡng và lắng nghe thêm nhiều câu chuyện lý thú xoay quanh những chiếc cổng làng xưa cũ, những công trình, dẫu gánh hàng trăm năm tuổi, đã phủ kín rêu phong hay trơ gạch, cốt nền, vẫn giữ trọn vai trò "người gác cổng khổng lồ" đưa đón con em xa xứ trở về hay nghênh chào quý khách thập phương.

Làng khoa bảng Cao Lãm thuộc xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa còn nguyên đôi câu đối cổ trên cổng lớn, đại ý: Từ xưa đến nay công danh nơi triều chính, giàu sang tại thương trường, hễ ra khỏi làng hãy làm điều hữu ích. Tinh thần “xuất môn hữu công” đã thấm nhuần qua bao thế hệ người Cao Lãm, để rồi, dưới các triều đại phong kiến, nơi đây có tới 99 người có học hàm, học vị (trong đó có 6 tiến sĩ), hiện tại làng có 7 tiến sĩ, người có học vị cử nhân trở lên tính không hết...

Một ngôi làng thú vị khác là Làng Chùa xã Sơn Công, nơi được mệnh danh là làng "xuất khẩu thành thơ" độc nhất, vô nhị trên cả nước. Điểm đặc biệt này được chính người làng thể hiện đầy kiêu hãnh trên những tấm biển dựng quanh các trục đường liên xóm, như một cách khẳng định thương hiệu "thơ là cốt cách, tâm hồn người Làng Chùa" đúng với ý nghĩa bốn chữ "Vọng tự nhập xuất" tạc trên cổng làng (Trông chữ khi ra vào làng).

Hồn cốt làng quê

Cũng trong hành trình "nhập hương vấn tục", chúng tôi được nhà giáo Nguyễn Xuân Tham, người gốc Nhị Khê, Thường Tín giới thiệu về những chiếc cổng làng quê ông - vốn không chỉ là di sản văn hóa, đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc làng Việt mà còn phản ánh chiều sâu văn hóa thông qua những triết lý sống được đắp nổi trên mỗi công trình.

Đó là làng Nhị Khê với dòng chữ "Như kiến đại tân" trên Cổng Quốc, mang hàm ý: "Tấm lòng người dân luôn rộng mở, ai đến đây đều được coi trọng như khách quý". Cổng làng Trung Thôn với bốn chữ "Trung lập bất ỷ" đề cao tính trung thực, tự lập, ý chí vươn lên của cư dân trong làng. Cổng làng Thượng Đình đang lưu giữ bức đại tự "Chí bình dĩ thánh" - ý nói cuộc sống nơi đây luôn bình dị, thanh cao. Cổng làng Văn Xá với thông điệp "Nhân vi mỹ" - như một cách nhắc nhở con cháu coi trọng giá trị chân - thiện - mỹ ở đời…

Cổng làng Cao Lãm xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa.


Những bức đại tự lưu dấu trên cổng làng hẳn nhiên đã phản ánh nét văn hóa đặc trưng và có ảnh hưởng rất lớn tới lối sống, tâm hồn của các thế hệ người Nhị Khê! Lịch sử dân tộc còn ghi, Nhị Khê là miền quê sản sinh những khoa bảng, chí sĩ yêu nước như Hàn lâm học sĩ Nguyễn Phi Khanh học rộng tài cao nổi tiếng đất Thăng Long. Con của cụ là "Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo" Nguyễn Trãi - Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, người đã để lại cho nước Việt một nền đức hạnh bao la cùng sự nghiệp văn chương xán lạn.

Nhị Khê còn là quê gốc của Hoàng giáp Ngô Hòa; Thám hoa Nguyễn Đình Tấn; nhà sử học Dương Bá Cung; người sáng lập phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, mở mang dân trí Lương Văn Can… Đây cũng chính là quê hương của Nguyễn Thiện Thuật, thủ lĩnh nghĩa quân Bãi Sậy; Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương... Những cá nhân kiệt xuất ấy đều đã từng chung nước nguồn Nhị Khê, ra đi để làm rạng danh quê hương.

Từ những địa chỉ cụ thể này, nhìn rộng ra để thấy, Hà Nội văn hiến còn tồn tại đến nay hàng nghìn di tích lịch sử văn hóa trong các làng, các phố. Cùng với đó là rất nhiều cổng làng cổ mà tạo tác kiến trúc và mỗi nét điêu khắc hoa văn đều hàm chứa những giá trị nhân văn sâu sắc. Cổng làng Ước Lễ (Thanh Oai) và cổng làng Yên Thái (Tây Hồ) vẫn giữ được vẹn nguyên kiến trúc cổ cùng bức đại tự "Mỹ tục khả phong" (làng có phong tục đẹp) do vua Tự Đức ban tặng.

Cổng làng Yên Thái còn ghi "Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm làng ngày 6-1-1946", để các thế hệ sau ghi nhớ sự kiện này. Cổng làng Đại Từ (Đại Kim, Hoàng Mai) vẫn lưu bốn chữ "Đại từ nghĩa dân" xuất phát từ truyền thống bao bọc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi từ bao đời của làng… Ba Vì, huyện miền núi có gần 200 làng, hiện nhiều nơi còn giữ được cổng làng đẹp và đặc sắc như làng Đông Lâu (Phú Đông), làng Đông Viên (Đông Quang), Làng Chàng (Chu Minh), làng Viên Châu (Cổ Đô)… với những câu đối được đắp bằng chữ Hán, chữ Nôm vừa mang tính triết lý, vừa có giá trị thẩm mỹ cao.

Rêu phong, cổ kính và trầm mặc, cổng làng - vừa là nơi phòng thủ vừa có vai trò bảo vệ những giá trị tinh thần, qua năm tháng mà thành chứng nhân lịch sử. Và những bức đại tự, những câu đối trên cổng làng đã và đang là sợi chỉ xuyên suốt thời gian, khắc ghi truyền thống văn hóa, triết lý nhân sinh của các thế hệ dân cư trong làng. Có lẽ bởi vậy, những thiết chế văn hóa mang đặc trưng làng quê Bắc Bộ ấy đã trở thành một phần thiêng liêng, sâu đậm trong ký ức nhiều người.

Dù có ý nghĩa đặc biệt song gánh nặng thời gian cùng quá trình đô thị hóa đã và đang làm cổng làng cổ thưa vắng dần trong đời sống hiện đại. Làm thế nào để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản, để một Hà Nội hiện đại, phát triển mà không mất đi những không gian văn hóa, vốn là một yếu tố làm nên chất văn hiến của Thăng Long - Hà Nội.

Bằng Giang - Thanh Thủy