Cẩn trọng với diễn biến bất thường của thời tiết

Xã hội - Ngày đăng : 07:09, 23/04/2016

(HNM) - Liên tiếp trong thời gian ngắn gần đây xuất hiện nhiều hiện tượng bất thường của thiên nhiên. Mưa đá kèm theo gió lốc gây thiệt hại về người và tài sản ở Hà Giang (ngày 19-4); lốc xoáy, mưa đá làm hỏng hàng trăm căn nhà tại huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế (ngày 17-4); mưa đá tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang (ngày 3-4)...


Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Trưởng phòng Dự báo khí tượng hạn vừa, hạn dài, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, dông, lốc, mưa đá thường bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 4 và kết thúc vào khoảng cuối tháng 10 đầu tháng 11. Nhưng tùy theo địa hình, mùa dông, lốc, mưa đá ở mỗi địa phương có sự khác nhau. Ông Hòa giải thích, hiện tượng mưa đá thường xuất hiện trong các tháng chuyển tiếp giữa mùa lạnh sang mùa nóng (tháng 4, 5) hoặc giữa mùa nóng sang mùa lạnh (tháng 9, 10 và 11), vì có sự "giao tranh" mãnh liệt giữa các khối không khí có bản chất trái ngược nhau. Sự "giao tranh" này tạo nên những vùng đối lưu rất mạnh, gây ra mưa rào, dông mạnh, lốc và kèm theo mưa đá.

Trả lời câu hỏi, làm thế nào nhận biết, đề phòng hiện tượng dông, lốc, để hạn chế thiệt hại? Ông Hòa nói: Ở những vùng có dông, các yếu tố khí tượng thường thay đổi đột ngột, như sự giảm nhiệt độ, tăng độ ẩm không khí, đột biến của khí áp, hướng và tốc độ gió. Cùng với đó, có đặc điểm cần lưu ý là dông xảy ra nhiều nhất ở vùng ven biển. Trên lục địa, dông thường xảy ra vào buổi chiều và tối khi đối lưu ở trong đất liền phát triển mạnh hơn ở trên biển. Ở vùng biển gần bờ, dông thường xảy ra vào ban đêm, bởi ban đêm sự chênh lệch nhiệt độ giữa nước và không khí đạt đến cực đại, tạo điều kiện thuận lợi cho đối lưu phát triển. Nếu thấy trời nổi gió, mây đen bao phủ bầu trời gần như kín tầm mắt, có dạng như bầu vú, khả năng sẽ xuất hiện dông, thậm chí còn kèm theo lốc xoáy. Gió nổi mạnh, tạo ra tiếng "ù ù, ầm ầm" liên tục thì hãy cảnh giác với mưa đá. Nếu tiếp đó có lắc rắc vài hạt mưa rào và cảm thấy nhiệt độ không khí lạnh đi nhanh chóng, có thể mưa đá sẽ xảy ra.

Theo các chuyên gia khí tượng, Việt Nam đang chịu tác động của một kỳ El Nino mạnh kỷ lục (cường độ tương đương với kỳ El Nino 1997 - 1998) và có khả năng trở thành một trong những El Nino kéo dài nhất từ trước đến nay (khoảng 20 tháng). Ông Hòa cho biết, với diễn biến của hiện tượng này, dự báo nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ tập trung nhiều trong thời đoạn từ nửa cuối tháng 4 đến tháng 8-2016, tuy nhiên mức độ không gay gắt như các đợt nắng nóng trong năm 2015. Còn khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ, sẽ tiếp tục xảy ra nhiều ngày nắng nóng trong nửa cuối tháng 4 và tháng 5. Về mưa, dự báo khả năng đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ trong tháng 5 ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) 20-40%; các tháng 6, 7, 8 ở mức cao hơn TBNN 5-15%; các tháng 9 và 10 ở mức thấp hơn TBNN 5-15%. Các đợt mưa lớn ở Bắc Bộ sẽ tập trung từ tháng 6 đến tháng 8-2016, trong đó đặc biệt đề phòng các trận mưa lớn, dồn dập trong thời gian ngắn, có thể gây quá tải hệ thống thoát nước.

Hiện tượng thời tiết thay đổi liên tục, thậm chí trong một ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nhất là trẻ nhỏ, người già. Lời khuyên của thầy thuốc là trong những ngày nắng nóng, nên hạn chế ra đường, chủ động uống nhiều nước. Nếu buộc phải ra ngoài trời thời điểm nắng gắt, cần trang bị đồ chống nắng, che kín gáy, giúp ngăn bớt tia nắng rọi thẳng vào người.

Phương Nhi