"Sóng cồn" sẽ qua
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:09, 22/04/2016
Tổng thống Mỹ B.Obama và Quốc vương Saudi Arabia Salman tại Riyadh. |
Khác với những chuyến thăm trước đó, lãnh đạo Saudi Arabia đón ông chủ Nhà Trắng tại Riyadh với ánh mắt ngờ vực và những nụ cười ẩn chứa nghi kỵ. Bầu không khí căng thẳng đang bao trùm mối quan hệ đối tác Mỹ - Saudi Arabia được cho không thể trở về trạng thái nồng ấm vốn có chỉ sau hai ngày ở thăm đất nước dầu mỏ của người đứng đầu nước Mỹ.
Gắn bó bằng sự liên kết đặc biệt trong suốt 7 thập kỷ qua, "cơn gió lạnh" đầu tiên đến với tình bạn khăng khít Mỹ - Saudi Arabia là thảm họa 11-9-2001, theo đó 15 trong số 19 kẻ khủng bố làm nước Mỹ rung chuyển mang quốc tịch Saudi Arabia. Chính phủ Hoàng gia nhà Saud bác bỏ mọi sự liên quan đến các vụ tấn công đẫm máu nhưng có vẻ như người Mỹ vẫn chưa nguôi ngoai.
Sự việc vừa được xới lại khi Quốc hội Mỹ xem xét thông qua dự luật đã được Ủy ban Tư pháp Thượng viện chấp thuận hồi đầu năm, cho phép các nạn nhân vụ 11-9 và các vụ khủng bố khác được phép khởi kiện chính phủ các nước bị tình nghi có liên quan, động thái mà Saudi Arabia cho rằng sẽ làm họ bị liên lụy. Dự luật trên cùng với những thông tin đồn đoán rằng chính quyền Saudi Arabia đã hỗ trợ tài chính cho những kẻ tham gia tấm thảm kịch 11-9, càng khiến Riyadh điên đầu và đe dọa sẽ bán toàn bộ 750 tỷ USD tài sản tại Mỹ trước khi có nguy cơ bị ra lệnh "đóng băng".
Thế nhưng, nếu chỉ có vậy thì chưa đủ làm hoàng gia giàu có ở vùng Vịnh giận dữ khi đã quen với sự cảnh giác nhất định từ đối tác lớn. Chính Tổng thống B.Obama mới là người "gây nên chuyện" sau những phát biểu thẳng thừng rằng Saudi Arabia cần "chia sẻ tình hàng xóm" với Iran được đăng tải trên ấn bản tháng 4 của tạp chí "The Atlantic".
Làn sóng bất bình nổi lên từ giới truyền thông Saudi Arabia đến các ngôi nhà dát vàng tráng lệ của những hoàng thân, quốc thích tại vương quốc dầu lửa. Tại một đất nước tự coi mình là người hùng của dòng Hồi giáo Sunni, lời yêu cầu phải chung sống hòa bình và chia sẻ Trung Đông với kẻ thù truyền kiếp Iran vốn là "ngọn cờ đầu" của dòng Hồi giáo Shiite là rất khó chấp nhận. Những lời nói được xem đã đánh thẳng vào những giá trị tạo nên nền tảng quyền lực của gia đình Saud càng khía sâu thêm nỗi thất vọng của Saudi Arabia đối với chính sách của Mỹ tại khu vực.
Trong khi Washington ca ngợi thỏa thuận hạt nhân với Tehran như là một thành tựu ngoại giao đột phá thì Riyadh sống trong cảm giác bị đồng minh thân thiết "chơi một vố đau". Với một văn bản giúp "cởi trói" Iran bước ra thế giới, tiến lên một vị thế cao hơn, quan trọng hơn trên vũ đài chính trị khu vực mà Saudi Arabia từng giữ vị trí thống soái, Riyadh bắt đầu cảm nhận được sự "xoay trục về Iran" của Washington. Chính sách này càng trở nên rõ ràng sau lời kêu gọi chia sẻ quyền lực giữa hai đối thủ của ông B.Obama cũng như những hàm ý ám chỉ rằng quốc gia vùng Vịnh kích động sự xung đột bè phái tại Syria, Yemen, Iraq giữa lúc Riyadh từng không ít lần bất bình trước sự do dự của Mỹ trong việc lật đổ Chính phủ Tổng thống Bashar Al-Assad thân Iran ở Syria.
Vì vậy, chuyến công du Trung Đông, có lẽ là cuối cùng của ông B.Obama trên cương vị Tổng thống sẽ phần nào giải tỏa tâm lý cho người anh em ở vùng Vịnh. Như thế cũng đủ phát đi tín hiệu rằng Mỹ vẫn xem mối quan hệ với Saudi Arabia như là một trụ cột chủ chốt và bất biến cho sự ổn định tại khu vực Trung Đông cũng như bảo đảm những lợi ích của Mỹ tại vùng đất chiến lược này. Thực tế cho thấy, không chỉ làm tốt vai trò nhà cung cấp dầu lửa tin cậy của "chú Sam" suốt 70 năm qua, tiềm lực kinh tế dồi dào và vị thế dẫn dắt thế giới Hồi giáo của Saudi Arabia khiến quốc gia này vẫn là một quân át chủ bài để Mỹ có thể thực hiện những tính toán tại khu vực.
Dù vũ khí dầu mỏ của Riyadh đã giảm bớt giá trị với Washington nhờ sự nở rộ của công nghệ dầu đá phiến ở Mỹ nhưng vai trò của nước này trong việc duy trì an ninh, chống chủ nghĩa khủng bố, chấm dứt các cuộc xung đột ở Trung Đông là không thể thay thế. Saudi Arabia có đủ tiền và cũng đủ khả năng để gây khó dễ cho Mỹ một khi mất hết sự tin tưởng vào Washington.
Cho đến nay, mặc dù Mỹ là nhà bảo trợ an ninh cho Saudi Arabia nhưng quốc gia này cũng là một khách hàng hào phóng và tiềm năng của các ngành công nghiệp vũ khí Mỹ. Tính trung bình, cứ 7 USD chi cho nhập khẩu vũ khí toàn cầu năm 2015, có 1 USD từ quốc gia vùng Vịnh. Do đó, xét trên mọi khía cạnh, liên minh Mỹ - Saudi Arabia vẫn nằm trong lợi ích cốt lõi nhằm bảo vệ vị thế cường quốc số 1 thế giới của xứ Cờ hoa. Thế nên, dù xuất hiện nhiều cơn "sóng cồn" nhưng về cơ bản mối liên kết này vẫn còn giá trị trong môi trường khu vực đầy thách thức.