Lộ rõ bất cập

Kinh tế - Ngày đăng : 05:09, 22/04/2016

(HNM) - Quy hoạch (QH) nông thôn là cơ sở để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM)... Thực tế, sau hơn 5 năm xây dựng NTM, sản xuất nông nghiệp và các thiết chế văn hóa khu vực nông thôn của Hà Nội đã đạt kết quả cao.

Khu vực nông thôn của Hà Nội đã đạt nhiều kết quả sau hơn 5 năm xây dựng nông thôn mới.


Bộc lộ khiếm khuyết

Triển khai xây dựng NTM, công tác QH được Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội xác định ưu tiên, đi trước một bước. Theo đó, các địa phương đã dốc sức cho nhiệm vụ này, nhờ vậy, trong 2 năm (2011-2012) triển khai, toàn bộ 401 xã trên địa bàn đã hoàn thành QH xây dựng NTM và được UBND các huyện, thị xã phê duyệt với tỷ lệ 1/5.000 và 1/10.000.

Tuy vậy, do QH xây dựng NTM cấp xã được UBND các huyện, thị xã phê duyệt, trong khi QH các phân khu đô thị, QH chung của huyện lại phê duyệt sau và do UBND thành phố duyệt nên ở một số nơi, QH xã NTM lộ rõ bất cập so với QH phân khu đô thị và QH chung của huyện dẫn đến khó thực hiện. Mặt khác, các xã NTM được phê duyệt QH chủ yếu đồ án tỷ lệ 1/5.000 và 1/10.000, cơ bản vẫn còn thiếu QH tỷ lệ 1/2.000 và 1/500 khu trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn. Do vậy, các địa phương đang gặp khó khăn trong việc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và triển khai các dự án thuộc đề án QH xây dựng xã NTM như điểm dân cư nông thôn, nhà văn hóa, nhà trẻ, trường học…

Theo Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng, tại các xã làng nghề, xã có tốc độ đô thị hóa nhanh rất cần bổ sung QH điểm dân cư nông thôn làm định hướng để xây dựng nhà ở khu vực nông thôn đáp ứng cảnh quan, môi trường và điều kiện sống cho người dân.

Qua rà soát của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, hiện có 4/18 huyện có QH điểm dân cư nông thôn và QH trung tâm xã tỷ lệ 1/2.000 là Thanh Trì, Mê Linh, Gia Lâm, Đông Anh; 14 huyện, thị xã chưa lập QH điểm dân cư nông thôn và QH khu trung tâm xã tỷ lệ 1/2.000 và 1/500. Về việc này, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Bùi Mạnh Tiến cho rằng: "Nông thôn của Hà Nội có đặc thù nằm trong lòng Thủ đô là khu vực phát triển kinh tế - xã hội năng động nhất trong cả nước, tốc độ đô thị hóa nhanh, để gắn kết hài hòa hai khu vực đô thị và nông thôn về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nhằm tạo ra một đô thị có tính phát triển bền vững, đồng nghĩa với việc nâng cao đời sống nhân dân thì việc hoàn thiện QH nông thôn là rất cần thiết".

Lựa chọn mô hình mẫu

Được biết, tháng 10-2015, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có văn bản đề nghị các huyện, thị xã rà soát lại QH xây dựng xã NTM trên địa bàn, đặc biệt là các điểm dân cư nông thôn và các trung tâm xã tại 18 huyện, thị xã. Đến nay, các huyện, thị xã đang tiến hành lập kế hoạch thực hiện, về cơ bản các địa phương mong sớm lập bổ sung QH điểm dân cư nông thôn và trung tâm xã, tuy nhiên do gặp khó khăn về tài chính, các huyện đề nghị UBND thành phố hỗ trợ kinh phí để có cơ sở triển khai.

Để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng xây dựng NTM, trong tháng 3-2016, UBND thành phố đã có Công văn số 1780/UBND-QHKT về việc nâng cấp QH xây dựng NTM, trong đó giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu chọn một thôn hoặc một xã làm điển hình đạt tiêu chuẩn (theo hướng như các nước tiên tiến) để nâng cấp Chương trình xây dựng NTM theo hướng hiện đại, bền vững. Sau khi tổng hợp rà soát, nghiên cứu, Sở Quy hoạch - Kiến trúc dự kiến đề xuất xã để nâng cấp QH xây dựng NTM thành xã điển hình gồm xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) là xã điển hình về xây dựng NTM nằm ngoài khu vực phát triển đô thị và xã Đông Hội (huyện Đông Anh) là xã điển hình về xây dựng NTM nằm trong khu vực phát triển đô thị.

Cũng theo ông Bùi Mạnh Tiến, quan điểm của thành phố về QH điểm dân cư nông thôn của Hà Nội không có sự khác biệt lớn so với các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, đặc thù các xã nông thôn của Hà Nội thuộc đô thị đặc biệt, do vậy khi áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho điểm dân cư nông thôn, Hà Nội sẽ nghiên cứu áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn theo yêu cầu của khu vực đô thị để khớp nối đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội giữa hai khu vực đô thị và nông thôn, nhằm nâng cao đời sống nông dân tiến gần hơn mức sống của người dân đô thị.

Hiện nay, thành phố đã đưa việc triển khai QH điểm dân cư nông thôn và QH khu trung tâm xã vào dự thảo Chương trình 02 của Thành ủy giai đoạn 2016-2020. Theo đó, thành phố sẽ cho triển khai lập QH chi tiết trung tâm xã và QH điểm dân cư nông thôn tỷ lệ 1/2.000 và 1/500 đối với các xã còn thiếu, ưu tiên các làng nghề và các xã có nhu cầu đô thị hóa cao làm cơ sở để định hướng xây dựng nhà ở khu vực nông thôn đáp ứng tiêu chí cảnh quan, môi trường, điều kiện sống cho người dân. 

Nguyễn Mai