Không phải tại trời!

Góc nhìn - Ngày đăng : 04:48, 22/04/2016

(HNM) - Sau khoảng 10 năm đầu tư lớn cho công tác tiêu thoát nước, kết hợp chỉnh trang đô thị, đến thời điểm này, việc Hà Nội chỉ còn 16 điểm khu vực nội thành bị ngập nếu có mưa trên 50mm là một cố gắng lớn. Đặc biệt, dự án thoát nước giai đoạn I - II đã đem lại diện mạo mới cho Sông Lừ, Sông Sét, sông Kim Ngưu, trong đó khả năng tiêu thoát nước đã được bảo đảm hơn rất nhiều so với trước. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì công tác quy hoạch hệ thống thoát nước nói chung và phát triển hạ tầng khu vực đô thị "lõi" của Hà Nội còn nhiều bất cập.

Minh chứng rõ nhất cho điều này là quy hoạch hệ thống thoát nước đô thị luôn "chạy sau" các quy hoạch khác (ở các khu đô thị, tuyến đường mới) và trong cảnh bị động ở những điểm dân cư cũ đang đô thị hóa nhanh. Chúng ta có thể thấy rõ điều này tại khu vực đường Nguyễn Xiển (quận Hoàng Mai - Thanh Xuân), đường Cổ Linh (quận Long Biên)… mới mở vài năm nay nhưng luôn trong cảnh "hễ mưa là ngập". Nhiều khu vực làng xóm cũ, nhất là khu vực có địa thế thấp trũng thuộc quận Hoàng Mai khi chuyển từ xã lên phường cũng trong tình cảnh này. Ngày trước, Hà Nội có nhiều hồ điều hòa và diện tích đất tự ngấm nhưng bây giờ, lòng đường, vỉa hè bị bê tông hóa, diện tích đất ao hồ bị thu hẹp dẫn tới việc tiêu thoát nước dồn hết cho hệ thống cống ngầm vốn đã quá tải. Rồi vẫn còn phổ biến tình trạng tập kết rác trên các rãnh tiêu thoát nước, miệng ga thu, dẫn tới gây ách tắc, giảm khả năng tiêu thoát nước khi cần. Ngoài ra, nhiều hộ dân sử dụng tôn, gỗ, bao dứa… bịt các miệng ga thu, khi mưa trở thành vật cản, không được dỡ bỏ kịp thời cũng gây ra úng ngập cục bộ. Không những vậy, hệ thống thoát nước được xây dựng qua nhiều giai đoạn, chắp vá, không bao phủ được khắp các khu vực trong đô thị, còn thiếu cống để thu nước thoát cho các tiểu khu, khu dân cư cũng gây ngập úng. Nói chung, một hạ tầng luôn chạy theo sự phát triển "nóng" của đô thị thì việc giải quyết triệt để những bất cập, trong đó có vấn đề tiêu thoát nước sẽ tiếp tục là câu chuyện dài trong những năm tới.

Đặc biệt, việc điều chỉnh quy hoạch ở các khu chức năng, khu dân cư tại địa bàn các quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng thời gian qua cũng góp phần làm cho hạ tầng đô thị quá tải, mà hệ thống giao thông, tiêu thoát nước là điển hình. Chính phủ đã có chủ trương di dời bệnh viện, trường đại học, nhà máy từ nội đô ra vùng ven nhưng rồi bao nhiêu trong số đó đã di chuyển hoặc di chuyển rồi lại "biến thành" khu đô thị mới đã được thống kê hay chưa? Điều này ảnh hưởng thế nào đến hạ tầng đô thị vùng lân cận, trong khi diện tích này không dễ gì "mọc thêm" chắc không khó để trả lời.

Do đó, giải pháp trước mắt vẫn phải là sửa chữa, nâng cấp, nâng cao hiệu suất tiêu thoát của hạ tầng thoát nước hiện có. Về lâu dài, ngoài tập trung nguồn vốn đầu tư hệ thống thoát nước đồng bộ, đáp ứng lượng dân cư ngày càng lớn, thì yêu cầu từng phân khu đô thị, tòa nhà cần phải có hồ điều hòa, các bãi cỏ, vỉa hè tự thấm nước khi duyệt quy hoạch, thi công là cần thiết và phải xem đó là việc bắt buộc. Ở vườn hoa, phải tạo ra bể ngầm, lấy nước dùng để cứu hỏa, tưới cây, rửa đường, giảm ngập lụt là những giải pháp nên làm. Mặt khác, khi có điều kiện, Hà Nội cũng nên tính đến phương án xây dựng các hồ chứa ngầm, coi đó là cách giảm úng ngập như các đô thị lớn khác trên thế giới đã sử dụng thành công.

Nhận thấy "căn bệnh" đã khó, quyết tâm "chữa bệnh" lại càng khó hơn, đặc biệt là trong cảnh nguồn lực hạn chế, diễn biến của biến đổi khí hậu ngày càng khó lường. Rõ ràng, việc úng ngập đô thị phần nhiều là do con người và muốn giảm thiểu điều này, mỗi công dân trong xã hội cần phải có ý thức hơn, đơn giản nhất là làm sao để cống thoát nước trước cửa nhà mình không tồn đọng rác, không bị túi ni lông… che phủ.

Long Biên