Quan hệ Mỹ - Saudi Arabia: Cuộc hôn nhân bất hạnh
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 16:49, 21/04/2016
Tổng thống Obama (phải) và Quốc vương Salman trong cuộc gặp mới đây ở Saudi Arabia. Ảnh: Reuters |
Đó là nhận định của học giả Aaron David Miller đồng thời là phó Chủ tịch Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson trong bài bình luận mới đây trên CNN. Theo ông Miller, đây chỉ là một trong nhiều vấn đề mà Tổng thống Obama phải đối mặt trong cuộc gặp giữa ông và Quốc vương Saudi Arabia Salman tuần này, nhằm thảo luận về tình hình khu vực và mối quan hệ Washington – Riyadh.
Saudi Arabia đã chào mừng Tổng thống Mỹ một cách khiêm tốn khi chỉ gửi các quan chức cấp dưới tới đón tiếp ông và thậm chí truyền hình nhà nước Saudi Arabia còn không đưa tin về chuyến thăm này. Rõ ràng đây là những tín hiệu cho thấy mối quan hệ giữa hai nước đang gặp trục trặc. Và bất kể cuộc gặp tuần này kết thúc ra sao, mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia sẽ còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết.
Saudi Arabia và Mỹ chính thức trở thành đồng minh sau “Hiệp ước Kuinsi” - hiệp ước về quan hệ liên minh Mỹ - Saudi Arabia được ký kết năm 1945 trên tàu tuần dương hạm Kuinsi. Đã hơn 70 năm gắn bó, song nhìn vào thực tế thì Mỹ và Saudi Arabia không chia sẻ những giá trị và lợi ích chung trong nhiều vấn đề quan trọng. Rõ ràng mối quan hệ này không hề giống như những mô hình liên minh khác giữa Mỹ và những nền dân chủ như Anh hay Canada.
Saudi Arabia là nước theo chế độ quân chủ chuyên chế và phân biệt đối xử với phụ nữ, không cho phép tự do tôn giáo cũng như tự do báo chí. Saudi Arabia từ lâu cũng đã truyền bá tư tưởng cực đoan Wahhabi bài trừ người Shia, Do Thái, Thiên chúa giáo và phương Tây.
Tuy nhiên, Saudi Arabia không phải là Nhà nước Hồi giáo (IS), cũng không phải là một phiên bản tiền đề của nó, như một số nhà phân tích từng đề cập. Saudi Arabia không tìm cách phá hoại trật tự khu vực hay hỗ trợ khủng bố chống lại phương Tây, cũng như có mưu đồ thành lập một nhà nước Hồi giáo (Caliphate). Thực tế, người Saudi, bản thân họ đã là nạn nhân của những kẻ khủng bố thánh chiến, và đã hợp tác mật thiết với Mỹ để chống lại al-Qaeda ở Yemen cũng như chiến đấu với IS. Có thể nói rằng, mặc dù không chia sẻ những giá trị về tự do, dân chủ, nhưng Mỹ và Saudi Arabia vẫn có những lợi ích chung không thể phủ nhận. Đây là cơ sở căn bản cho mối quan hệ đồng minh, cho “cuộc hôn nhân” giữa hai quốc gia này.
Đối với Mỹ, Saudi Arabia chính là nguồn gốc của sự ổn định tại Trung Đông. "Các đời Tổng thống Mỹ đều mong muốn một mối quan hệ nghiêm túc với những nước xuất khẩu dầu mỏ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới", giáo sư F. Gregory Gause tại Đại học Texas nhận định. Saudi Arabia cũng hợp tác với Mỹ trong chiến dịch chống các nhóm khủng bố Hồi giáo, điển hình như Al-Qaeda hay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ngoài ra, Washington cũng muốn tranh thủ sự giúp đỡ của Riyadh để giải quyết cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 năm qua ở Syria.
Ở chiều ngược lại, đã hơn 70 năm trôi qua kể từ khi Tổng thống Franklin D. Roosevelt đề xướng liên minh với Saudi Arabia, nước này vẫn hướng đến Mỹ chủ yếu nhằm bảo đảm duy trì an ninh tại một khu vực luôn tiềm ẩn bất ổn. Saudi Arabia muốn được Mỹ ủng hộ, đặc biệt nếu có xung đột với Iran - đối thủ truyền thống của họ trong khu vực.
Mặc dù vậy, trong hai thập niên trở lại đây, lợi ích của hai quốc gia này đang đi theo những hướng khác nhau. Như trước đây, Saudi Arabia sẽ tạo cơ hội cho Mỹ tiếp cận nguồn năng lượng dồi dào để đổi lại sự đảm bảo về an ninh trước những mối đe dọa bên ngoài. Tuy nhiên mối liên hệ này giờ đã bị xói mòn. Thậm chí, dù chính quyền của Tổng thống Obama đã bán gần 95 tỷ USD vũ khí cho Saudi, thì trong một loạt những vấn đề chủ chốt như Syria, Iran, xung đột Israel-Palestine, Ai Cập và tiến trình dân chủ hóa khu vực, quan điểm của hai bên đang lộ rõ những khác biệt. Việc Mỹ giảm dần sự hiện diện tại Trung Đông, Mỹ và Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân đã tạo nên nền tảng cho sự ngờ vực và thiếu lòng tin trong quan hệ Mỹ - Saudi Arabia.
Saudi Arabia đang trông đợi nhiệm kỳ của Tổng thống Obama kết thúc và chắc chắn không kỳ vọng tổng thống mới sẽ đưa ra bình luận kiểu như phát biểu của ông Obama trên tạp chí The Atlantic tuần vừa rồi. Trên tờ báo, Tổng thống Mỹ cho rằng Saudi Arabia cần phải “chia sẻ tình hàng xóm láng giềng” với Iran thay vì chờ đợi Washington với tư cách là đồng minh sử dụng sức mạnh quân sự để trả thù. Ngoài ra, Tổng thống Obama còn miêu tả các nước Vùng Vịnh là “kẻ đi nhờ” luôn bộc lộ “sự chần chừ trong hành động” liên quan tới an ninh khu vực. Mặc dù vậy, các nhà phân tích cho rằng, chính sách của Mỹ sẽ không có thay đổi đáng kể trong năm 2017.
Nói cách khác là Mỹ sẽ vẫn mắc kẹt trong một “cuộc hôn nhân bất hạnh” với Saudi Arabia, không thể ly dị nhưng cũng không thể hòa giải. Tình trạng hỗn loạn ở Trung Đông hiện nay buộc Mỹ và Saudi Arabia không còn cách nào khác là phải gắn bó với nhau. Bất chấp những bất đồng, khác biệt trong quan điểm và lợi ích, trong tương lai nhiều khả năng hai quốc gia này sẽ tìm được cách vượt qua và hợp tác trong những lĩnh vực mà họ có thể.