Trẻ bị tiêu chảy: Chỉ sử dụng kháng sinh khi có chỉ định của bác sỹ
Xã hội - Ngày đăng : 15:16, 21/04/2016
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh tiêu chảy ở trẻ thường gặp vào mùa hè, do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có thể do vi rút hoặc vi khuẩn. Cha mẹ chỉ nên dùng kháng sinh cho bé bị tiêu chảy khi có chỉ định của bác sỹ.
Chiều 21/4, Báo Hànộimới Điện tử tổ chức tư vấn trực tuyến về phòng, chống bệnh mùa hè với sự tham gia của PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương. Dưới đây là nội dung buổi tư vấn:
-Con tôi bị sốt nhẹ, từ hôm qua miệng cháu bị lở loét ở nhiều chỗ giống như bị nhiệt, miệng hôi, ở lòng bàn tay xuất hiện một số mụn bọng nước. Xin BS cho biết: Có phải con tôi bị bệnh tay chân miệng? Bệnh này nguyên nhân do đâu, có nguy hiểm không? (bạn đọc, Hồng Hà, quận Hoàn Kiếm).
-PGS.TS Trần Minh Điển: Các dấu hiệu bệnh của cháu có thể là bệnh tay chân miệng (ban loét trong miệng, mụn nước lòng bàn tay chân, sốt nhẹ), cần phân biệt với bệnh viêm loét lợi miệng do Herpes. Cả hai bệnh này đều do nguyên nhân vi rút. Nếu chỉ sốt nhẹ và ban mọc thì bệnh chưa nguy hiểm, có thể điều trị tại nhà. Khi có các dấu hiệu sốt cao (trên 39 độ), rung giật cơ, mệt li bì, nhịp tim nhanh… thì cần phải nhập viện ngay vì có nguy cơ biến chứng tim mạch, thần kinh. Cần giữ gìn cháu trong môi trường sạch sẽ, thoáng mát, chăm sóc tại chỗ nơi tổn thương miệng, lợi (lau rửa, vệ sinh thường xuyên).
PGS.TS Trần Minh Điển-Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương |
- Tôi nghe nói, vào mùa hè trẻ nhỏ thường bị tiêu chảy, có phải không thưa BS?. Khi trẻ bị tiêu chảy, cần chăm sóc như thế nào? (độc giả Quang Minh, quận Thanh Xuân).
-PGS.TS Trần Minh Điển: Bệnh tiêu chảy do nhiều nguyên nhân, có thể do vi rút hoặc vi khuẩn, là hai nguyên nhân thường gặp nhất. Vào mùa hè nắng nóng, liên quan đến thức ăn dễ bị ôi thiu, trẻ đi chơi xa, ở nhà một mình… các bà mẹ khó kiểm soát chế độ ăn, do vậy trẻ dễ bị nhiễm độc thức ăn gây tiêu chảy.
Khi trẻ bị tiêu chảy cần đi khám bác sỹ nhi khoa để xác định mức độ mất nước, dấu hiệu tiêu chảy nhiễm khuẩn (sốt, phân nhầy máu, thối khẳn…). Nếu chỉ mất nước ở mức độ nhẹ (khát nhẹ, miệng khô, còn tiểu được…) có thể điều trị tại nhà để bù nước và điện giải (ORS, pha đứng theo chỉ dãn, uống theo nhu cầu của trẻ). Kháng sinh nên có chỉ định của bác sỹ. Chế độ ăn lỏng và ít hơn ngày thường. Vệ sinh thân thể cháu bé và môi trường sạch sẽ.
-Con tôi bị 3 tuổi, bị táo bón khoảng 2 tháng nay, cứ 3-4 ngày cháu mới đi 1 lần. Tôi nghe nói không nên mua thuốc ở hiệu thuốc bơm hậu môn để kích thích trẻ đi “nặng”, mà nên dùng mật ong bơm. Như vậy có đúng không?. Nếu dùng thuốc bơm hậu môn nhiều có ảnh hưởng gì không? Làm thế nào để trẻ không bị táo bón? Xin cảm ơn BS (bạn đọc Hồng Thúy, quận Cầu Giấy).
- PGS.TS Trần Minh Điển: Nếu trong tiền sử cháu bé giai đoạn sơ sinh và dưới 1 tuổi không có táo bón thường xuyên như vậy thì không đáng ngại về tình trạng táo bón hiện tại. Cháu nên được đi khám bác sỹ nhi khoa để loại trừ một số bệnh dị tật về đại tràng, trực tràng. Thụt thuốc chống táo bón (Microlism) có thể được, hoặc sử dụng mật ong cũng được. Tuy nhiên cần thực hiện thủ thuật thụt tháo cẩn thận, tránh tổn thương cho trẻ vùng hậu môn. Nên cho cháu đi khám, các bác sỹ và điều dưỡng sẽ hướng dẫn cách thụt tháo, kích thích vùng hậu môn, dùng thuốc chống táo bón, tập vận động vùng bụng, chế độ ăn tăng chất xơ, giảm thịt và uống nhiều nước…
Xin bác sỹ cho biết: Vào mùa hè, những bệnh gì ở trẻ thường gia tăng? Vì sao? Tại bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi dịp mùa hè, số lượng bệnh nhân đến khám vì bệnh mùa hè tăng bao nhiêu %? (bạn Hoàng Quyên, quận Nam Từ Liêm).
PGS.TS Trần Minh Điển:Bệnh mùa hè ở trẻ em thường gặp các bệnh lý sốt vi rút, bệnh viêm hô hấp trên, tiêu chảy, ngoài ra còn các bệnh truyền nhiễm khác như chân tay miệng, cúm mùa, sốt xuất huyết, viêm não...
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, khi vào hè tăng số bệnh nhi liên quan đến các bệnh mùa hè tăng lên, các cháu bé được nghỉ hè được cho kiểm tra sức khỏe, phẫu thuật các bệnh dị tật bẩm sinh, do vậy số khám tăng lên khoảng 10-15%.
Khi đến khám bệnh cần chú ý khám các ngày trong tuần, hiện nay các bậc phụ huynh hay đưa các cháu khám đông vào thứ 2, thứ 3, các buổi sáng. Do vậy cần chú ý cho các cháu bệnh lý cấp tính khám tất cả các giờ trong tuần, 24/7. Các bệnh chuyên khoa cần khám trong giờ hành chính, các ngày trong tuần.
- Xin BS cho biết: Có phải những ai bị sởi 1 lần trong đời thì sẽ không bị lại? Dấu hiệu của bị sởi và cách phòng chữa? (độc giả Hoài Thanh, quận Long Biên).
- PGS.TS Trần Minh Điển: Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp do vi rút. Bệnh được miễn dịch (không mắc bệnh) qua hai cách, hoặc là đã mắc sởi trước đó, hoặc được tiêm phòng vắc xin sởi đủ 2 mũi (lúc 9 tháng và 18 tháng tuổi), có nghĩa là ai đã mắc sởi 1 lần thì sẽ không mắc lại là đúng.
Triệu chứng điển hình của sởi như sau:
Giai đoạn ủ bệnh: 10-14 ngày.
Giai đoạn khởi phát: 2-4 ngày. Bệnh nhân sốt cao, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc, đôi khi có viêm thanh quản cấp, có thể thấy hạt Koplik là các hạt nhỏ 0,5-1 mm màu trắng có quầng ban đỏ ở trên niêm mạc miệng.
Giai đoạn toàn phát: Kéo dài 2-5 ngày. Thường sau khi sốt cao 3-4 ngày bệnh nhân bắt đầu phát ban, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ, dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân, ban hồng dát sẩn, khi căng da thì ban biến mất. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần.
Giai đoạn hồi phục: Ban nhạt dần rồi sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu. Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi. Có thể có ho kéo dài 1-2 tuần sau khi hết ban.
Cần chú ý trong giai đoạn sau miễn dịch của trẻ kém dễ mắc thêm các vi rút, vi khuẩn khác làm tình trạng bệnh nặng lên như viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết…
Các cơ địa của trẻ như bệnh mạn tính (thận, gan, máu…), sử dụng thuốc ức chế miễn dịch (corticoids, cyclosporine A..) dễ có nguy cơ bệnh nặng hơn.
Cách điều trị, cần cho trẻ đi khám bệnh để xác định chẩn đoán, mức độ nặng của bệnh. Hầu hết trẻ nên điều trị tại nhà, một số trẻ có các biến chứng như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não… cần được điều trị tại bệnh viện.
Xử trí tại nhà:
Cách ly trẻ bệnh,
Hạ sốt (paracetamol)
Uống nhiều nước
Ăn lỏng, ít một
Chăm sóc mắt, miệng, họng
Vệ sinh da: lau rửa thường xuyên
Theo dõi sát các dấu hiệu: sốt cao, tinh thần, khó thở…
Cần cho con đi tiêm chủng đúng lịch và đầy đủ.
- Xin BS cho biết: Để phòng được các bệnh mùa hè cho trẻ, các bậc phụ huynh cần thực hiện những biện pháp gì? Trong đó điều gì là quan trọng nhất? Xin cảm ơn BS (bạn đọc Thanh Hằng, quận Hoàn Kiếm).
- PGS.TS Trần Minh Điển: Mùa hè thường có các tình trạng bệnh lý hô hấp (viêm hô hấp trên, viêm tai giữa, viêm phế quản…), bệnh tiêu hóa như tiêu chảy cấp, ngộ độc thức ăn, bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, viêm não, sốt xuất huyết…
Cần chú ý với bệnh tiêu hóa là ăn chín, uống sôi, đi chơi xa phải có kế hoạch đồ ăn cho trẻ cẩn thận.
Phòng bệnh hô hấp là tránh trẻ tụ tập nơi đông người, phòng ở thoáng, tránh để trẻ ra nắng nhiều, không ra vào điều hòa liên tục, giảm uống nước lạnh…
- Dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết là như thế nào, thưa BS? Bệnh này có nguy hiểm không? Xin BS cho biết, bệnh sốt xuất huyết hay bị nhầm với bệnh nào và cách để phân biệt? (độc giả Minh Hòa, quận Thanh Xuân).
- PGS.TS Trần Minh Điển: Sốt xuất huyết: sốt, mệt nhiều, ban xuất huyết, có thể có các dấu hiệu sốc nhu tri giác lờ đờ, mạch nhanh, huyết áp tụt, chân tay lạnh… Trẻ có thể trong vùng dịch tễ có bệnh sốt xuất huyết
Cần phân biệt với các sốt vi rút khác như: Tay chân miệng, sốt phát ban…
- Tôi nghe nói bệnh tay chân miệng nếu phát hiện sớm thì rất đơn giản, nhưng để bị nặng thì gây nguy hiểm vì có thể khiến trẻ viêm não, có đúng không, thưa BS? Các dấu hiệu cơ bản của bệnh này là gì? (bạn đọc Xuân Quỳnh, quận Bắc Từ Liêm).
- PGS.TS Trần Minh Điển: Tay chân miệng là bệnh do virus gây ra, tùy đáp ứng cơ thể, tùy loại virus nguy cơ, đặc điểm dịch tễ từng vùng, có thể gây biến chứng tim mạch (sốc, phù phổi) hoặc biến chứng thần kinh (viêm não). Về dấu hiệu, tôi đã trả lời ở phần trên.
- Có phải bệnh tay chân miệng có nhiều tuýp. Khi xét nghiệm máu có thể tuýp gây bệnh này không phát hiện được, có đúng không ạ? Xin cảm ơn BS? (bạn Thanh Hòa, quận Hoàng Mai).
- PGS.TS Trần Minh Điển: Khi có dấu hiệu tay chân miệng (sốt, ban phỏng mụn nước lòng bàn tay, chân, miệng) cần xét nghiệm virus: EV, định type EV 71 (nguy hiểm), tùy từng trường hợp để điều trị kịp.
- Hiện nay tôi thấy có hai luồng ý kiến: Một luồng ý kiến cho rằng vào mùa hè, nên cho trẻ uống nước lạnh (nước để trong tủ lạnh, nước đá) để trẻ thích nghi, từ đó không bị viêm họng; còn một bên lại khuyên không nên cho trẻ uống nước lạnh vì uống sẽ khiến trẻ viêm họng? Xin BS cho lời khuyên? (bạn Thanh Huyền, quận Hoàn Kiếm).
- PGS.TS Trần Minh Điển: Nước lạnh, kem làm ảnh hưởng niêm mạc miệng, khu vực hô hấp trên; nguy cơ tổn thương tại chỗ; vi khuẩn, virus sẵn có gây viêm họng; viêm A; viêm VA; viêm tai giữa; tránh từ nóng chuyển ngay sang môi trường lạnh và ngược lại…
- Có nhiều bài thuốc dân gian chữa viêm họng như: Hấp chanh với mật ong, hấp lá hẹ với đường phèn, ngậm chanh đào được ngâm cùng mật ong, đường phèn… Theo BS những bài thuốc dân gian như vậy có nên làm theo? Khi trẻ viêm họng, có cần kiêng tôm, cua? Xin cảm ơn bác sỹ. (bạn Mai Hương, quận Nam Từ Liêm).
-PGS.TS Trần Minh Điển: Với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, các bài thuốc này giúp giảm ho, long nhiên khi chế biến cần sạch sẽ, thuốc, mật ong… cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Viêm họng không cần kiêng tôm cua; tuy nhiên khi trẻ đang ốm nên sử dụng các thức ăn lỏng, nhẹ, vệ sinh.
- Bé nhà tôi 28 tháng tuổi, mặc dù đã được tiêm chủng theo đúng lịch nhưng do sức đề kháng kém nên cháu thường bị sốt siêu vi (2-3 tháng một lần). Mỗi khi cháu bị sốt như vậy thường 1 tuần thì tự khỏi, trong quá trình đó, tôi giữ vệ sinh, hạ sốt và cho cháu uống nhiều các loại nước, oresol để bù điện giải. Tôi được nghe nhiều người khuyên là khi bé sốt nên cho đi truyền nước thì sẽ khỏi nhanh hơn. Xin hỏi bác sĩ làm như vậy thì có tốt cho bé không? (bạn Hoài An, quận Cầu Giấy).
-PGS.TS Trần Minh Điển: Khi sốt nên kiểm tra tại các cơ sở y tế để bác sĩ khám, chẩn đoán xét nghiệm cần thiết và xác định (chẩn đoán điều trị) mức độ bệnh, đưa các tư vấn phù hợp; không nên truyền nước tại nhà hoặc các phòng khám không đủ phương tiện cấp cứu; nguy cơ sốc.
- Bé nhà tôi rất hay bị viêm họng, mỗi lần đi khám đều phải uống kháng sinh mới khỏi, nếu để lâu các triệu chứng thường nặng hơn tôi lại lo bé sẽ bị viêm phế quản, viêm phổi. Xin hỏi bác sĩ: Ngoài điều trị bằng kháng sinh có cách nào để bé khỏi viêm họng được không? Nếu phải điều trị bằng kháng sinh thì sau mỗi đợt có nên cho trẻ uống thêm men tiêu hóa để giúp bé tiêu hóa tốt hơn không (nếu có thì nên dùng loại nào)? Xin cảm ơn bác sĩ. (bạn Hồng Hà, quận Nam Từ Liêm).
-PGS.TS Trần Minh Điển: Bạn nên:
-Vệ sinh mũi họng hàng ngày
-Môi trường sạch sẽ
-Chăm sóc tránh lây nhiễm, tránh những nơi đông người…
Không nên dùng men tiêu hóa ngay.
- Con trai tôi 6 tuổi, thỉnh thoảng cháu bị sốt, tôi thường cho cháu hạ sốt bằng uống thuốc hạ sốt. Theo BS, ở tuổi đó, hạ sốt bằng dán miếng hạ sốt trên trán, uống thuốc hạ sốt hay dùng thuốc đút hậu môn thì tốt, vì sao? (bạn Hoàng Hường, quận Long Biên).
-PGS.TS Trần Minh Điển: Thuốc uống và viên đặt hậu môn tương tự nhau. Miếng dán chỉ có tác dụng hỗ trợ.
-Xin bác sỹ cho biết: Dấu hiệu của bệnh viêm não, sự nguy hiểm của bệnh này và cách phòng, chữa bệnh? Bệnh viêm não hay bị nhầm với bệnh nào và cách phân biệt?. Xin cảm ơn BS. (bạn đọc Mai Hiền, quận Hai Bà Trưng).
- PGS.TS Trần Minh Điển: Viêm não do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do virus; một số thường gặp: Nhật Bản B, Herpes, chân tay miệng. Dấu hiệu: sốt, li bì, nôn, cứng gáy. Xử lý tại bệnh viện: chống phù não, hỗ trợ thể trạng, kháng sinh phòng bội nhiễm…; bệnh nguy hiểm: tử vong ít, di chứng nhiều.
- Mùa hè thời tiết nóng nực, gia đình tôi thường sử dụng quạt và điều hòa. Tuy nhiên, nhiều khi chính vì sử dụng quạt và điều hòa quá mức dẫn tới việc bé nhà tôi (2 tuổi) bị ho, sổ mũi,... Tôi xin hỏi bác sỹ: Sử dụng quạt và điều hòa như thế nào cho khoa học để bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho bé? (bạn Thanh Hà, quận Thanh Xuân).
- PGS.TS Trần Minh Điển: Bạn chỉ nên sử dụng hoặc điều hòa, hoặc quạt. Nếu dùng cả 2 thì xác định điều hòa là chính, quạt để góc phòng, bật số nhỏ nhất, cảm giác của cha mẹ thấy ổn thì là được.
- Dịch tay chân miệng đang có dấu hiệu bùng phát trong thời điểm giao mùa. Ngay cạnh nhà tôi có em bé đang bị tay chân miệng. Làm thế nào để phòng tránh để con tôi không bị lây bệnh trong cự ly gần như vậy? (bạn Quỳnh My, quận Hoàn Kiếm).
-PGS.TS Trần Minh Điển: Cháu bé cần:
- Tránh tiếp xúc với trẻ bị bệnh
- Vệ sinh môi trường: bàn ghế, nền nhà, vệ sinh, đồ chơi của con.
- Vệ sinh thân thể cho bé, người nhà tránh nơi bị bệnh…
- Vào mùa hè, các bé dường như biếng ăn hơn, trong khi đó các bé lại hay đổ mồ hôi khiến mất nhiều nước và muối khoáng. Tôi đã chú ý bổ sung thêm nước và hoa quả tươi cho bé trong chế độ ăn. Ngoài ra, cần chú ý thêm gì về dinh dưỡng cho bé trong mùa hè không, thưa bác sĩ?. Xin cảm ơn bác sỹ? (bạn Ngọc Hòa, quận Long Biên).
-PGS.TS Trần Minh Điển: Bạn cần cho cháu:
-Uống nước sạch nhiều hơn
-Ăn lỏng hơn, đạm vừa phải
-Rau xanh và hoa quả
- Tôi nghe nói bệnh sốt xuất huyết, tiêu chảy, viêm hô hấp, tay chân miệng hay xảy ra khi mùa hè đến, đặc biệt là nắng nóng. Xin bác sỹ cho biết, dấu hiệu, sự nguy hiểm của các bệnh này và cách phòng chống? Xin cảm ơn! (bạn Trần Minh, quận Ba Đình).
-PGS.TS Trần Minh Điển: Mùa hè là mùa của các bệnh truyền nhiễm như chân tay miệng, sốt xuất huyết, tiêu chảy, viêm hô hấp. Các bệnh liên quan đến thời tiết, môi trường, các vật lây truyền bệnh.
Bệnh chân tay miệng có các nguy cơ như sốc, viêm não… Tuy nhiên hầu hết các cháu bé mắc bệnh ở cấp độ nhẹ, có thể điều trị tại nhà, cần cho cháu đi khám bệnh để chẩn đoán và xác định mức độ bệnh. Vệ sinh sạch sẽ môi trường, thường xuyên rửa tay các cháu dưới vòi nước và xà phòng là cách phòng bệnh tốt nhất.
Bệnh sốt xuất huyên có nguy cơ gây sốc, suy chức năng các tạng… đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và đánh giá tình trạng bệnh. Phòng bệnh tốt nhất là vệ sinh môi trường, không để các vũng nước, chum, lọ đựng nước, diệt bọ gây, ngủ có màn…
Bệnh tiêu chảy chú ý các dấu hiệu mất nước như khát, môi khô, đái ít… Cho trẻ bù nước điện giải, ăn nhẹ, và vệ sinh sạch sẽ. Phòng bệnh này vào mùa hè chú ý đồ ăn tươi, sạch, ăn chín, uống sôi, khi đưa trẻ đi chơi xa cần lên kế hoạch thức ăn cho trẻ cẩn thận.
Bệnh hô hấp chú ý nguy cơ khó thở, suy hô hấp. Cần đưa trẻ đi khám bệnh ngay nều có các dấu hiệu nặng như sốt cao, khó thở, tím tái. Chú ý phòng bệnh bằng môi trường thoáng mát, không để trẻ chạy ra vào phòng điều hòa nhiều, tránh nơi đông người, giảm tiếp xúc trực tiếp như hôn, nựng trẻ…