Tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội: Đáp ứng mọi nhu cầu học tập

Tuyển sinh - Ngày đăng : 06:55, 21/04/2016

(HNM) - Trong mùa tuyển sinh năm nay, chủ trương của Hà Nội là đa dạng hóa loại hình, đáp ứng mọi nhu cầu học tập của HS, đồng thời quản lý chặt chẽ chất lượng


7 lựa chọn học tiếp THPT

Năm học 2015-2016, toàn thành phố có khoảng 81.500 HS lớp 9 xét tốt nghiệp THCS, tham gia dự tuyển vào lớp 10 năm học 2016-2017 (chưa kể số thí sinh tự do). Theo tờ trình của Sở GD-ĐT Hà Nội, đã được lãnh đạo UBND thành phố phê duyệt, mục tiêu xuyên suốt trong việc triển khai công tác tuyển sinh của Hà Nội cho năm học mới là bảo đảm 100% HS tốt nghiệp THCS có nhu cầu được tiếp tục đi học.

Việc bảo đảm chỗ học cho HS sau khi tốt nghiệp THCS là mục tiêu được Hà Nội kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua, nhằm đáp ứng nguyện vọng học tập của mọi HS, tiến tới phổ cập giáo dục trung học. Ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết: Trong kỳ tuyển sinh THPT năm nay, mỗi HS có quyền đăng ký 7 nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10 THPT. Như vậy, lựa chọn học tiếp sau khi tốt nghiệp THCS của HS là rất đa dạng. Theo đó, mỗi HS được đăng ký 2 nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10 THPT công lập, 2 nguyện vọng vào lớp 10 trường THPT chuyên; với 3 nguyện vọng còn lại, HS có thể đăng ký dự tuyển vào các trường THPT ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc vào trường trung cấp chuyên nghiệp. Các nguyện vọng này đều được áp dụng đối với mọi HS đang học lớp 9 trên địa bàn thành phố, bất kể là các em đang theo học ở trường công lập hay ngoài công lập.

Năm học 2016-2017, Hà Nội bảo đảm 100% học sinh tốt nghiệp THCS có nhu cầu được tiếp tục đi học. Ảnh: Nhật Nam
Chỉ tiêu vào từng loại hình trường như sau:

+ Tuyển vào hệ THPT: 67.500 HS, trong đó, công lập là 53.000 HS, ngoài công lập là 14.500 HS.
+ Tuyển vào trung tâm giáo dục thường xuyên: 8.150 HS, trong đó, hệ giáo dục thường xuyên là 6.500 HS, hệ THPT là 1.550 HS.
+ Tuyển vào trường trung cấp chuyên nghiệp: 5.850 HS.

Theo lịch công tác tuyển sinh, việc phát hành "Phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2016-2017" bắt đầu từ ngày 22-4 tại các phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã. Cùng thời điểm này, Hà Nội sẽ hoàn thành biên soạn và phát hành tài liệu "Những điều cần biết về tuyển sinh vào lớp 10 THPT". HS sẽ có 20 ngày để cân nhắc, lựa chọn, quyết định nguyện vọng dự tuyển để điền vào Phiếu đăng ký dự tuyển. Ông Ngô Văn Chất lưu ý, những HS chỉ có nguyện vọng vào học trường THPT tự chủ tài chính hoặc trường THPT ngoài công lập thì vẫn phải tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT (do Sở GD-ĐT tổ chức vào ngày 8-6-2016) như mọi HS khác để có điểm xét tuyển vào trường. Tuy nhiên, các em cần nhớ rằng, điểm xét tuyển của mình chỉ có giá trị xét tuyển vào trường THPT công lập tự chủ tài chính hoặc trường THPT ngoài công lập, chứ không được xét vào trường THPT công lập. Bởi vậy, trước khi đăng ký nguyện vọng dự tuyển, các em cần tham khảo, nhờ sự hỗ trợ, tư vấn của người lớn trong gia đình và thầy cô giáo. Ngoài ra, các em cũng cần đọc kỹ tài liệu "Những điều cần biết về tuyển sinh vào lớp 10 THPT", trong đó có những thông tin chi tiết về kỳ tuyển sinh và bảng điểm chuẩn trúng tuyển lớp 10 vào từng trường của các năm học trước đó, để có sự lựa chọn phù hợp với năng lực.

Quản lý chặt chẽ chất lượng "đầu vào"

Song song với việc thực hiện mục tiêu đáp ứng mọi nguyện vọng học THPT, Hà Nội đặc biệt coi trọng việc bảo đảm chất lượng "đầu vào" của các trường, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cấp THPT. Một trong những giải pháp quan trọng được triển khai là quản chặt ngay từ khâu giao chỉ tiêu tuyển sinh.

Hà Nội đã thành lập 5 đoàn kiểm tra điều kiện tuyển sinh lớp 10 THPT theo 5 tiêu chí đã được công bố công khai, bao gồm các điều kiện bắt buộc về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, công tác tài chính… Quan điểm được quán triệt tới mọi thành viên là kiên quyết không giao chỉ tiêu cho các trường không đủ điều kiện và sẽ công bố công khai danh tính các trường này để phụ huynh, HS nắm rõ. Trong những năm tới, chỉ tiêu giao cho các trường THPT công lập có xu hướng giảm dần, tiến tới mỗi lớp học chỉ còn 40 HS. Việc tách trường, xây dựng thêm phòng học, trường mới sẽ được tích cực triển khai ngay từ thời điểm này để giảm tải cho các trường THPT có quy mô lớn, sẵn sàng đáp ứng nguyện vọng học tập của HS khi quy mô HS đầu cấp THPT tại Hà Nội được dự báo sẽ tăng đột biến (thêm khoảng 25 nghìn em vào năm 2018).

Với các trường THPT ngoài công lập, Hà Nội kiên trì quan điểm là mỗi trường THPT ngoài công lập chỉ được giao chỉ tiêu tại một cơ sở, không giao chỉ tiêu cho cơ sở 2. Cách thức này đòi hỏi các trường phải tính toán, cân nhắc để quy tụ địa điểm, phương thức quản lý và tổ chức dạy học về một mối.

Ông Nguyễn Thế Sơn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết, về cơ bản, chỉ tiêu vào trường THPT trong năm học 2016-2017 có sự ổn định, với khoảng 60% HS vào trường THPT công lập, 20% vào trường THPT ngoài công lập, số còn lại sẽ học ở các loại hình khác. Tuy nhiên, tùy theo địa bàn mà chỉ tiêu cho trường THPT công lập có sự điều chỉnh, ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì tỷ lệ này sẽ lên tới mức 70%. Phương án này nhằm tạo thuận lợi cho HS vùng khó khăn, giúp các em được hưởng điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục từ ngân sách, bảo đảm sự công bằng trong việc thụ hưởng các yếu tố chăm sóc, giáo dục của mọi HS. Trong năm học tới, việc tuyển sinh vào lớp 10 hệ THPT tại các trung tâm giáo dục thường xuyên cũng sẽ được xem xét lại theo hướng giảm dần để tập trung vào chất lượng, tạo sự cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa các loại hình trường.

Thống Nhất