Chỉ doanh nghiệp hưởng lợi!

Kinh tế - Ngày đăng : 06:48, 21/04/2016

(HNM) - Giá xăng trong nước chỉ giảm 16,5% trong quý I, khiến người tiêu dùng không thể hoài nghi.


Giá xăng dầu nhập khẩu giảm 39,5%

Thống kê cho thấy, trong 2,8 triệu tấn xăng dầu nhập khẩu 3 tháng qua, có đến 1,39 triệu tấn được nhập từ Singapore, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó, 451.000 tấn xăng dầu được nhập khẩu từ thị trường Malaysia, 274.000 tấn từ Thái Lan, 252.000 tấn từ Hàn Quốc... Như vậy, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu từ các thị trường có mức cắt giảm thuế mạnh gồm Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc… là 2,3 triệu tấn, chiếm 83% tổng lượng xăng dầu nhập khẩu trong quý I.

Theo các FTA mà Việt Nam đã ký kết, xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc chịu thuế 10%, thấp hơn 10% so với các thị trường khác. Tương tự, thuế nhập khẩu dầu Diesel, nhiên liệu bay, dầu hỏa từ các nước ASEAN là 0% và từ Hàn Quốc là 5% trong khi các thị trường khác là 7%. Số liệu do Tổng cục Hải quan (TCHQ) công bố cũng cho thấy, lượng nhập khẩu từ các thị trường không có ưu đãi thuế đã giảm mạnh. Lượng xăng dầu nhập khẩu từ Trung Quốc 3 tháng qua là 306.000 tấn, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2015.

Riêng mặt hàng xăng, căn cứ vào số liệu của TCHQ, đơn giá nhập khẩu trong quý I-2016 đã giảm khoảng 31% so với cùng kỳ, trong khi mức giá bán lẻ tại thị trường trong nước chỉ giảm 16,5%. Mặc dù vào mỗi thời điểm cụ thể, chính sách về thuế phí, trích và sử dụng Quỹ bình ổn giá được thực hiện khác nhau, song những số liệu trên cho thấy, người tiêu dùng trong nước chưa được hưởng lợi tương xứng từ đà giảm của giá xăng dầu và thuế nhập khẩu.

Trước đó, khi dư luận đặc biệt quan tâm đến lỗ hổng trong việc áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu với xăng, dầu khi tính giá cơ sở mặt hàng thiết yếu này, giúp các DN đầu mối xăng dầu hưởng lợi hàng nghìn tỷ đồng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, trong năm 2015 thuế xăng dầu nhập khẩu đã đóng góp vào ngân sách 35 nghìn tỷ đồng, đã hoàn thuế cho 23 DN đầu mối 3.475 tỷ đồng. Theo quy định, lợi nhuận thu được của DN xăng dầu nhà nước đều nộp về ngân sách. Vì vậy, sẽ phải truy thu khoảng 254 tỷ đồng từ các đầu mối tư nhân. Tuy nhiên, vẫn chưa có phương án cuối cùng truy thu số tiền thuế chênh lệch.

Hội nhập và "sân chơi" bình đẳng

Trong khi các DN trong nước vẫn chưa thuyết phục người tiêu dùng về tính minh bạch của giá bán lẻ xăng dầu và các cơ quan quản lý vẫn tỏ ra lúng túng trong việc xử lý các bất cập nảy sinh trong kinh doanh mặt hàng thiết yếu này thì các DN xăng dầu nước ngoài đã có những bước đi đầu tiên tại thị trường Việt Nam. Mới đây, hai DN tên tuổi trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đến từ Nhật Bản và Kuwait, là Idemitsu Kosan và Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPI) đã công bố thành lập Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 tại Việt Nam, với mục tiêu phân phối các sản phẩm dầu khí. Idemitsu Kosan là DN lớn thứ 2 trong ngành xăng dầu Nhật Bản (sau Nippon Oil). Còn KPI là một nhánh của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Kuwait. Hãng này sở hữu thương hiệu xăng dầu Q8, với lượng tiêu thụ tương đương hơn 450.000 thùng/ngày trên toàn cầu và hệ thống gần 4.800 trạm xăng dầu tại Châu Âu. Hai DN này đồng thời là đối tác tại Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa). Dự án dự kiến sẽ vận hành từ năm 2017, với công suất 8,4 triệu tấn dầu thô/năm trong giai đoạn đầu và nâng lên 10 triệu tấn/năm giai đoạn sau đó. Như vậy, Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 được thành lập để chuẩn bị cho lộ trình bán hàng của dự án Nghi Sơn kể từ năm tới.

Việc Idemitsu Q8 ra đời đã chính thức đặt dấu ấn tại thị trường xăng dầu Việt Nam, nơi có 24 DN đầu mối nội địa hoạt động và trong đó có gần một nửa thị phần thuộc về Petrolimex (chiếm 48%). Trên thực tế, sau khi gia nhập WTO năm 2006, Việt Nam đã giữ lại quyền kinh doanh xăng dầu, không mở cửa thị trường. Song với các nhà đầu tư tại các dự án lọc dầu, Chính phủ vẫn cho phép tự phân phối sản phẩm đầu tư sản xuất, tại thị trường nội địa. Ngoài việc tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, việc cho phép DN nước ngoài tham gia vào thị trường xăng dầu chắc chắn sẽ giảm "độc quyền", vốn đã bao trùm thị trường này trong một thời gian rất dài.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, FTA với những quy tắc không phân biệt đối xử, đòi hỏi các quốc gia phải bình đẳng với các nhà đầu tư, từ đó tạo ra môi trường cạnh tranh minh bạch và có lợi cho người tiêu dùng. Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, 75% thị phần bán lẻ xăng dầu hiện chủ yếu do 3 "đại gia" Petrolimex, PVOil và SaigonPetro nắm giữ. Việc có thêm "đại gia" năng lượng nước ngoài tham gia vào thị trường bán lẻ xăng dầu là hoàn toàn bình thường. Bởi thị trường càng có sự cạnh tranh thì người tiêu dùng càng được lợi và các DN xăng dầu nội địa sẽ phải chuyển mình theo tín hiệu thị trường.

Theo yêu cầu của liên bộ Công thương - Tài chính, giá xăng, dầu bán lẻ đã được điều chỉnh từ 16h ngày 20-4. Cụ thể, giá xăng RON 92, xăng E5 và dầu hỏa không thay đổi, riêng giá dầu Diesel tăng 500 đồng/lít và dầu Mazut tăng 335 đồng/lít. Các DN giữ nguyên mức trích lập Quỹ bình ổn giá như hiện hành và chi sử dụng Quỹ đối với các mặt hàng như sau: Chi 639 đồng/lít xăng khoáng, 672 đồng/lít xăng E5, 560 đồng/lít dầu Diesel, 787 đồng/lít dầu hỏa và ngừng chi sử dụng Quỹ đối với dầu Mazut. Đây là diễn biến mới nhất về giá xăng dầu trên thị trường sau mỗi chu kỳ 15 ngày liên tục theo quy định.

Hương Ly - Hồng Sơn