Từ chuẩn ý thức tới chuẩn hành vi
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:04, 21/04/2016
Trong hành trình đó, không chỉ cần có trách nhiệm và khả năng của cơ quan quản lý đô thị, môi trường, văn hóa… mà còn cần tới ý thức, trách nhiệm gữ gìn vẻ đẹp đô thị của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà sản xuất…, như Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã khẳng định: "Xây dựng văn minh đô thị phải trở thành nếp sống, nếp nghĩ trong nhận thức từ cán bộ các cấp đến mỗi người dân".
Nhìn vào thực tế, có thể khẳng định tính đúng đắn của ý kiến chỉ đạo trên. Từ lâu, lãnh đạo TP Hà Nội luôn dành sự quan tâm, ưu tiên đầu tư nhằm thực hiện giải pháp bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội. Nhiều phần việc đã được thực hiện nhằm ngăn ngừa phát sinh chất thải ra môi trường; khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên; cải tạo, phục hồi các khu vực đã bị ô nhiễm; xây dựng nếp sống văn minh, tạo dựng cảnh quan… Mới nhất, ngày 21-12-2015, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn Hà Nội. Tuy vậy, những giải pháp đầu tư, kế hoạch dài hạn đó không thể đạt được kết quả cần thiết khi người dân thờ ơ hoặc có hành động đi ngược lại mục tiêu chung. Thực tế cho thấy, tại Hà Nội, một bộ phận thiếu ý thức trong cộng đồng dân cư đã có hành vi gây hại cho môi trường, cảnh quan, kỷ cương, vẻ đẹp của thành phố. Nhiều hộ kinh doanh chiếm dụng vỉa hè, xả rác bừa bãi. Nhiều người "xả" bậy ở nơi công cộng mà không mảy may ngượng ngùng. Một số không ngại vẽ bậy lên tường nhà, công trình văn hóa, bóp còi inh ỏi giữa khuya, sử dụng ô tô chở phế thải xây dựng mà không cần che chắn; đang tâm bẻ cành, hạ cây, ngắt hoa vì chút lợi riêng… Ô nhiễm không khí, nguồn nước, tiếng ồn, nạn úng lụt, mất vệ sinh an toàn thực phẩm một phần do chính cư dân tạo ra, ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị và môi trường sống.
Với bề dày truyền thống 1000 năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội; với vị thế Thủ đô anh hùng của một đất nước đang hội nhập sâu rộng với cộng đồng quốc tế, đã đến lúc phải nghiêm túc hơn trong giải quyết những hành động xấu này. Một bộ phận dân cư Hà Nội phải biết ngượng trước hành động thiếu văn hóa của mình, ý thức được rằng những hành động đó không chỉ làm xấu bộ mặt Thủ đô, ảnh hưởng tiêu cực đến sức hút du lịch, cơ hội phát triển kinh tế, mà còn là nguyên nhân trực tiếp làm giảm chất lượng sống của chính mình và con cháu. Không biết tự nhìn lại, suy nghĩ đúng và điều chỉnh hành vi, thói quen, lối sống, chúng ta không chỉ hủy hoại hiện tại mà còn hủy hoại tương lai, trở thành lực cản đối với nỗ lực chung.
Muốn nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân nhằm vận động cộng đồng chung tay xây dựng Hà Nội xanh, sạch, đẹp, hiện đại, văn minh, cần nâng cao chất lượng công tác xây dựng nếp sống mới; cải tiến cách thức bình chọn và tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa… theo hướng sát đời sống, thiết thực. Cần có biện pháp phát huy vai trò của đoàn thể, tổ dân phố, chính quyền cơ sở trong việc chấn chỉnh kỷ cương đô thị, sớm phát hiện và ngăn chặn hành vi gây hại cho môi trường. Mặt khác, các nhà trường cần lồng ghép thông tin và bài học thực tế liên quan vào chương trình giảng dạy, khơi dậy ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan, vẻ đẹp của Thủ đô nhằm tạo những lớp người sớm có trách nhiệm tham gia vào phần việc quan trọng này, biết xấu hổ khi làm việc không đúng và biết lên tiếng trước những hành vi sai trái của người khác.