Bước ngoặt "cuộc đua" cam go

Thế giới - Ngày đăng : 05:55, 21/04/2016

(HNM) - Có thể nói, sau cuộc bỏ phiếu kín ở New York, ứng cử viên thực sự nặng ký của mỗi đảng đang dần lộ diện.

Chiến thắng tại tiểu bang giàu có này được đánh giá có thể tạo bước ngoặt cho cả ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton và ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc đua giành đề cử chính thức tại đại hội của mỗi đảng sẽ diễn ra vào tháng 7. Có thể nói, sau cuộc bỏ phiếu kín ở New York, ứng cử viên thực sự nặng ký của mỗi đảng đang dần lộ diện.

Tỷ phú Trump và bà Clinton đang tiến gần đến chiếc ghế đại diện cho đảng Dân chủ và Cộng hòa.


Sau những thất bại liên tiếp tại các bang như Idaho, Utah, Alaska, Washington, Wisconsin và Wyoming, bà Clinton đã bứt phá mạnh mẽ tại bang New York để gia tăng khoảng cách đối với ứng cử viên Bernie Sander. Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ của Ủy ban Bầu cử Dân chủ tại New York, cựu Ngoại trưởng Mỹ đã giành được 57,9% số phiếu ủng hộ, trong khi Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders chỉ giành được 42,1% số phiếu bầu.

Như vậy, theo ước lượng của tờ New York Times, bà Hillary đã giành được 1.442 lá phiếu ủng hộ từ các đại biểu đảng Dân chủ so với 1.198 của ông Sander. Nếu tính cả lá phiếu của đại cử tri, bà Clinton còn dẫn trước với khoảng cách lớn hơn là với tỷ lệ 1.911 so với 1.229. Với tình hình như vậy, khả năng trở thành ứng cử viên số một của cựu đệ nhất phu nhân Mỹ là rất có khả năng khi bà chỉ cần thêm hơn 400 phiếu nữa để giành chiến thắng.

Tuy nhiên, từ nay cho tới tháng 7, cuộc đua giữa hai ứng viên này vẫn còn dài và tình thế vẫn có thể đảo ngược. Nhưng dẫu sao, thất bại tại New York được giới truyền thông Mỹ ví von như "cuộc chiến ở quê nhà" là một tổn thất lớn của ông Sander. Thượng nghị sĩ 74 tuổi sinh ra và trưởng thành tại Brooklyn, quận trung tâm của New York trong khi bà Clinton đã là Thượng nghị sĩ đại diện cho bang này suốt 8 năm. Giới quan sát cho rằng việc ông Sander về sau không có gì bất ngờ khi bầu cử sơ bộ ở New York diễn ra theo hình thức họp kín, vốn không phải là lợi thế của ông. Trước khi kết quả chính thức được công bố, đa phần truyền thông Mỹ đều dự đoán, chiến thắng thuộc về bà Clinton.

Về phía đảng Cộng hòa, trước sự kiện quan trọng ở New York, ứng viên Trump cũng đã phải nếm trải những thất bại tại các bang Utah, Wisconsin, Colorado. Nhưng khi được trở về quê nhà New York, vị tỉ phú với những phát ngôn gây sốc đã vượt lên với chiến thắng thuyết phục. Kết quả kiểm phiếu sơ bộ của Ủy ban Bầu cử Cộng hòa tại bang New York cho thấy, ứng cử viên Trump giành được 60,5% số phiếu ủng hộ, vượt quá nhân vật thứ hai là Thống đốc bang Ohio John Kasich (chỉ giành được 25% số phiếu bầu) và ứng cử viên thứ ba Ted Cruz (chỉ được 14,1% số phiếu ủng hộ).

Với kết quả này, ông Trump đã chiến thắng áp đảo ở bang New York, qua đó giành gần như toàn bộ 95 phiếu đại biểu ở bang này, nới rộng cách biệt với người đứng sau là ông Cruz với tỉ lệ 844/543 phiếu ủng hộ. Để trở thành đại diện duy nhất của đảng Cộng hòa, các ứng viên cần tối thiểu 1.237 phiếu từ các cử tri. Như vậy, đích chiến thắng của tỉ phú Trump không còn xa. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những khó khăn đặc biệt. Theo quy định của đảng Cộng hòa, nếu ông Trump không giành đủ tối thiểu 1.237 lá phiếu trước khi diễn ra đại hội đảng vào tháng 7 tới, các đại biểu ủng hộ ông có quyền chuyển sang bỏ phiếu cho ứng viên khác. Tuy nhiên, vị tỉ phú 69 tuổi tỏ ra khá tự tin với tuyên bố hai đối thủ Cruz và John Kasich không thể giành được đa số đại biểu ủng hộ trước đại hội của đảng Cộng hòa vào ngày 18-7 tới. Do đó, họ không thể "bắt kịp" ông.

Sau "cuộc chiến" ở New York, cuộc đua vào Nhà Trắng đang dần lộ ra những ứng viên nặng ký của mỗi đảng. Với chiến thắng vang dội, cả hai ứng viên Clinton và Trump đều có quyền lạc quan để có thể trở thành đại diện cho mỗi đảng ra tranh cử tổng thống vào tháng 11. "Đỉnh đèo" tiếp theo là bài sát hạch nghiêm khắc tại đại hội mỗi đảng vào tháng 7. Thế nên, "những người bám đuổi" như ông Sander hay Cruz vẫn có cơ hội và đủ thời gian để lật ngược thế cờ. 

Quang Huy