Gần 300 nghìn người hưởng lợi từ dự án “Tăng cường sự trợ giúp xã hội Việt Nam”

Xã hội - Ngày đăng : 16:01, 20/04/2016

(HNMO)- Sau gần một năm thí điểm tại bốn tỉnh Hà Giang, Quảng Nam, Lâm Đồng và Trà Vinh, Chương trình tạo cơ hội thuộc dự án “Tăng cường sự trợ giúp xã hội Việt Nam” đã triển khai thành công việc hợp nhất chi trả trợ giúp xã hội hộ gia đình cho gần 300 nghìn hộ gia đình nghèo.

Tập huấn dự án


Dự án “Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam” là dự án thuộc Bộ LĐ-TB&XH với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Dự án có tổng vốn đầu tư là 62,5 triệu USD, triển khai trong giai đoạn 2014 đến hết năm 2019. Dự án nhằm xây dựng các giải pháp hiện đại hóa hệ thống trợ giúp xã hội (TGXH), hợp nhất chương trình và quy trình triển khai các chương trình trợ giúp tiền mặt và thí điểm quá trình hiện đại hóa hệ thống tại bốn tỉnh tham gia dự án. Qua đó, dự kiến sẽ đặt nền tảng vững chắc cho việc mở rộng quy mô hợp nhất và triển khai hệ thống hiện đại trên toàn quốc cho những năm sau 2020.

Dự án đã được thử nghiệm tại bốn tỉnh gồm: Hà Giang, Quảng Nam, Lâm Đồng và Trà Vinh. Với mục tiêu hỗ trợ tốt hơn cho người nghèo, những đối tượng yếu thế; huy động được đa dạng các nguồn lực trong xã hội; đảm bảo minh bạch trong thực hiện chính sách, nhằm hướng đến đảm bảo mức sống tối thiểu cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững.

Hướng dẫn tìm hiểu thông tin cho người nghèo.


Ông Đặng Kim Chung, Giám đốc dự án cho biết: “Mục tiêu của đổi mới đó là phải hỗ trợ tốt hơn cho người nghèo, những đối tượng yếu thế; huy động được đa dạng các nguồn lực trong xã hội; đảm bảo minh bạch trong thực hiện chính sách nhằm hướng đến đảm bảo mức sống tối thiểu cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững”.

Sau gần một năm triển khai thí điểm dự án đã thu được những kết quả khả quan và nhận được phản hồi tích cực từ người dân. Đến nay đã có 291.453 đối tượng hưởng lợi của dự án, trong đó tổng số đối tượng hưởng lợi theo chính sách hiện hành là 274.114, tổng số đối tượng tăng thêm của dự án là 17.339. Bên cạnh đó, công tác chi trả thông qua bưu điện đã đạt tỉ lệ thành công trên 90%. Kết quả này đã giảm thiểu áp lực cho bộ máy quản lý vốn quá tải, cồng kềnh và đảm bảo tính minh bạch trong việc thực hiện chi trả. Ngoài ra, người dân tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại cũng như giúp người dân hàng tháng có một khoản tiền tập trung hơn để đầu tư cho dinh dưỡng, khám sức khỏe và cho trẻ đến trường.


Được biết, Một mô hình có thể chia sẻ trong cách tiếp cận đối tượng bảo trợ xã hội của dự án là việc xây dựng và củng cố năng lực cho hệ thống cộng tác viên thôn/bản. Tính đến nay, CTV tại cơ sở ước tính hơn 6000 người tại 690 xã của 4 tỉnh dự án, đảm bảo mỗi thôn/bản có 01 CTV. Lực lượng này là nòng cốt, được bồi dưỡng kiến thức về chính sách của chương trình tạo cơ hội và các kỹ năng truyền thông để hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng dự án trong đăng ký tham gia chương trình, cung cấp thông tin và tuyên truyền vận động người dân sử dụng tiền trợ cấp đúng mục đích. Dự án cũng thiết lập đường dây nóng miễn phí 18001567 để hỗ trợ ghi nhận, giải đáp thắc mắc cho người dân.

T.M