Trách nhiệm với bản thân và xã hội
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:00, 20/04/2016
Tại các đô thị hiện đại, quỹ đất dành cho giao thông phải chiếm 20-26%, trong đó dành cho giao thông tĩnh là 7-8%. Tuy nhiên, quỹ đất dành cho giao thông ở Hà Nội hiện mới chỉ đạt khoảng 8-10% và quỹ đất dành cho giao thông tĩnh rất thấp. Khả năng vận chuyển của hệ thống xe buýt đã đến "ngưỡng", các dự án vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như đường sắt đô thị, xe buýt nhanh chưa hoàn thành. Trong bối cảnh đó, không lạ khi phương tiện cá nhân tăng mạnh. Được biết, hiện mỗi tháng, lượng ô tô ở thành phố tăng khoảng 17%, xe máy tăng khoảng 11%. Nhiều bãi đỗ xe đã được xây dựng, vỉa hè, lòng đường một số tuyến phố cũng được sử dụng hợp lý làm nơi đỗ xe, nhưng cũng không thể theo kịp nhu cầu. Những bất cập trong công tác quy hoạch đô thị, dân cư phần nào là nguyên nhân dẫn đến hiện trạng trên.
Trước thực tế trên, mới đây, Thường trực Thành ủy đã đồng ý với chủ trương xây dựng bãi đỗ ngầm tại 295 Lê Duẩn, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ tích cực của dư luận. Khi cho ý kiến đồng ý về chủ trương xây dựng dự án đầu tư Khu đô thị mới Đại Kim (Hoàng Mai), Ban Thường vụ Thành ủy cũng yêu cầu phải xây dựng tối thiểu 3 tầng hầm để đáp ứng nhu cầu của dự án và một phần cho khu vực quanh đó. Có thể nói, đây là yêu cầu rất đúng và trúng, chí ít trước mắt không để phát sinh những "điểm nóng" mới về giao thông tĩnh.
Theo Nghị định số 11/2010/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ tại các đô thị đặc biệt, tại các khu đô thị xây dựng mới, đất dành cho giao thông phải chiếm 24-26%. Tiếc là, việc thực hiện ở nơi này, nơi kia còn chưa đến nơi, đến chốn. Tại không ít dự án, cư dân sống trong chính tòa chung cư cũng không có chỗ để xe, phải tìm chỗ gửi khắp nơi, thậm chí đỗ ngay trên vỉa hè, khuôn viên quanh tòa nhà… Ngay tại Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng, có hiệu lực từ ngày 2-4-2016, cũng có quy định nếu chung cư không đủ chỗ đỗ xe cho cư dân thì phải tổ chức… bốc thăm giành quyền mua, thuê chỗ để… giải quyết xung đột, mâu thuẫn. Tương tự như vậy, cũng có một số trung tâm thương mại, khách sạn không đủ diện tích tầng hầm đỗ xe nên gây ra những "điểm nóng" về giao thông, trật tự đô thị tại khu vực…
Có thể thấy, những chỉ đạo nói trên của Thành ủy chính là "phác đồ" chuẩn xác để từng bước phòng, trị "bệnh" giao thông tĩnh hiện nay. Vấn đề đặt ra là các cơ quan hữu trách, chính quyền các địa phương, chủ đầu tư và ngay cả mỗi người dân phải thực hiện nghiêm túc "phác đồ" đó. Khi mỗi cơ quan chức năng, chủ đầu tư và mỗi người dân có trách nhiệm với chính mình, bảo đảm nhu cầu tối thiểu cho chính dự án, rồi phần nào chia sẻ với xã hội, chắc chắn tình hình sẽ từng bước được cải thiện. Có trách nhiệm với bản thân để hạn chế tối đa ảnh hưởng tới người khác, cũng đã phần nào thể hiện trách nhiệm với xã hội. Không thể cứ để tình trạng vị thân, xây dựng nhà cao tầng để kinh doanh, cho thuê, bán rồi bỏ mặc cho xã hội gánh chịu những hệ quả phát sinh.