Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Iraq: Dọn đường cho sự can thiệp sâu hơn

Thế giới - Ngày đăng : 05:50, 20/04/2016

(HNM) - Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã gánh chịu nhiều tổn thất ở Iraq và Syria. Và ngày 18-4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã có chuyến thăm không báo trước đến Baghdad để thảo luận với các nhà chức trách của nước này về việc Mỹ tăng viện trợ quân sự cho cuộc chiến chống IS.

Theo đó, Washington nhất trí triển khai thêm hơn 200 binh sĩ tới Iraq, nâng tổng số lính Mỹ tại nước này từ 3.870 lên 4.087 người, đồng thời đây là lần đầu tiên Mỹ điều trực thăng Apache tấn công IS. Tổng thống Barack Obama cũng tuyên bố, Mỹ sẽ tăng cường hỗ trợ Iraq trong bối cảnh quân đội quốc gia vùng Vịnh này đang triển khai thêm các hoạt động để giành lại lãnh thổ.

Mỹ tiếp tục điều thêm binh sĩ tới Iraq để hỗ trợ quốc gia Trung Đông này trong cuộc chiến chống IS.


Đây là chuyến thăm thứ ba tới Iraq của ông A.Carter kể từ khi nắm giữ cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hồi đầu năm ngoái. Chuyến công du của ông chủ Lầu Năm góc diễn ra trong bối cảnh Washington đang hối thúc đồng minh tăng cường sự ủng hộ cho cuộc chiến chống IS ở Iraq và Syria. Cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Iraq đang ở thời điểm nước rút. Lực lượng khủng bố đã chịu nhiều tổn thất nặng nề, quân đội chính phủ và liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu đã kiểm soát phần lãnh thổ bị rơi vào tay IS từ năm 2014, đặc biệt là tỉnh miền Đông Al-Anbar và thành phố trọng yếu Ramadi. IS đã mất 22% lãnh thổ kiểm soát trong 15 tháng qua và hiện còn "cai trị" khoảng 6 triệu dân so với con số 9 triệu trước đó. Nguồn thu của tổ chức khủng bố này đã giảm 30% kể từ giữa năm 2015, từ khoảng 80 triệu USD xuống 56 triệu USD vào tháng 3-2016.

Thực tế, ngay từ khi bắt đầu đưa quân đến Baghdad, Washington đã thể hiện rõ vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống IS tại quốc gia này. Những đợt tấn công và truy quét của Mỹ và liên quân đã làm suy yếu phiến quân Hồi giáo, đồng thời hỗ trợ quân đội Iraq giải phóng nhiều phần lãnh thổ có IS chiếm đóng. Đặc biệt, từ khi Nga tiến hành các cuộc không kích tại Syria và hướng dần sự chú ý sang Iraq, Nhà Trắng đã có thêm các kế hoạch tác chiến và không ngại bỏ ra những khoản tài chính lớn nhằm hỗ trợ quân đội Baghdad. Tháng 10-2015, các chuyên gia của Iraq và liên quân do Mỹ đứng đầu đã bắt đầu quá trình đào tạo lực lượng mới để tham gia vào cuộc chiến chống IS. Và với sự hỗ trợ từ Nhà Trắng, quân đội Iraq đã đẩy lùi IS ra khỏi Ramadi, làm bàn đạp chuẩn bị tái chiếm TP Mosul.

Sở dĩ Mỹ muốn tăng cường quân sự tại quốc gia Trung Đông trong thời điểm này vì cuộc chiến chống IS không chỉ gói gọn trong lãnh thổ Iraq và Syria mà đã, đang và sẽ mở rộng ra các nước khác trên thế giới. Có ý kiến cho rằng các vụ khủng bố liên quan ở Pháp, Bỉ… sẽ không diễn ra nếu các quốc gia hợp tác hiệu quả tiêu diệt lực lượng khủng bố này ngay tại "thánh địa" của chúng và có những chính sách đồng bộ siết chặt an ninh tại nước mình. Đây là những yếu tố then chốt trong cuộc chiến chống IS, đặc biệt tại các quốc gia Châu Âu. Tuy nhiên, việc tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Iraq là một vấn đề nhạy cảm đối với chính quyền Tổng thống B.Obama, bởi nhà lãnh đạo Mỹ từng cam kết không triển khai lực lượng bộ binh tại quốc gia Trung Đông này.

Dẫu vậy, mâu thuẫn giáo phái, sắc tộc kéo dài tiếp tục là vấn đề khó giải quyết với Chính phủ của Thủ tướng Haider al-Abadi. Đây là rào cản lớn đối với ổn định tại Iraq, đòi hỏi những nỗ lực nhằm thúc đẩy thành lập một nhà nước liên bang tại Iraq như một giải pháp lâu dài, qua đó bảo đảm các lợi ích của Mỹ và đồng minh. Thế nên, Bộ trưởng Quốc phòng A.Carter cho rằng, thách thức hiện nay đối với Iraq là xây dựng một đất nước đa sắc tộc và việc ủng hộ chính quyền của Thủ tướng H.Al-Abadi thực hiện nhiệm vụ này là hết sức quan trọng. Vì vậy chuyến thăm Iraq lần này của ông chủ Lầu Năm góc không chỉ dọn đường cho một sự can thiệp sâu hơn của Mỹ vào Iraq nếu khả năng này xảy ra trong tương lai mà còn "động viên" Iraq trong giải quyết những thách thức lớn về kinh tế, an ninh và chính trị.

Thùy Dương