Bài cuối: Chấn chỉnh công tác quản lý

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:46, 19/04/2016

(HNM) - Nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động (XKLĐ) có sai phạm nhưng việc xử lý chỉ dừng ở mức phạt tiền, đình chỉ hoạt động tạm thời rồi đâu lại vào đó. Biện pháp xử lý không đủ sức răn đe càng khiến thị trường XKLĐ trở nên hỗn loạn. Trước thực trạng này, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH sẽ chấn chỉnh công tác quản lý, xử lý nghiêm sai phạm...

Lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài.


Nỗ lực vì người lao động

Về việc thu phí môi giới quá cao, ngoài các biện pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra ngăn chặn cò mồi, xử phạt DN sai phạm... cần có những giải pháp để kiểm soát phía công ty môi giới - đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp khi đề cập đến các giải pháp nhằm siết chặt quản lý thị trường XKLĐ. Theo ông Diệp, việc yêu cầu các DN thu phí đúng quy định sẽ hạn chế được tình trạng NLĐ bỏ trốn. Và nếu tỷ lệ bỏ trốn quá cao, Bộ sẽ tạm dừng hoặc rút giấy phép của DN. Bộ LĐ-TB&XH cũng tăng cường kiểm tra, xử lý khiếu nại của người lao động (NLĐ).

Chi phí của lao động (LĐ) Việt Nam hiện nay sang thị trường Đài Loan quá cao, hầu hết LĐ phải chi tới 4.300 - 4.500 USD, nhưng cũng có người chi tới 5.000 USD, cá biệt có trường hợp phải chi tới 6.000 USD. Do bị thu phí cao nên NLĐ tìm cách bỏ trốn khỏi nơi làm việc, bỏ hợp đồng nhảy từ công ty này sang công ty khác để có thu nhập tốt hơn, tạo nên bức tranh không mấy sáng sủa khi mà công ty môi giới "ép giá" DN Việt Nam buộc phải trả phí cao hơn.

Trong năm nay, Bộ LĐ-TB&XH sẽ yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) chỉ đạo Ban quản lý LĐ tại Đài Loan thống kê tình trạng LĐ bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp. DN nào có nhiều LĐ bỏ hợp đồng, vi phạm sẽ có thể bị tạm dừng đưa LĐ sang Đài Loan. Với các công ty môi giới cũng tương tự, sẽ bị tạm dừng liên kết khi thiếu sự quan tâm đến NLĐ, để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu như hiện nay. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định: "Hiện chúng tôi cũng đang chỉ đạo Cục QLLĐNN, Ban quản lý LĐ Việt Nam tại Đài Loan rà soát các DN, nghe phản ánh từ phía NLĐ xem hiện nay phí của các công ty thu của NLĐ như thế nào; các công ty môi giới nào đang hợp tác với DN Việt Nam mà có tình trạng thu phí cao... sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn diện bằng mọi nỗ lực vì NLĐ".

Nghị định 95 về xử phạt vi phạm hành chính quy định rất rõ, NLĐ nếu bỏ khỏi nơi làm việc, bỏ hợp đồng thì cũng bị xử phạt. Công ty có nhiều LĐ bỏ trốn, không kịp thời hỗ trợ NLĐ thì cũng bị xử phạt. Đối với các DN môi giới Đài Loan, sẽ liệt kê danh sách công ty môi giới sai phạm, công bố trên website để tất cả các DN Việt Nam biết. Ngược lại, các DN Việt Nam sai phạm cũng sẽ bị công khai trên website của Cục QLLĐNN, của Bộ LĐ-TB&XH để cảnh báo NLĐ. Đồng thời, xem xét hạn chế số lượng tiêu chuẩn một công ty môi giới được hợp tác với bao nhiêu DN Việt Nam và ngược lại để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Bộ cũng phối hợp với Hiệp hội XKLĐ hằng năm công bố, xếp hạng các DN XKLĐ làm tốt.

Về các thị trường XKLĐ khác, Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo các đơn vị liên quan cùng phối hợp để chấn chỉnh những sai phạm xảy ra. Cục QLLĐNN có nhiệm vụ yêu cầu các DN công khai, minh bạch tất cả thông tin: giấy phép XKLĐ, các thị trường, DN khai thác, các địa chỉ của công ty, công khai về phí, bắt buộc có hóa đơn trả cho NLĐ, thời gian đào tạo bồi dưỡng, về nguồn tuyển chọn... Thông tin này phải rõ ràng với Sở LĐ-TB&XH địa phương, các sở sẽ giám sát việc tuyển chọn LĐ tại địa phương đó. Nếu NLĐ dễ dàng tìm được DN có chức năng XKLĐ, họ không cần qua môi giới sẽ giảm được rất nhiều chi phí và tránh bị lừa đảo.

Cần sự hợp tác ba bên

Không thể phủ nhận, từ năm 2012 đến nay, Bộ LĐ-TB&XH tập trung chấn chỉnh vi phạm của nhiều DN XKLĐ. Đã có hơn 100 lượt DN bị xử phạt do tuyển dụng qua trung gian, bắt tay với môi giới thu phí cao quá quy định; 39 DN bị thu hồi giấy phép XKLĐ. Riêng năm 2015, hàng chục DN bị xử phạt với mức cao, số tiền phạt cao nhất lên tới 230 triệu đồng, tạm dừng hoạt động XKLĐ hoặc cao nhất là thu hồi giấy phép. Trong nỗ lực chấn chỉnh công tác XKLĐ, Bộ LĐ-TB&XH cho biết sẽ xử lý nghiêm khắc vi phạm và phạt nặng với các hành vi tái diễn. Tại các thị trường nói chung, DN nào giao nhiệm vụ cho quá 3 chi nhánh ở các tỉnh, thành phố hoặc để xảy ra sai phạm ở các chi nhánh sẽ bị phạt từ 150 triệu đến 180 triệu đồng; DN cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép, mức phạt tiền từ 180 triệu đến 200 triệu đồng. Cục QLLĐNN cũng công khai trên website của Cục danh sách DN và các chi nhánh được phép tuyển dụng và đào tạo để NLĐ có lựa chọn đúng đắn. Các DN phải khống chế tỷ lệ lao động bỏ trốn, nếu để số lao động bỏ trốn quá cao Bộ sẽ tạm dừng hoặc rút giấy phép của DN.

Thực tế, các nước có tiếp nhận LĐ nước ngoài vẫn đánh giá LĐ Việt Nam cần cù, chăm chỉ và thông minh. Tuy nhiên, do bất đồng về ngôn ngữ và ý thức kỷ luật nên các DN Việt Nam phải cạnh tranh với các nước khác để giành đơn hàng. Đây chính là hệ lụy từ những yếu kém trong công tác đào tạo của DN. Khi nhận hồ sơ tuyển dụng của NLĐ, nhiều DN XKLĐ đào tạo sơ sài chiếu lệ, thậm chí rút ngắn tiết học để thời gian đào tạo kết thúc sớm. Vì chạy theo lợi nhuận nên DN cũng giao phó hoàn toàn cho những chi nhánh mà không có sự giám sát, không có sự quản lý... dẫn đến chất lượng LĐ kém. Chưa hết, khi LĐ sang làm việc ở nước bạn, gặp sự cố không được quan tâm kịp thời nên xảy ra những sự cố đáng tiếc.

Theo ông Tống Hải Nam - Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN, hiện nay thị trường Đài Loan và Nhật Bản là hai thị trường tiếp nhận nhiều LĐ Việt Nam nhất, tuy nhiên những vấn đề phát sinh từ hai thị trường này cũng đáng báo động. Việt Nam có khoảng 160 nghìn LĐ đang làm việc tại Đài Loan nhưng tỷ lệ LĐ bỏ hợp đồng, ở lại cư trú bất hợp pháp đã lên đến 17%. Với thị trường Nhật Bản, tỷ lệ LĐ bỏ trốn đang ở mức 4% và nếu vượt quá ngưỡng 5%, phía Nhật Bản sẽ dừng tiếp nhận LĐ ở nước ta.

Bài học về hơn 30% LĐ Việt Nam tại Hàn Quốc cư trú bất hợp pháp, đứng đầu trong danh sách 15 quốc gia có LĐ đang làm việc tại Hàn Quốc khiến phía Hàn Quốc buộc phải tạm dừng tiếp nhận LĐ Việt Nam mới đây chính là điều để chúng ta suy ngẫm. Bản thân NLĐ và các DN XKLĐ cần phải thay đổi, củng cố lại từ quan niệm đến quy tắc sống, sự nghiêm túc trong công việc cũng như sự tuân thủ quy định của pháp luật LĐ. Những tồn tại trong công tác XKLĐ không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ hợp tác LĐ của quốc gia mà còn làm giảm uy tín của thị trường LĐ Việt Nam.

Hàng nghìn NLĐ có nguy cơ mất cơ hội cải thiện đời sống. Để thị trường XKLĐ đi vào nền nếp, mang lại lợi ích thiết thực cần sự "bắt tay" của 3 bên: DN XKLĐ - NLĐ - cơ quan chức năng. Nếu cơ quan nhà nước siết chặt quản lý, chấn chỉnh kịp thời sai phạm thì DN sẽ tuân thủ nghiêm túc quy định, NLĐ vì thế cũng có nhiều cơ hội việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn và hạn chế được những tiêu cực phát sinh.

Nhóm phóng viên