Cũng nên điều chỉnh

Tài chính - Ngày đăng : 05:57, 19/04/2016

(HNM) - Thực hiện mục tiêu chống đô la hóa nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra quyết định hạ lãi suất huy động USD xuống dần, từ 6%/năm xuống 2%/năm, rồi 1%/năm, 0,75% và hiện nay là 0%.

Điều này có nghĩa là ngân hàng thương mại chỉ "giữ hộ" USD cho tổ chức, cá nhân và đồng tiền này không có giá trị sinh lời ở ngân hàng. Quy định này thực tế đã có tác dụng làm giảm kỳ vọng về USD của người dân và không ít người đã rút USD để chuyển sang gửi VND, thậm chí có người rút tiền gửi USD ở ngân hàng mang về nhà cất. Rõ ràng, mục tiêu của NHNN bước đầu được thực hiện đã có hiệu quả. Thế nhưng, các ngân hàng thương mại vẫn cần có nguồn cung USD cho vay đối với các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu, nên để có thể giữ chân khách gửi USD, không ít ngân hàng đã phải "lách" quy định của NHNN.

Có một số ngân hàng nhân viên đã "tư vấn" cho khách hàng chuyển từ gửi USD sang đồng tiền khác để hưởng lãi suất bằng cách mang USD ra "chợ đen" bán, rồi mua ngoại tệ khác để gửi vào ngân hàng. Ngân hàng khác lại "tư vấn" cho khách cứ gửi USD, nhưng thực tế là hưởng lãi suất huy động loại ngoại tệ khác, để khách vừa giữ được USD, mà vẫn được hưởng lợi nhuận. Rồi có ngân hàng lại "mách" khách hàng gửi VND kèm USD (USD không có lãi suất, nhưng VND được tính lãi suất cao hơn)… Mỗi ngân hàng "lách" quy định một kiểu, nhưng đều nhằm mục đích là giữ chân khách hàng cũ và lôi kéo khách hàng mới.

Vẫn biết đây là "liều thuốc" của ngành chức năng để "điều trị" căn bệnh găm giữ USD của người dân và doanh nghiệp, nhưng nếu VND thực sự "khỏe", liều thuốc này không quá cần thiết. Nên chăng, NHNN áp mức lãi suất cho USD thấp, có thể 1-2%/năm để các ngân hàng không phải tìm mọi cách "lách", còn khách hàng vẫn có lợi nhuận khi gửi USD.

Hà Linh