Bài đầu: Biết bẩn, vẫn bán, vẫn ăn!
Xã hội - Ngày đăng : 05:24, 19/04/2016
Bài đầu: Biết bẩn, vẫn bán, vẫn ăn!
Những gánh hàng di động nhếch nhác, kinh doanh đủ loại thực phẩm đều không nguồn gốc, không được bảo quản, che chắn kỹ lưỡng ở mọi vỉa hè, góc phố lại được đông đảo người tiêu dùng đón nhận. Dù biết thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ, người bán vẫn bán, người ăn vẫn ăn. Và hễ lực lượng chức năng ra quân là phát hiện sai phạm...
Thức ăn đường phố luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Anh Tuấn |
Nguy cơ tiềm ẩn
Trên nhiều tuyến phố Hà Nội, dễ dàng bắt gặp những quán ăn "dã chiến", nhưng lại rất đông khách. Các thực khách ngồi tràn xuống cả lòng đường, thản nhiên ăn uống bên cạnh cống nước thải, trong khi chủ hàng vừa bán, vừa "canh" công an. Khi lực lượng chức năng ập đến, cả chủ và khách đều… té chạy. Vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) nhiều nhất thường tập trung vào những quán hàng như vậy.
8h sáng, ngay trước cổng Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt - Đức, một quán bún đậu mắm tôm được hình thành bởi đôi quang gánh, mấy chiếc ghế con và những chai lọ cáu bẩn đựng nước mắm, dầu ăn... không có nhãn mác. Rau sống đựng trong một chiếc túi bóng màu nhờ nhờ, không rõ có được rửa sạch hay không. Với bàn tay trần, chị chủ quán vô tư vừa cắt bún cho khách, vừa rán đậu, thỉnh thoảng, chính bàn tay ấy lại cầm mấy chiếc ghế nhựa cũ bẩn đưa cho khách. Bát đĩa thực khách ăn xong được "vứt" trong một chiếc xô gần đó, ruồi bâu đầy. Không có nổi một xô nước rửa, bát đĩa lại được chủ quán lau qua loa bằng một chiếc khăn, sau đó lại dành để phục vụ những vị khách tiếp theo. Bún đậu ở đây được bán với giá 15.000 - 20.000 đồng/suất. Một phụ nữ bụng mang dạ chửa từ BV Phụ sản trung ương gần đó cũng ghé vào, gọi một đĩa to và ăn rất ngon miệng. Khi chúng tôi hỏi về vấn đề ATTP, chị cười nói: "Vì nghén bún đậu nên biết bẩn mà vẫn cứ ăn"…
11h, tại cổng BV K trung ương, cách quán bún đậu mắm tôm vài trăm mét, những gánh cơm bụi, bánh đa cua, bún miến đủ loại bắt đầu tụ họp tại những gốc cây, hàng rào BV. Mỗi người một hộp cơm, kê một viên gạch hoặc cái dép là họ có thể ngồi ăn ngon lành. Với những người nhà bị bệnh trọng, điều trị tốn kém thì việc họ tiết kiệm vài chục nghìn một ngày cũng là số tiền lớn. Anh Diêm Quang Tiệp (quê ở Bắc Giang) chăm mẹ mổ u thận ở BV vừa ăn, vừa kể: "Mỗi ngày, anh ăn hai suất cơm bụi mất chỉ 30.000 đồng. Ở thành phố cái gì cũng đắt đỏ, không có quán cơm này cũng gay. Mình khỏe ăn lấy no thôi, chứ không quan tâm lắm đến vấn đề dinh dưỡng hay ATTP". Gần đó, anh Nguyễn Văn Th. (ở Ninh Bình) mới phát hiện bị u đại tràng, chia sẻ: "Tôi nhìn thấy họ chế biến đồ ăn không an toàn, nhưng đi chữa bệnh nên cũng phải tiết kiệm. Chỗ nào rẻ thì ăn, chứ ở quê làm ruộng, tiền đâu mà vào quán sạch sẽ".
Giống như khu vực BV, những quán hàng lưu động, vỉa hè cũng bủa vây quanh khu vực các trường học. Tại ngõ Tự Do (khu vực ký túc xá Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội), đếm sơ qua cũng có tới gần 30 quán hàng vỉa hè phục vụ đủ món, từ cơm phở, bún miến đến đồ ăn vặt như: Chè, sinh tố, hoa quả dầm, thịt nướng, nộm... Cảnh hàng quán bán đủ loại thức ăn như nộm, thịt nướng, bánh rán, bán cuốn… vây quanh vỉa hè, cổng trường các khu trường học ở Hà Nội hầu như không phải hiếm. Nhiều công viên, vườn hoa, khu vui chơi công cộng cũng không thoát khỏi cảnh khói mù mịt của các quầy thịt xiên nướng, mực nướng, rồi xúc xích nướng, rán… bên cạnh đủ loại quầy hàng ăn uống di động khác. Người lớn, trẻ em, học sinh… tất thảy đều nhiệt tình thưởng thức. Chỉ có điều, tất cả đều giống nhau ở một điểm: Không ai dám bảo đảm đây là thịt sạch, rau sạch, thực phẩm sạch.
Những con số đáng báo động
Từ đầu năm 2016, Hà Nội triển khai thực hiện thí điểm hoạt động thanh tra chuyên ngành ATTP tại 5 quận, 10 phường, xã, thị trấn. Chỉ qua gần 4 tháng thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 5 quận và 10 phường, xã, thị trấn thuộc TP Hà Nội đã phát hiện khoảng 30% cơ sở vi phạm, chủ yếu tập trung ở thức ăn đường phố. Qua thanh kiểm tra 774 cơ sở (thanh tra 141 cơ sở; kiểm tra 633 cơ sở), số cơ sở vi phạm 249, trong đó 88 cơ sở bị phạt tiền với gần 240 triệu đồng, 2 cơ sở đóng cửa hoạt động, còn lại 159 cơ sở phạt cảnh cáo và nhắc nhở. Các vi phạm chủ yếu là cơ sở không có phương tiện phòng chống côn trùng và động vật gây hại; người sản xuất không được tập huấn về kiến thức ATTP; sử dụng thực phẩm không nguồn gốc; vệ sinh cơ sở không đạt; cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP; sử dụng nguyên liệu hết hạn sử dụng; sử dụng phương tiện bảo quản thực phẩm không bảo đảm quy định…
Theo Bộ Y tế, thức ăn đường phố phải đáp ứng được các yêu cầu sau: Bảo đảm đủ nước sạch để vệ sinh và chế biến thức ăn; có dụng cụ riêng gắp thức ăn chín; không để lẫn thức ăn chín và sống; nơi chế biến thực phẩm phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm; không sử dụng các chất phụ gia và phẩm màu không được phép sử dụng cho thực phẩm; thức ăn phải được bày bán trên giá cao hơn 60cm, thức ăn chín phải được bày bán trong tủ kính, thức ăn phải được bao gói hợp vệ sinh và có dụng cụ chứa đựng chất thải... Nếu thực phẩm đường phố không bảo đảm an toàn, có thể dẫn đến 2 nguy cơ trước mắt và lâu dài. Với nguy cơ trước mắt, nếu thực phẩm bị nhiễm bẩn (lên men, độc tố vi khuẩn) hay thực phẩm nhiễm hóa chất (các chất tạo màu, chống thối, các chất bảo quản...) có thể gây nên tình trạng ngộ độc thức ăn cấp tính, biểu hiện: Đau bụng, nôn ói và tiêu chảy, có thể có sốt hoặc không sốt. Nguy cơ lâu dài do các hóa chất được tẩm, ngâm trong thực phẩm tích tụ trong cơ thể dễ gây một số bệnh nguy hiểm, trong đó có ung thư.
Bộ Y tế đã từng tiến hành cuộc điều tra về thức ăn đường phố tại 11 địa phương thì hầu hết bàn tay của người kinh doanh, chế biến thức ăn đường phố bị nhiễm vi khuẩn E.coli: Ở Hà Nội là 43,42%; TP Hồ Chí Minh 67,5%; Đà Nẵng 70,7%. Dù từ đầu năm đến nay, Hà Nội chưa ghi nhận vụ ngộ độc tập thể nào, nhưng những vụ ngộ độc nhỏ lẻ chưa có con số thống kê. Còn theo thống kê của Cục ATTP (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm có khoảng 170 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 7 nghìn người trúng độc và 37 người chết. Riêng trong quý I-2016, toàn quốc ghi nhận 25 vụ ngộ độc thực phẩm với 969 người mắc, 669 người đi viện và 2 trường hợp tử vong. Và số lượng các ca ngộ độc thực phẩm này lại có dấu hiệu không ngừng tăng lên mỗi dịp hè tới.
Không ít gian thương tìm mọi cách đưa thực phẩm "bẩn" vào thị trường (HNM) - Theo ông Chu Xuân Kiên, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Chi cục QLTT Hà Nội đã xử lý khoảng 600 vụ vi phạm về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm; phạt hành chính gần 5 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy khoảng 4,5 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều vụ thu giữ hàng tấn thực phẩm "bẩn" đang trong quá trình tiêu hủy, bốc mùi hôi thối. Chủ hàng thừa nhận đưa về chế biến, cung cấp cho các cửa hàng ăn, bán cho khách hàng. Thanh Hiền |