Nạn buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc qua điều tra của phóng viên CNN
Pháp luật - Ngày đăng : 14:16, 18/04/2016
ộc sống thiếu thốn khiến cho nhiều cô gái trẻ trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo vô lương tâm.
“Khi tôi tỉnh dậy, tôi mới biết rằng mình đã bị đưa sang Trung Quốc”, Lan nhớ lại cái đêm đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình.
Trong khoảng thời gian chuẩn bị cho việc nhập học vào một trường đại học tại vùng biên giới phía Bắc Việt Nam, Lan được một người làm quen qua mạng. Sau khi gặp mặt và ăn uống cùng người bạn này cùng một nhóm người mà cô không quen, cô đã thấm mệt nhưng nhóm này nài nỉ cô ở lại nói chuyện và uống thêm vài li rượu.
Tiếp theo cô chỉ nhớ rằng mình đã bị bắt cóc vượt biên sang Trung Quốc. “Lúc tôi nhận ra là mình đang bị bắt cóc, tôi chỉ muốn bỏ chạy. Ngoài tôi ra, trên xe còn một vài cô gái nữa nhưng chúng tôi bị giám sát rất chặt chẽ”.
Những cô gái trẻ chỉ 13, 14 tuổi bị lừa gạt và bị bán sang Trung Quốc làm vợ. Đây là hình ảnh các cô gái dân tộc thiểu số đang truyền tay nhau những tờ rơi nhằm nâng cao nhận thức của họ về nạn buôn người đang hoành hành ở các vùng biên giới phía Bắc Việt Nam. |
Những ngôi làng dọc biên giới Việt Nam- Trung Quốc là “miền đất hứa” của những kẻ buôn người. Những cô bé chỉ mới 13 tuổi bị lừa hoặc bị đánh thuốc mê, sau đó các đối tượng bắt cóc sẽ dùng thuyền, xe máy hoặc ô tô để đưa nạn nhân vượt biên. Những phụ nữ trẻ người Việt được coi là món hàng có giá trị tại thị trường Trung Quốc – nơi chính sách một con và nhu cầu đẻ con trai đã khiến sự chênh lệch giới tính ở quốc gia này trở thành báo động.
"Nói một cách dễ hiểu hơn: Đàn ông Trung Quốc đang “đói” vợ"
Theo bà Hà Thị Vân Khánh, một thành viên thuộc đội dự án quốc gia làm việc cho tổ chức chống buôn người của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết: “Một người đàn ông Trung Quốc phải mất rất nhiều tiền để có thể kết hôn với một người phụ nữ Trung Quốc”. Theo truyền thống, đàn ông Trung Quốc muốn lấy vợ cùng quốc tịch sẽ phải chi trả kha khá cho một bữa tiệc cưới hoành tráng và người đó phải có điều kiện để mua một ngôi nhà riêng để hai vợ chồng ở sau khi cưới. “Đó là lí do tại sao họ cố gắng “nhập khẩu” phụ nữ từ các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam”, bà Khánh cho biết.
Một người phụ nữ may mắn thoát khỏi gia đình chồng và trở về Việt Nam. Hiện cô đang học nghề để sau này có thể tự nuôi sống bản thân. |
Diệp Vương là người sáng lập Quỹ Pacific Links (Liên kết Thái Bình Dương) nhằm phòng chống nạn buôn người. Bà cho biết cô dâu Việt Nam có thể được bán sang Trung Quốc với giá 3.000 USD và rất được ưa thích bởi sự tương đồng văn hóa giữa hai nước.
Trở lại với câu chuyện nạn nhân buôn người, trường hợp một cô gái khác tên Nguyên. Cô chỉ mới 16 tuổi khi bị bạn của bạn trai đánh thuốc mê rồi bán sang Trung Quốc. Cô đã cố gắng tìm đủ mọi cách để kháng cự lại cuộc hôn nhân ép buộc. Trong ba tháng, cô phải chịu đựng những trận đòn roi của bọn buôn người và những lời đe dọa sẽ giết chết nếu không nghe lời. Cô là số ít người may mắn lấy được một người chồng tử tế, yêu thương cô, nhưng cuộc sống nơi đất khách quê người vẫn khiến cô day dứt và nhớ nhung gia đình ở Việt Nam.
Người phụ nữ này đã trốn thoát trước khi bị ép gả vào một gia đình vùng hẻo lánh Trung Quốc. Sau khi trở lại quê hương, cô kể lại câu chuyện mình đã bị lừa thế nào để cảnh báo những người phụ nữ khác. |
“Tôi rất nhớ nhà và muốn trở về. Tôi đã đồng ý kết hôn với người đàn ông đó nhưng tôi không muốn ở lại với người mà tôi chả có một chút cảm xúc nào”, Nguyên chia sẻ.
Sau khi mẹ chồng cô nhận ra cuộc hôn nhân này sẽ không thể cứu vãn nổi, bà đã trả cô lại cho bọn buôn người để lấy lại tiền. Sau đó, cô lại bị ép buộc vào một cuộc hôn nhân với một người đàn ông Trung Quốc khác.
Nơi bình yên những người phụ nữ bỏ trốn
Quỹ Liên kết Thái Bình Dương có trụ sở tại Lào Cao là một nơi cư trú cho những nạn nhân buôn người. Những người phụ nữ trẻ có thể ở lại nơi đây trong vòng 2 đến 3 năm. Họ được tạo điều kiện tiếp tục đi học hoặc học một nghề để kiếm sống như nấu ăn, may vá hay làm vườn. Đây có thể được coi như một ngôi nhà, những nạn nhân có thể được bao bọc, chia sẻ với những người phụ nữ cùng cảnh ngộ để lấy lại tinh thần và sau khi rời đi, họ có vốn kiến thức để tự đứng lên trên đôi chân của mình và tự kiếm tiền nuôi sống bản thân.
Bà Diệp cho biết: “Một khi những người phụ nữ nhận được sự giúp đỡ toàn diện thì sau này họ có thể tiếp tục cuộc sống của mình một các dễ dàng hơn”.
Hai người phụ nữ trẻ từng là nạn nhân bị bán sang nước ngoài đã lên tiếng truyền đạt kinh nghiệm và nâng cao nhận thức của người dân trong phiên họp chợ tỉnh Bắc Hà. |
Tổ chức của bà Diệp cũng đã cố gắng tiếp cận gần hơn với cộng đồng để ngăn chặn việc ngày càng nhiều thiếu nữ bị sa vào bẫy của bọn buôn người. Mỗi tháng, một nhóm những người từng bị bán sang Trung Quốc sẽ tổ chức một cuộc gặp tại chợ Bắc Hà, cùng nhau đi mua thực phẩm, vải, thú chăn nuôi. Đây cũng là dịp để hành trăm người nói về kinh nghiệm họ đã phải trải qua, đặt ra những câu hỏi về việc bị bán sang nước ngoài và hòa nhập với cộng đồng.
“Tôi nghĩ rằng nhận thức là công cụ duy nhất để giải quyết vấn đề này”, bà Diệp nói. Ngoài việc nâng cao nhận thức người dân, đặc biệt là những người dân nghèo, những hộ gia đình ở vùng xa xôi hẻo lánh dọc biên giới, việc xóa đói giảm nghèo cũng vô cùng quan trọng. Điều này sẽ giúp những người phụ nữ trẻ bỏ qua suy nghĩ vượt biên sang Trung Quốc để tìm việc làm và cũng là để những đối tượng buôn người không có lí do để lừa gạt những người cả tin.
An toàn nơi biên giới
Trong chuyến đi của các phóng viên đài CNN đến miền biên giới Việt Nam, chính quyền địa phương cho biết cảnh sát đã giải cứu được 5 cô gái sắp bị chuyển qua biên giới. Các phóng viên đã có dịp trò chuyện với các nạn nhân, tất cả đều trên dưới 14 tuổi. Các cô gái cho biết, họ được một người hàng xóm hứa là sẽ trả cho 600 USD mỗi người nếu sang Trung Quốc làm việc. Bố mẹ các nạn nhân đều không hề hay biết rằng con mình bị lừa và bắt cóc. Kẻ hàng xóm lừa đảo hiện đã bị giam giữ và điều tra.
Cảnh sát Việt Nam có thể giải cứu một số trường hợp phụ nữ đã bị bắt cóc sang Trung Quốc bằng cách nhờ đến sự giúp đỡ của chính quyền địa phương nước này. Năm ngoái, có tất cả 109 nạn nhân đã được giải cứu.
Nếu các cô gái không bị bán sang làm vợ cho những gia đình có nhu cầu tìm dâu “ngoại” thì hầu hết những nạn nhân xấu số sẽ bị bán vào các nhà thổ ở những vùng quê của Trung Quốc. Những người phụ nữ này buộc phải tìm cho mình một con đường sống. Một số đã có thể liên hệ với gia đình ở Việt Nam nhưng họ không thể được giúp đỡ vì bản thân họ cũng không biết là mình đang ở đâu.
Cả hai nạn nhân Lan và Nguyên đều kết thúc hành trình bị buôn qua bán lại tại cùng một thị trấn. Sau hai năm, họ cùng nhau lập kế hoạch để trốn thoát khỏi gia đình nhà chồng và đi taxi đến một đồn cảnh sát địa phương. Họ đều sợ sẽ bị chồng phát hiện và phải quay trở lại ngôi nhà không phải của mình. Nhưng cuối cùng, họ cũng được giải thoát và trở về Việt Nam.
Những cô gái trẻ bị bán sang Trung Quốc nếu không được các gia đình nhận làm dâu thì sẽ bị bán vào các nhà chứa. Một số họ may mắn trốn thoát nhưng phải chịu vô vàn thiệt thòi và đau khổ khi trở về Việt Nam. Do địa thế hiểm trở của vùng núi và địa bàn rộng lớn mà việc quản lí khu vực biên giới trở nên vô cùng khó khăn và nguy hiểm. |
Tuy những người phụ nữ này đều đã thoát khỏi những cuộc hôn nhân cưỡng ép nhưng họ đã phải trả một cái giá quá đắt. Cả hai đều không được mang con theo. Lan kể lại trong nước mắt, nếu được gặp lại đứa con gái bé bỏng, cô sẽ hối lỗi vì đã bỏ lại con ở đó, “Tôi hy vọng rằng con bé sẽ có một cuộc sống tốt đẹp”.
Cả Lan và Nguyên đều đã được thầy cô giáo dạy về nạn buôn người nhưng ở thời điểm đó, họ không hề nghĩ rằng sẽ trở thành nạn nhân của những kẻ vô lương tâm.