Bài 2: Đâu là nguyên nhân?
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:25, 18/04/2016
Lao động Việt Nam đang làm việc trong nhà máy tại Đài Loan. |
Trong khi đó, nhu cầu ra nước ngoài làm việc của người lao động (NLĐ) vẫn rất lớn, đặc biệt là một số nước cho thu nhập cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc... Điều này khiến không ít người chấp nhận đi XKLĐ bằng mọi giá, còn DN thì tìm mọi cách móc túi, thậm chí là lừa đảo NLĐ.
Xuất khẩu lao động bằng mọi giá
Nguyễn Văn Tuấn (quê ở Nghệ An) đã làm việc tại Đài Loan được 7 năm, lương và môi trường làm việc tạm ổn định nên cũng giới thiệu nhiều anh em, bạn bè sang làm việc ở thị trường này. Tuấn cũng thẳng thắn thừa nhận là biết quy định mức thu phí đi Đài Loan chỉ có 4.000 USD/người, nhưng đã thành lệ, NLĐ nào cũng chấp nhận nộp thêm tiền để... được việc. Năm 2009 khi kinh tế đang khó khăn, còn ít người đi XKLĐ nên Tuấn chỉ nộp phí 4.500 USD, còn sau đó em trai và bạn bè Tuấn cũng xuất cảnh với mức phí dao động 5.500-6.500 USD. Đối với NLĐ, việc trả thêm vài chục triệu đồng cho DN để được đi làm sớm, để được lương cao hơn công ty khác, để được làm thêm nhiều hơn... đó đã là thuận lợi. Chỉ có điều, họ không biết rằng, mình chính là "miếng mồi" cho các DN có ý định trục lợi từ thị trường XKLĐ vốn đang lộn xộn hiện nay.
Chính bởi thiếu thông tin về các thị trường XKLĐ chính thống nên khi nghe những "lời đường mật" từ cò môi giới, NLĐ sẵn sàng nộp tiền. Trong khi lệnh cấm lao động Việt Nam sang Hàn Quốc vẫn chưa được dỡ bỏ thì NLĐ và DN vẫn có thể "biến không thành có", đi XKLĐ bằng đường du lịch. Tháng 1-2016 có hàng chục du khách Việt bị cảnh sát Hàn Quốc bắt giữ, trong đó một số bị bắt khi đang làm việc tại nhà xưởng và hàng chục du khách khác đang bị truy tìm.
Điều này trùng hợp với sự kiện hàng chục người dân ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh bị lừa sang Hàn Quốc làm việc qua hình thức du lịch rồi bỏ trốn. Thông qua người môi giới, hồi tháng 3-2015 người dân ở đây đã vay mượn, cầm cố sổ đỏ khoảng 200 triệu đồng nộp phí sang Hàn Quốc làm việc. Sau khi "mắc bẫy", NLĐ vỡ mộng, tiền mất, nợ nần, có vác đơn đi kiện thì cũng không biết đến bao giờ có hồi kết. Chính quyền xã Thạch Kim cũng xác nhận có nhiều người dân của xã không tìm hiểu thông tin, không nghe tư vấn của chính quyền xã, mà tự ý tìm môi giới nên đã bị lừa. Hiện Công an Hà Tĩnh đang củng cố hồ sơ, triệu tập những người liên quan để lấy lời khai.
Ông Tống Hải Nam, Cục Phó cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Hiện nay có khoảng 110/247 DN XKLĐ đưa người đi Đài Loan làm việc và hầu hết đều thu phí cao hơn quy định. Có nhiều nguyên nhân để DN thu phí cao hơn, nhưng nếu không có sự chấp nhận đi XKLĐ bằng mọi giá của NLĐ thì DN không thể làm liều. Và đáng buồn là không phải một vài cá nhân bị lừa, có khi cả xã, cả thôn có vài chục người cùng đi, có gia đình hai vợ chồng, hai anh chị em ruột cùng làm hồ sơ để xuất ngoại. Vì vậy, nếu gặp DN làm ăn chân chính thì hiệu ứng rất tốt, nhưng ngược lại khó lường trước hậu quả.
Ở một góc độ khác, theo ông Tống Hải Nam, nếu như trước kia chỉ có hơn 150 DN tham gia hoạt động XKLĐ, thì đến nay con số lên đến 160. Điều đó dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa chính các DN, trong khi các thị trường tiếp nhận nhiều lao động vẫn chỉ có vậy.
Doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm
Có cầu ắt sẽ có cung, nhiều NLĐ dù không đủ điều kiện sức khỏe, tuổi tác, trình độ chuyên môn vẫn được DN tìm cách đưa đi XKLĐ. Có DN bị phạt đồng thời nhiều lỗi. Đó là sự việc 150 lao động có đơn tố cáo bị Công ty Atlantic và Công ty CP Cung ứng nhân lực và Thương mại Vietcom Human lừa XKLĐ đi Nhật Bản với số tiền khoảng 10 tỷ đồng. Công ty Atlantic không có chức năng đưa lao động đi xuất khẩu nhưng vẫn nhận hồ sơ của 75 người với lời hứa hẹn sẽ đi làm việc ở Nhật Bản. Sau đó, mỗi NLĐ đóng 5 triệu đồng và được giới thiệu đến Trung tâm Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực - cơ sở 2 (ở TP Hồ Chí Minh) thuộc Công ty Vietcom Human (trụ sở chính tại Hà Nội) để học tiếng. Tháng 11-2014, 75 NLĐ tiếp tục đóng thêm mỗi người 2.800 USD tiền cọc và 12 triệu đồng (học phí tiếng Nhật) cho Công ty Atlantic. Tính đến hết năm 2014, công ty này thu 10 tỷ đồng và biến mất khiến 150 gia đình trở nên điêu đứng.
Các chuyên gia XKLĐ thẳng thắn thừa nhận, DN nào cũng mong muốn đưa người đi nước ngoài làm việc với chi phí thấp nhất. Tuy nhiên, nếu DN tìm được việc làm thu nhập tốt, ổn định thì chính NLĐ sẵn sàng nộp tiền phí cao hơn để được đi làm ngay. Nắm bắt nhu cầu này, các DN Việt Nam chạy đua để săn đơn hàng và tất yếu sẽ dẫn đến hiện tượng DN này "nẫng" tay trên đơn hàng của DN khác bằng nhiều chiêu trò gian lận với công ty môi giới ở nước ngoài. Các DN yếu thế hơn sẽ thua cuộc, họ sẽ tìm đối tác khác dù biết đơn hàng không chất lượng.
Trong khi đó, tiền phí đã thu đủ của NLĐ, thời gian chờ đợi quá dài, DN làm liều đưa người đi làm việc ở lĩnh vực khác, lương thấp hơn, điều kiện làm việc không tốt. NLĐ khi sang đến nơi mới biết lời hứa hẹn của DN không đúng, thiệt thòi trăm đường. Như trường hợp chị Trần Thị Hương, quê tỉnh Hà Tĩnh đã viết đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng trợ giúp lấy lại số tiền đặt cọc 6.200 USD để đi Đài Loan làm việc. Ngày đầu tiên đặt chân lên nước bạn chị đã bị trả về nước vì nghi bị lao phổi, trong khi trước đó công ty XKLĐ đưa chị đi khám và khẳng định chị không có bệnh tật gì. Trở về nước chị kêu cứu tới công ty, các cơ quan chức năng trợ giúp. Chờ đợi mãi chị cũng được công ty trả lại 4.700 USD, còn 1.500 USD được xem như chi phí đi chơi 2 ngày do sự tắc trách, vô trách nhiệm của DN.
Khảo sát một số DN XKLĐ trên địa bàn Hà Nội cho thấy, để thu hút NLĐ, đa số các DN đều nới lỏng các chính sách, ăn bớt thời gian đào tạo. Theo quy định, trước khi đưa lao động đi làm, phải qua khóa đào tạo 72 tiết nhưng có thể bị rút ngắn trong 1-2 buổi, hoặc việc khám sức khỏe cũng không quá khắt khe. Như một trung tâm XKLĐ trên phố Phạm Tuấn Tài, quận Cầu Giấy yêu cầu NLĐ chỉ đặt cọc từ 5-10 triệu đồng, sau khi đủ các điều kiện thì mới thu phí.
Hiện tượng các công ty XKLĐ mở văn phòng hoặc chi nhánh đại diện tại các tỉnh, thành phố khác nhưng quản lý lỏng lẻo đã để xảy ra nhiều sai phạm đáng tiếc. Đó là trường hợp Công ty CP Phát triển quốc tế IDC (Hà Nội) mở văn phòng tư vấn và tiếp nhận hồ sơ tại ấp An Bình (xã An Tịnh, tỉnh Tây Ninh) do Trương Kim Tuyến làm đại diện. Dù văn phòng này chỉ có nhiệm vụ tư vấn sơ bộ, tiếp nhận hồ sơ của NLĐ, lập danh sách gửi về chi nhánh, không được thu phí. Mặc dù, tháng 12-2014, Công ty IDC thông báo chấm dứt hoạt động văn phòng tại địa chỉ trên nhưng Tuyến vẫn lợi dụng danh nghĩa thu của 75 NLĐ với số tiền 7 tỷ đồng. Vừa qua, cơ quan điều tra Công an tỉnh Tây Ninh đã bắt tạm giam Tuyến, khởi tố vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.