“Nóng” vấn đề cấp giấy chứng nhận kiểm dịch

Đời sống - Ngày đăng : 06:00, 18/04/2016

(HNM) - Nhu cầu sử dụng thực phẩm của Hà Nội lớn, trong khi thành phố mới tự chủ được 60%, còn lại phải nhập từ các địa phương khác.

Cán bộ Chi cục Thú y Hà Nội phun tiêu độc khử trùng đối với gia súc, gia cầm, phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Thái Hiền


Theo Chi cục Thú y Hà Nội, việc phối hợp với các tỉnh trong kiểm soát sản phẩm động vật đã giúp cho đơn vị nắm bắt được nguồn gốc xuất xứ; thông tin kịp thời các trường hợp vi phạm để phối hợp kiểm tra và xử lý. Do vậy, công tác kiểm dịch đã khắc phục được nhiều tồn tại. Tuy nhiên, việc kiểm soát sản phẩm động vật từ các tỉnh về Hà Nội còn hạn chế. Theo ông Đỗ Phú Sơn, Phó phụ trách Chi cục Thú y Hà Nội, nan giải và khó khăn nhất là việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển từ các tỉnh về Hà Nội bởi các địa phương ngoại tỉnh cấp giấy cẩu thả, sơ sài: Cấp giấy nhưng không ghi rõ ngày tháng, không có con dấu... Một số tỉnh còn cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sai quy định. Đơn cử như ở tỉnh Hưng Yên cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho một số hộ mua gà thải loại của Trung Quốc về nuôi 15 ngày đến 1 tháng để hợp thức hóa thành gà nuôi trong nước sau đó đưa về bán tại chợ gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín). Mặc dù lực lượng chức năng của thành phố đã tăng cường, kiểm soát các loại gia cầm vào chợ Hà Vỹ, song do địa bàn thành phố rộng, nhiều đường ngang ngõ tắt và có đường sông nên thương lái xé lẻ thành vài chục con đưa vào chợ để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Theo ông Phạm Ngọc Oánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thái Nguyên, các sản phẩm động vật của tỉnh cung cấp về cho Hà Nội khoảng 60%, do sản xuất trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa triển khai xây dựng được các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, việc kiểm soát sản phẩm động vật ở các nơi đưa về Hà Nội chưa triệt để nên vẫn còn tình trạng thương lái mang hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vào Thủ đô. Còn theo ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, hiện thành phố đã xây dựng được 22 chuỗi liên kết trong chăn nuôi, trong đó có cả liên kết với các tỉnh. Tuy nhiên, việc kiểm soát sản phẩm động vật của các tỉnh đưa về Hà Nội theo chuỗi vẫn còn vướng mắc, nhiều mặt hàng của các tỉnh chưa có thương hiệu, nhãn hiệu tập thể nên khi xảy ra sự cố không truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Nhiều nơi nông dân còn trà trộn sản phẩm không an toàn vào bán, khi kiểm tra, xét nghiệm mới phát hiện vi phạm.

Trước những vướng mắc trong kiểm soát sản phẩm động vật của các tỉnh đưa về Hà Nội, ông Đỗ Hồng Phong, Phó Chi cục Thú y Hà Nội đề nghị các cơ quan chức năng của thành phố phối hợp chặt chẽ với các tỉnh để kiểm soát chặt các sản phẩm vào thị trường Hà Nội. Quy trình kiểm soát phải chặt chẽ, các tỉnh phải thống nhất mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch động vật theo đúng quy định, ghi rõ số lượng cấp và ngày cấp, hết hạn. Thịt tại nơi sản xuất phải ghi rõ nhãn mác, thời gian giết mổ và hạn sử dụng chứ không đánh đồng như hiện nay. Chi cục Thú y Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Các tỉnh phải thường xuyên trao đổi thông tin, cập nhật số liệu về tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để tạo sự chủ động cho Hà Nội trong kiểm soát sản phẩm động vật.

Các tỉnh cũng đề nghị Hà Nội tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong công tác kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và xây dựng hệ thống các chuỗi liên kết trong chăn nuôi để truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho rằng, để quản lý chặt chẽ sản phẩm động vật của các tỉnh đưa về Hà Nội, trong thời gian tới Đội cơ động liên ngành thành phố triệt để đấu tranh với các đầu nậu, các đường dây có tổ chức vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc; xử lý nghiêm khi phát hiện vi phạm. Trong xử lý vi phạm, cần tạm giữ phương tiện vận chuyển trong thời gian dài, nếu tái phạm thì tùy theo mức độ vi phạm có thể tịch thu phương tiện. Thường xuyên thông tin với lực lượng chức năng các địa bàn lân cận thuộc tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên... để đấu tranh có hiệu quả đối với các đối tượng vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc vào chợ Hà Vỹ… 

Ngọc Quỳnh