Văn minh hội họp
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 05:43, 18/04/2016
Tuy nhiên, theo nhiều cán bộ văn phòng cấp ủy quận, huyện, công tác tổ chức các hội nghị như vậy thường rất khó khăn do ý thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao. Đầu hội nghị, đại diện ban tổ chức thường phải "mệt nhoài" để mời người này, người kia lên ngồi những hàng ghế phía trên. Vì không ít người đến hội nghị chỉ muốn ngồi ở những hàng ghế sau để nói chuyện hoặc... về sớm. Đến giữa và gần cuối hội nghị, nhất là sau khi giải lao, hội nghị thường thưa vắng hẳn. Trong nhiều hội nghị còn có những biểu hiện kém đẹp như: Đại biểu để chuông điện thoại kêu to, sử dụng điện thoại tùy tiện, túm tụm nói chuyện riêng…
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chương trình, nội dung hội họp chưa có nhiều đổi mới. Nhiều hội nghị phần đọc báo cáo, có khi kéo dài cả tiếng đồng hồ. Báo cáo thì lan man, thiếu trọng tâm. Đại biểu tham luận cũng đọc văn bản chuẩn bị sẵn, đều đều từ đầu đến cuối. Tham luận thường nặng về kể lể thành tích mà ít có những đóng góp thiết thực các giải pháp mới...
Để tránh tình trạng đại biểu bỏ về giữa chừng, trong nhiều hội nghị, chủ trì phải vận dụng một số biện pháp cực chẳng đã như bỏ nghỉ giải lao, điểm danh trước và sau hội nghị. Hay như ở quận Đống Đa, tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận (số 4 Đặng Văn Ngữ), nơi tổ chức nhiều hội nghị lớn của Quận ủy, thường sau khi bắt đầu được khoảng 30 phút là bảo vệ được lệnh khóa cổng. Biện pháp nghe có vẻ cứng nhắc này hóa ra lại khá hiệu quả. Ai muốn ra vào phải trình bày với bảo vệ, phiền phức, nên dần dần nhiều người cũng ngại bỏ về giữa chừng.
Đổi mới cả hình thức và nội dung các hội nghị sao cho thiết thực, hiệu quả là yêu cầu đặt ra đối với mỗi cấp ủy, đơn vị. Tuy nhiên, vấn đề chính là cán bộ, đảng viên phải tự nâng cao ý thức kỷ luật, văn minh hội họp. Tham gia hội họp nghiêm túc không chỉ là trách nhiệm với công việc, mà còn thể hiện văn hóa, văn minh. Đó cũng là sự tôn trọng đối với đồng chí, đồng nghiệp và tôn trọng chính mình.