Bài đầu: Không phát hiện tham nhũng - Có đáng mừng?
Đời sống - Ngày đăng : 05:35, 18/04/2016
Bài đầu: Không phát hiện tham nhũng - Có đáng mừng?
Tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN, báo cáo của địa phương và nhiều bộ, ngành nhận định: Tham nhũng đang hiện hữu. Có điều, đưa các hành vi tham nhũng ra ánh sáng vẫn là vấn đề. Phải chăng, người đứng đầu các cơ quan chưa sâu sát nên không phát hiện tham nhũng ngay trong chính cơ quan mình?
Hiện nay, tình trạng vi phạm, tham nhũng trong lĩnh vực quản lý đất đai, khoáng sản và môi trường diễn biến rất phức tạp. |
Biến cái rất to thành cái nhỏ
PCTN trong nội bộ thế nào cho hiệu quả là đề tài "nóng" mà các bộ, ngành, địa phương đồng loạt đem ra mổ xẻ theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ. Rất nhiều ý kiến cho rằng, độ ẩn của tham nhũng rất cao nên đôi khi chỉ trong nội bộ mới biết. Nhưng kết quả lại không như thế.
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, trong 10 năm qua, Hà Nội đã chuyển đổi công tác hơn 3.100 cán bộ, công chức, viên chức. Các vụ việc, vụ án có liên quan đến tham nhũng được quan tâm chỉ đạo xử lý nghiêm, kịp thời. Đã có 9 trường hợp bị xử lý về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng. Song song với phòng ngừa, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về PCTN được thực hiện tích cực hơn bằng nhiều kênh thông tin với nhiều hình thức. Hà Nội cũng đã mở rộng hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, ủy ban MTTQ các cấp, các đoàn thể, cơ quan báo chí và tăng cường trách nhiệm giải trình. Dù vậy, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tính tiên phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao; việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế.
Báo cáo tổng kết của TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tư pháp cũng kết luận "không có tham nhũng" hoặc "không phát hiện vụ tham nhũng nào". Bộ Ngoại giao nêu quan điểm, pháp luật PCTN được triển khai toàn diện, rộng khắp nên chưa có trường hợp tham nhũng nào phải chuyển cho cơ quan điều tra, xét xử. Bộ Công thương cũng chưa phát hiện tổ chức, cá nhân nào vi phạm Luật PCTN...
Nếu kết quả này là trung thực thì đó là điều đáng mừng. Thế nhưng, ở đây thực sự là không có, hay là chúng ta không phát hiện ra tham nhũng? Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến đưa ra giả thuyết cho rằng: Báo cáo thường là từ dưới lên, không địa phương nào tự nói ở nơi mình có tham nhũng. Ở mỗi cơ quan, đơn vị, chính quyền hiện nay, đều có chi bộ Đảng, có người lãnh đạo quản lý. Chất lượng sống của cán bộ, nhân viên thế nào thì mọi người trong cơ quan cảm nhận dễ nhất… Ví dụ, nếu một người khi vào cơ quan nghèo rớt, thu nhập chẳng bao nhiêu lại là con một gia đình nông dân nghèo… làm việc có mấy năm mà mua sắm được nhà cửa, xe cộ thì cơ quan biết ngay, làm sao giấu được. Nhưng một cá nhân của một cơ quan, tổ chức nếu bị phát hiện tham nhũng thì chắc chắn uy tín của cơ quan, tổ chức và người đứng đầu sẽ bị ảnh hưởng. "Vì thế, có thể khi phát hiện ra tham nhũng, người ta chỉ xử lý nội bộ, thu vén cho gọn lại, biến cái rất to thành cái nhỏ, biến cái nhỏ bằng không. Lâu nay đã có nhiều trường hợp như thế rồi. Vì thế mà các cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc…" - ông Lê Như Tiến nói.
Khó chống tham nhũng vì... cơ chế
Trực tiếp tham dự nhiều cuộc họp tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt không bất ngờ với việc nhiều bộ, ngành, địa phương khẳng định suốt 10 năm qua "không phát hiện tham nhũng" hoặc "không có tham nhũng". Ông cho rằng: "Thực ra họ nói cũng có căn cứ của họ. Chỉ khi nào tòa án đưa ra phán quyết cán bộ nào đó phạm tội tham nhũng thì khi đó mới được coi là tham nhũng. Có rất nhiều vụ việc ban đầu thì bị điều tra về tội tham nhũng nhưng sau đó tòa án xét xử lại đổi sang tội danh khác nên không thể đưa vào danh sách tham nhũng được. Thống kê này dựa trên phán quyết của tòa án".
Khẳng định việc tự phát hiện tham nhũng là khâu yếu nhất, Cục trưởng Phạm Trọng Đạt thừa nhận, để đề cao trách nhiệm người đứng đầu phải có biện pháp mạnh. Ông Phạm Trọng Đạt lấy ví dụ, một chủ tịch UBND tỉnh để tình trạng tham nhũng xảy ra thì có phải chịu trách nhiệm hay không, phải được quy định rõ. Bí thư Tỉnh ủy có phải chịu trách nhiệm không? Tương tự, lãnh đạo bộ cũng thế. Rồi cấp phó phụ trách trực tiếp có phải chịu trách nhiệm không, cũng cần quy định rõ ràng. Hành vi và mức độ đến đâu phải có hình thức xử lý tương xứng, quy định thật cụ thể thì mới xử lý được. Chứ như hiện nay, khi cấp dưới vi phạm thì cấp trên “rút kinh nghiệm” cũng được, “khiển trách” cũng được, còn cách chức thì rất khó.
Là người chỉ đạo khám phá nhiều vụ án tham nhũng, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh thẳng thắn cho biết, Ban Nội chính Thành ủy từng yêu cầu Công an thành phố giải trình vì sao án tham nhũng phát hiện qua trinh sát ít. Lực lượng công an không triển khai được vì phải chấp hành Chỉ thị 15. Hầu hết đối tượng gây ra hành vi tham nhũng là đảng viên, mà công an không được tổ chức trinh sát đảng viên. Do đó, các án tham nhũng do Công an thành phố phát hiện phải thông qua các vụ án kinh tế khác.
Ở góc nhìn khác, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Duy Ngọc nhận định: Hậu quả do tội phạm tham nhũng gây ra ngày càng lớn, không chỉ về kinh tế mà nghiêm trọng hơn là làm giảm hiệu lực quản lý, điều hành nhà nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Trong khi đó, quá trình điều tra ban đầu, khi vụ việc chưa được khởi tố, công tác thu thập hồ sơ, tài liệu đối với tội phạm tham nhũng rất khó khăn. Hầu hết các ngân hàng không chuyển tài liệu kịp thời, yêu cầu phải có văn bản đề nghị do cấp có thẩm quyền ký, kèm theo quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can mới cung cấp...