Bài cuối: Nắm chắc tình hình, chủ động trong mọi tình huống

Chính trị - Ngày đăng : 06:28, 17/04/2016

(HNM) - Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị tổ chức bầu cử đang được các cấp, ngành bảo đảm tốt. Mặc dù vậy, với những vấn đề đã được lưu ý trong các cuộc kiểm tra, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền không được lơ là, luôn phải nắm chắc tình hình, chủ động trong mọi tình huống để bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử.

Kiểm tra tại cơ sở, UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng đoàn kiểm tra số 1 của Thành ủy nhắc lại một số bài học kinh nghiệm ở những lần bầu cử trước. Đó là những sơ suất nhỏ hoặc sự chậm trễ của một tổ bầu cử đã ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả chung, như có lần "cả huyện phải chờ một hòm phiếu". Đồng chí yêu cầu, cấp ủy, chính quyền các cấp phải hết sức tập trung, kỹ càng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo khâu chuẩn bị bầu cử. Trong đó, phải hết sức chú trọng rà soát đội ngũ nhân sự tham gia các tổ bầu cử, bảo đảm thông thạo các quy trình, quy định bầu cử, thực hiện đúng các quy định của luật… Đây là một trong nhiều vấn đề về nghiệp vụ bầu cử mà cấp ủy nào cũng phải rà soát, bảo đảm chất lượng. Kết luận tại cuộc kiểm tra Ban Thường vụ Quận ủy Ba Đình, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh: "Kết quả đúng luật hay không, tiến độ có bảo đảm hay không, phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ những thành viên làm công tác ở các tổ bầu cử. Hoan nghênh quận đã thành lập các đoàn kiểm tra. Đề nghị các đồng chí không được chủ quan, kiểm tra thường xuyên và chỉ đạo các phường kiểm tra ở tổ dân phố. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, các đồng chí cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Bí thư, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận phải chịu trách nhiệm trước Thành ủy về bầu cử trên địa bàn".

Qua kiểm tra, giám sát, nhiều quận, huyện, thị xã đều nêu khó khăn về cơ sở vật chất trong bầu cử; ngân sách bố trí theo quy định chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác trao đổi phối hợp về việc in ấn, cung cấp tài liệu giữa thành phố và các địa phương chưa ăn ý. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố cho biết sẽ chỉ đạo rà soát, cân đối cho hợp lý và cấp bổ sung kinh phí cho các địa phương. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố đề nghị, các quận, huyện, đơn vị chủ động bố trí ngân sách địa phương để thực hiện cho kịp thời, bảo đảm yêu cầu, quy trình, tiến độ. Về vấn đề này, Bí thư Quận ủy Cầu Giấy Lê Văn Luân cho biết, quận sẽ chủ động và sẵn sàng chi cho các nhiệm vụ tổ chức bầu cử. Nhưng, tổ chức kiểm tra chéo ra sao, quyết nhiệm vụ chi như thế nào để vừa được việc, nhưng tránh lãng phí, không chi sai là vấn đề mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương đều phải quan tâm, thực hiện chặt chẽ.

Vấn đề bố trí các điểm bầu cử cũng đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền quân tâm sát sao. Kết quả kiểm tra cho thấy, nhiều địa phương phải đi thuê, mượn địa điểm của tổ chức (trường học, đền, chùa, đình, nhà thờ…) và hộ gia đình để làm điểm tổ chức bầu cử. Một số nơi như quận Thanh Xuân, một số điểm bầu cử sẽ được bố trí bằng nhà bạt di động. Để bảo đảm mỗi điểm bầu cử đều thực hiện được bố trí đúng quy định, bảo đảm trang nghiêm, thuận tiện, đặc biệt là an ninh, an toàn đòi hỏi các cấp ủy phải rà soát, tính toán các tình huống có thể xảy ra và có các phương án dự phòng. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Cống Vị (quận Ba Đình) Phạm Thị Thạch Bích từng băn khoăn: "Toàn phường chia thành 9 đơn vị bầu cử, nhưng có những địa bàn dân cư không có chỗ nào để tổ chức bầu cử".

Công tác tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện quyền bầu cử luôn là một trong những vấn đề cần được quan tâm hàng đầu. Lãnh đạo thành phố yêu cầu phải làm sao để đến ngày bầu cử, người dân nô nức đi bầu cử, chứ không phải đến giờ bầu cử lại phải bắc loa kêu gọi người dân. Tuyên truyền cho dân cư thường trú địa bàn cần quan tâm một thì tuyên truyền cho dân cư tạm trú cần quan tâm gấp mười. Tại nhiều quận, huyện có hàng nghìn, thậm chí hàng vạn công nhân, lao động, học sinh, sinh viên ngoại tỉnh tạm trú. Nhiệm vụ đặt ra đối với các cấp ủy, chính quyền địa phương, các đảng ủy khối, các tổ chức đảng trong doanh nghiệp là phải phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, nhà trường để thực hiện cùng lúc nhiều việc cần thiết như: Nắm bắt tư tưởng chính trị, tâm tư nguyện vọng; đề ra các giải pháp kịp thời đối với những vấn đề nhạy cảm, những vấn đề có thể phát sinh; tuyên truyền bảo đảm tỷ lệ cử tri đi bầu cao nhất; thuyết phục chủ sử dụng lao động tạo điều kiện cho cử tri là công nhân lao động nghỉ để đi bầu cử…

Một vấn đề được nhiều đoàn kiểm tra, giám sát đề cập và yêu cầu cấp ủy chính quyền địa phương phải lưu ý là tình trạng cán bộ ngại va chạm, né tránh công việc trước dịp bầu cử. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng đoàn kiểm tra số 7 của Thành ủy cảnh báo khi làm việc với huyện Chương Mỹ: "Vi phạm về đất đai, xây dựng có thể sẽ bùng lên; huyện phải có phương án. Không để cán bộ vì phiếu mà có tình trạng chùng lại, nặng hơn là làm ngơ, né việc, nặng hơn nữa là thỏa hiệp với người vi phạm". Đây cũng chỉ là một trong nhiều tình huống tổ chức, cá nhân có thể lợi dụng bầu cử để thủ lợi, làm trái các quy định pháp luật mà các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm. Trong hầu hết các cuộc kiểm tra, giám sát, trưởng các đoàn đều đã lưu ý về vấn đề này, đồng thời yêu cầu các cấp ủy, chính quyền không được lơ là, phải hết sức cảnh giác và bảo đảm nắm thế chủ động trong mọi tình huống. Đây là điều rất đáng quan tâm vì thực tế, thời gian qua, có những nơi khi gặp vấn đề khúc mắc tương tự thì lúng túng trong giải quyết, nhưng cũng không kịp thời báo cáo, tranh thủ sự hỗ trợ của thành phố...

Việt Tuấn - Võ Lâm