Bước đầu định hình những nét đẹp

Văn hóa - Ngày đăng : 06:17, 17/04/2016

(HNM) - Lễ hội xuân Bính Thân - 2016 đã qua thời kỳ cao điểm. Với sự vào cuộc đồng bộ, chỉ đạo quyết liệt của các ngành, địa phương theo tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TU ngày 12-1-2016 của Thành ủy Hà Nội, mùa lễ hội năm nay cơ bản khắc phục được những bất cập tồn tại nhiều năm, song một số lễ hội dân gian trên địa bàn vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.


Đã chuyển biến…

Một vài năm trước, những lễ hội lớn diễn ra trên địa bàn Thủ đô như: Chùa Hương (Mỹ Đức), Chùa Hà (Cầu Giấy), phủ Tây Hồ (Tây Hồ), Bia Bà (Hà Đông), Đền Và (Sơn Tây)… thường xuyên được "nêu tên" trên các phương tiện thông tin đại chúng bởi những hành vi phi văn hóa như cài tiền lẻ vào tay tượng, gốc cây, phiến đá, đặt tiền lễ không đúng nơi quy định. Rồi tình trạng hàng quán lấn chiếm không gian di tích, "chặt chém" du khách hành hương, nạn bói toán, xóc thẻ, đốt nhiều vàng mã. Chưa kể an ninh, an toàn có chỗ, có nơi chưa được bảo đảm... Chấn chỉnh việc tổ chức, quản lý nhằm phát huy những giá trị đích thực, ý nghĩa tốt đẹp của lễ hội là nhiệm vụ cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Lễ hội đình Lệ Mật, phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Lê Bích


Trước "mùa lễ hội" năm nay, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/TU về việc tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố. Điểm mới của Chỉ thị 03-CT/TU so với các văn bản trước đó là việc yêu cầu các sở, ngành chức năng cũng như chính quyền các địa phương, nhất là các địa phương có lễ hội lớn phải chủ động, tích cực tham gia vào khâu tổ chức, quản lý lễ hội, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng phát huy tối đa quyền chủ thể của mình; tập trung xây dựng nếp sống văn minh lễ hội… Thực hiện Chỉ thị, tất cả các địa phương trên địa bàn Hà Nội đã thành lập ban chỉ đạo, ban tổ chức lễ hội và tổ chức lễ hội theo nghi lễ truyền thống, có kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách hành hương… Đến thời điểm này, có thể khẳng định: Nhiều lễ hội trên địa bàn Hà Nội bước đầu định hình những nét đẹp văn hóa. Lễ hội Đền Sóc (Sóc Sơn) không còn tình trạng đánh nhau trong tục cướp lộc hoa tre, trầu cau. Các điểm thờ tự trong Khu di tích lịch sử Đền Sóc không còn bị "bủa vây" bởi hàng quán, dịch vụ, không có hiện tượng dâng cúng vàng mã, lễ chín trên các ban thờ... Thay vào đó là hình ảnh thanh niên tình nguyện, cán bộ địa phương nhiệt tình hướng dẫn khách hành hương thực hiện đúng các quy định của Ban tổ chức (BTC) lễ hội. Dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệnh; nạn ách tắc giao thông vốn nhức nhối trong lễ hội Chùa Hương đã được giải quyết. Phủ Tây Hồ không còn người ăn xin, không có người hành nghề mê tín dị đoan...

"Ban lễ hội Chùa Hương đã phối hợp với lực lượng chức năng thu giữ hơn 50 phương tiện giao thông của các đối tượng cố tình chèo kéo khách sử dụng các dịch vụ" - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu cho biết. Các lễ hội Chùa Thầy (Quốc Oai), chùa Tây Phương (Thạch Thất), đền Hát Môn (Phúc Thọ), đền Lạc Long Quân (Thanh Oai)…, điểm trông giữ xe được bố trí bên ngoài khu vực tổ chức nên tình trạng ách tắc cục bộ không còn xảy ra... Một số lễ hội mới xuất hiện, có yếu tố thương mại đã dừng tổ chức theo đúng tinh thần chỉ đạo của các cơ quan quản lý.

"Nhìn một cách tổng thể, các lễ hội đầu xuân trên địa bàn Hà Nội bước đầu có sự chuyển biến tích cực. Sự chuyển biến rõ nét, đáng ghi nhận nhất là thái độ ứng xử với di tích của người tham gia lễ hội" - Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Nguyễn Khắc Lợi khẳng định.

…nhưng chưa triệt để

Tuy nhiên, lễ hội đầu xuân trên địa bàn Hà Nội vẫn còn những chuyện chưa thể làm "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi". Những ngày đầu xuân, du khách đến Chùa Hương có thể an lòng thì cuối mùa lễ hội lại cảm thấy băn khoăn. Khu danh thắng "đẹp nhất trời Nam" thoáng đãng là thế, Suối Yến nên thơ là thế đã bị khuấy động bởi tiếng thuyền máy với tần suất khá dày. Hệ thống hàng quán quá nhiều dọc đường hành hương kèm theo tiếng loa đài công suất lớn mời chào, quảng cáo bán hàng ầm ĩ cũng gây không ít phiền toái cho du khách. Theo lý giải của BTC lễ hội Chùa Hương, những chiếc thuyền máy xuất hiện trên Suối Yến là do cuối mùa lễ hội, lượng khách không còn nhiều, một số hộ kinh doanh bắt đầu vận chuyển hàng hóa từ trong di tích ra ngoài. Còn dịch vụ hàng quán chưa tập trung là do Khu di tích và Thắng cảnh Hương Sơn chưa có quy hoạch tổng thể, nên huyện Mỹ Đức chưa thể quy hoạch khu dịch vụ phục vụ lễ hội. Tương tự, dịch vụ hàng quán tại phủ Tây Hồ chỉ "vào nền nếp" ở những thời điểm có đoàn kiểm tra. Tại đình, chùa Phúc Khánh (Đống Đa), dịch vụ hàng quán che kín lối đi, công khai bày bán các lá số tử vi. Mặc dù cơ quan chức năng đã nhắc nhở, xử phạt, song dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch trong và ngoài di tích Bia Bà (Hà Đông) vẫn hoạt động công khai. Cá biệt, lễ hội Chùa Trầm (Chương Mỹ) được BTC báo cáo với Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố là chuẩn bị rất chu đáo với quyết tâm xây dựng lễ hội văn minh, tiến bộ... Tại thời điểm kiểm tra, sự chuyển biến tích cực của lễ hội được ghi nhận, nhưng chỉ sau vài giờ đoàn kiểm tra liên ngành rời đi, không gian Chùa Trầm lại biến thành cái… chợ. Hàng ăn, hàng quần áo, rồi trò vui chơi có thưởng thực chất là cờ bạc núp bóng lễ hội xuất hiện la liệt từ sân chùa ra đến đường đi. Phía ngoài đền Đức Thánh Cả (Ứng Hòa) cũng như một cái chợ giữa khu dân cư bày bán đủ thứ tôm, cua, cá, ốc… tươi sống.

Thực tế trên cho thấy, sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác quản lý, tổ chức lễ hội chưa thường xuyên nhất là các lễ hội diễn ra dài ngày. Vẫn biết sự thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi và cách thức ứng xử không thể một sớm một chiều. Song giá như BTC lễ hội Chùa Hương chỉ cho phép bán hàng ở một số địa điểm nhất định; giá như kết thúc mùa lễ hội mới cho các hộ kinh doanh vận chuyển hàng hóa ra ngoài; giá như các cơ quan chức năng của huyện Chương Mỹ, của quận Đống Đa, Hà Đông… thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý các hành vi phi văn hóa, chắc chắn sự chuyển biến của lễ hội năm nay sẽ nhiều hơn những gì đã và đang thấy. Hy vọng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân, chắc chắn lễ hội những năm tiếp theo sẽ có nhiều gam màu tươi sáng hơn nữa.

Hà Hiền