Thiêng liêng nguồn cội

Văn hóa - Ngày đăng : 08:36, 16/04/2016

(HNM) - Đến dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, những người mang trong mình dòng máu Lạc Hồng đều một lòng hướng về đất Tổ.


Bởi thế mà tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được thể hiện sinh động, đa dạng thông qua các nghi lễ, hoạt động văn hóa, nghệ thuật dân gian trong Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hằng năm và trở thành mạch nguồn văn hóa, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, được thế giới biết đến và tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Xây dựng lễ hội kiểu mẫu

Kể từ khi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Ban tổ chức (BTC) Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hằng năm đặt ra mục tiêu xây dựng lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ) trở thành lễ hội kiểu mẫu. Trên tinh thần đó, các nghi lễ trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay được tỉnh Phú Thọ và cộng đồng bảo tồn nguyên vẹn.

Điều đáng mừng là trong hầu hết nghi lễ quan trọng, cơ quan quản lý nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng người dân thực hành nghi lễ sao cho phù hợp với truyền thống văn hóa, còn cộng đồng mới là chủ thể đích thực của lễ hội. Cộng đồng dân cư ở 12 huyện và TP Việt Trì nô nức chuẩn bị lễ vật dâng các Vua Hùng. Người dân xã Hy Cương, Chu Hóa, Hùng Lô, Kim Đức, phường Vân Phú (TP Việt Trì) và xã Tiên Kiên, thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao) háo hức tham gia lễ rước kiệu.

Hôm nay 16-4 (tức 10 tháng Ba âm lịch), chính hội Đền Hùng sẽ được bắt đầu bằng lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại sân khấu trung tâm lễ hội rồi lên dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Đền Thượng. Tiếp đó là các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trò chơi dân gian.


"Được tham gia đoàn rước kiệu là niềm tự hào của người dân xã Hy Cương. Năm nào cũng vậy, những người tham gia đoàn rước tập trung tại đình Cổ Tích từ đầu tháng Ba âm lịch làm lễ chay, lễ mặn xin Thành hoàng cho phép được rút kiệu, bát biểu, cờ, trống… mang ra bao sái (vệ sinh) trước khi rước về Đền Hùng", ông Hoàng Minh Đức (82 tuổi), Khu 3, xã Hy Cương cho hay.

Cùng với nghi lễ truyền thống, các hoạt động mới được đưa vào lễ hội năm nay như: Lễ hội dân gian đường phố Việt Trì; triển lãm ảnh tư liệu về nghi lễ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; trưng bày ảnh tư liệu và hiện vật đồng bào cả nước cung tiến Đền Hùng… cũng được đông đảo đồng bào, kiều bào nhiệt tình hưởng ứng. Hướng tới việc xây dựng lễ hội kiểu mẫu, công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho lễ hội được BTC đặc biệt quan tâm. Hệ thống bảng, biển tuyên truyền, hướng dẫn du khách giữ gìn vệ sinh, môi trường, thực hiện nếp sống văn minh lễ hội được treo ở nhiều nơi. Tình trạng ăn xin, chèo kéo khách mua hàng cơ bản đã được giải quyết.

Tôn vinh, quảng bá di sản

Đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng những ngày đầu tháng Ba âm lịch, du khách đều có thể nhận thấy văn hóa thời Hùng Vương và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được thể hiện sinh động thông qua nhiều hoạt động. Ngay cả trò chơi dân gian đánh trống đồng, đâm đuống tại các hội trại văn hóa cũng được các nhà nghiên cứu chứng minh là có từ thời Hùng Vương. Nói về loại hình di sản độc đáo này, ông Nguyễn Chí Bền (Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam) nhận định: Được hình thành trên cơ sở truyền thống yêu nước, đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã khơi dậy ý thức hướng về cội nguồn trong lòng mỗi người dân đất Việt. Bởi thế, các hoạt động mang đậm dấu ấn thờ Hùng Vương tại lễ hội Đền Hùng năm nay một lần nữa khẳng định hệ giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Trong khuôn khổ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay, tỉnh Phú Thọ còn tổ chức Liên hoan hát Xoan và dân ca Phú Thọ. Nhờ đó, du khách có cơ hội thưởng thức những làn điệu xoan cổ. "Đây là dịp để đánh giá kết quả quá trình sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng làn điệu Xoan tại các phường xoan; đồng thời đánh giá sức sống của hát xoan trong đời sống đương đại. Với sức lan tỏa mạnh mẽ, di sản hát Xoan Phú Thọ đã được các ngành chức năng lập hồ sơ đề nghị UNESCO đưa ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, xem xét công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại" - ông Hà Kế San cho biết.
Đồng hành cùng người dân đất Tổ trong quá trình khôi phục, bảo tồn di sản hát Xoan, bà Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam) cho rằng: Với số người thường xuyên thực hành di sản đông như hiện nay, hát Xoan có khả năng trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Và cách bảo tồn, tôn vinh hát Xoan thông qua lễ hội Đền Hùng là hướng đi đúng của tỉnh Phú Thọ. Bởi hát Xoan còn thì lễ hội mới phong phú, hấp dẫn, ngược lại lễ hội được tổ chức thường xuyên thì hát Xoan mới có môi trường thuận lợi để hồi sinh, phát triển.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng nói riêng, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nói chung đã được trao truyền qua các thế hệ. Tín ngưỡng ấy đã, đang và sẽ luôn sống trong lòng mỗi người dân đất Việt, vừa thiêng liêng, vừa cụ thể, trở thành điểm tựa tinh thần, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước.

Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng BTC Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng: Tỉnh đã lập 3 đội công tác liên ngành giúp BTC chỉ đạo, điều hành, quản lý các hoạt động lễ hội; kiểm tra, xử lý các trường hợp không chấp hành nội quy, quy chế tổ chức lễ hội. Trong những ngày lễ hội diễn ra, du khách phát hiện thấy khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vận tải, dịch vụ bán hàng, trông giữ xe… nào cố tình "chặt chém", du khách có thể phản ánh qua số điện thoại Đường dây nóng 0210.3860.026 hoặc 0210.6551.666 của BTC, các thành viên BTC sẽ có mặt kịp thời xem xét, xử lý.

Hà Hiền