Một liệu pháp được chỉ định điều trị cho nhiều loại khối u ung thư khác nhau
Sức khỏe - Ngày đăng : 08:23, 16/04/2016
Đó là thông tin vừa được BS. CK2. Hoàng Thị Mai Hiền – BV Ung Bướu TP.HCM chia sẻ bên lề buổi Hội thảo “Giá trị cốt lõi của liệu pháp kháng sinh mạch trong điều trị ung thư: Câu chuyện sống còn sau một thập niên”.
Hội thảo có sự tham gia của hơn 120 Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ trong lĩnh vực điều trị ung thư tại Việt Nam và Quốc tế để cùng nhau nhìn lại, chia sẻ và đánh giá vai trò của liệu pháp kháng sinh mạch nói chung và liệu pháp kháng sinh mạch Bevacizumab nói riêng trong điều trị nhiều loại khối u ung thư khác nhau sau hơn một thập niên kể từ khi liệu pháp kháng sinh mạch Bevacizumab được chấp thuận trong điều trị ung thư đại trực tràng di căn vào ngày 26/ 02/ 2004.
Theo đánh giá của BS. CK2. Hoàng Thị Mai Hiền tại hội thảo, ở các nước kém phát triển, bệnh tật chủ yếu là bệnh nhiễm trùng, bệnh kí sinh trùng nhiều hơn. Người dân sẽ tử vong vì những bệnh lý này cao hơn so với những nước đang phát triển. Cơ cấu bệnh tật của những nước đang phát triển lại là những bệnh không nhiễm trùng như: tim mạch, ung thư, cao huyết áp.
Và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Khi hoàn cảnh kinh tế ngày càng phát triển. Cơ cấu bệnh tật của Việt Nam cũng sẽ thay đổi chuyển sang những bệnh không nhiễm trùng như đái tháo đường, cao huyết áp, ung thư. Hơn nữa, Tuổi tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cũng đã tăng lên cao nên cơ cấu bệnh tật cũng sẽ khác.
Số liệu từ điều tra toàn quốc về gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam cho thấy 74,3% gánh nặng bệnh tật là do các bệnh không lây nhiễm, trong đó ung thư là 1 trong 10 nguyên nhân hàng đầu. Theo con số trên, mỗi ngày Việt Nam có 205 người chết vì ung thư.
Ước tính đến năm 2020, số ca mắc mới ung thư phổi cả hai giới là trên 34,000 ca, số ca mắc mới ung thư đại trực tràng là trên 24,000 ca. Tình trạng bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh vì đa số bệnh nhân đều được chẩn đoán ở giai đoạn muộn.
BS. CK2 Hoàng Thị Mai Hiền nhìn nhận: “Sự ra đời của liệu pháp kháng sinh mạch nằm trong liệu pháp nhắm trúng đích là một bước tiến lớn. Bước tiến này đã làm thay đổi cục diện của điều trị ung thư giai đoạn tiến xa, di căn. Cụ thể nhất là kéo dài được thời gian sống còn cho người bệnh. Khi chưa có liệu pháp kháng sinh mạch thì người ta thấy trung bình thời gian sống thêm của bệnh nhân ung thư đại trực tràng di căn chỉ khoảng 2-3 tháng. Nhưng khi có liệu pháp này thì có một số nghiên cứu cho thấy thời gian sống còn kéo dài đến 30-33 tháng”.
Nhận định của hai chuyên gia quốc tế tham dự hội thảo, GS. TS. BS. Cornelis Jan Alexander Punt, nguyên Chủ tịch Hiệp hội ung thư đại trực tràng Hà lan, đến từ Trung tâm ung thư AMC, Đại học Amsterdam, và Chủ tịch Hiệp hội ung thư nội khoa Châu âu (ESMO), GS. TS. BS. Rolf Arno Stahel, hiện đang công tác và giảng dạy tại Bệnh viện Đại học Zurich, Thụy sĩ cũng cho thấy: “Liệu pháp kháng sinh mạch Bevacizumab kết hợp hóa trị là liệu pháp điều trị tiêu chuẩn cho các bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ, không phải tế bào vảy, giai đoạn tiến xa và bệnh nhân ung thư đại trực tràng di căn mới được chẩn đoán. Trong tương lai, với sự phát triển của các liệu pháp điều trị nhắm trúng đích mới, liệu pháp kháng sinh mạch Bevacizumab vẫn tiếp tục đóng vai trò nền tảng quan trọng với các phác đồ điều trị phối hợp mới hơn, hiệu quả hơn”.
Hiện tại, có 6 loại khối u đang được khuyến cáo điều trị và hơn hàng triệu bệnh nhân toàn cầu đang hưởng lợi ích sống còn từ liệu pháp kháng sinh mạch Bevacizumab. Điều này đã chứng minh liệu pháp kháng sinh mạch Bevacizumab là một phát minh vượt trội, có tính cách mạng trong lĩnh vực điều trị ung thư, đã và đang tiếp tục mang nhiều lợi ích điều trị hơn nữa cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, “Tại Việt Nam, một trong những vấn đề mà người bệnh luôn trăn trở đó là vấn đề kinh tế. Chúng ta biết Bevacizumab là liệu pháp mang lại lợi ích sống còn nhưng không phải người bệnh nào cũng tiếp cận được. Họ không có khả năng chi trả mặc dù Bảo hiểm y tế (BHYT) có hổ trợ chi trả cho bệnh nhân một phần. Tôi mong rằng tất cả người bệnh của chúng ta sẽ sớm được tiếp cận với liệu pháp này”, BS. CK2. Hoàng Thị Mai Hiền trăn trở.