Ẩn số giá dầu

Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:38, 16/04/2016

(HNM) - Trong tuần, mặc dù giá dầu thế giới trong xu hướng

Tương lai giá dầu sẽ được quyết định sau ngày 17-4.


Trước thông tin về khả năng 2 nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới là Nga và Saudi Arabia đồng ý "đóng băng" sản lượng, giá dầu đã tăng lên mức cao nhất năm 2016. Trong phiên giao dịch 12-4, tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 5 tăng lên 42,17USD/thùng trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 6 tại London tăng lên 44,69 USD/thùng. Nhưng đây chỉ là thay đổi nhất thời khi ngay sau đó, trong hai phiên giao dịch ngày 13 và 14-4, giá dầu đã quay đầu. Ngày 13-4, trên thị trường New York, Mỹ, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5-2016 giảm 1% xuống 41,76 USD/thùng.

Còn tại thị trường London, Anh, giá dầu Brent cùng kỳ hạn giảm 1,1% xuống 44,18 USD/thùng. Còn giá dầu ngày 14-4, cũng đã giảm vào cuối phiên. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 5-2016, trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 26 cent, tương ứng 0,6%, xuống 41,50 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 6-2016 trên sàn ICE Futures Europe giảm 34 cent, tương đương 0,8%, xuống 43,84 USD/thùng. Giá dầu liên tục biến động từ ngày 13-4, khi số liệu cho thấy những nhận định trái chiều về dự trữ dầu của Mỹ tăng hơn 6 triệu thùng trong tuần qua, đẩy tổng dự trữ dầu của nền kinh tế số 1 thế giới lên 536 triệu thùng, mức kỷ lục mới.

Diễn biến của thị trường dầu trong tuần cho thấy tâm lý hoài nghi của giới đầu tư. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), thị trường dầu lửa sẽ "dịch chuyển gần tới trạng thái cân bằng" trong nửa sau của năm 2016 này, khi giá dầu thấp làm suy giảm mạnh sản lượng tại các quốc gia ngoài OPEC. IEA cho rằng lượng dầu dư thừa trên toàn cầu sẽ giảm còn 200.000 thùng/ngày trong 6 tháng cuối năm nay, từ mức thừa 1,5 triệu thùng/ngày trong 6 tháng đầu năm. Tình trạng dư thừa dầu của thế giới còn giảm bớt khi tốc độ tăng xuất khẩu dầu của Iran được nhìn nhận sẽ diễn ra khá chậm chạp do trở ngại về tài chính vẫn tồn tại dẫu Tehran đã được quốc tế nới lệnh trừng phạt. Không chỉ IEA, một số tổ chức cũng đưa ra nhận định rằng thị trường dầu sẽ tiến tới trạng thái cân bằng vào cuối năm nay. Theo Ngân hàng Credit Suisse, lượng dầu tồn kho toàn cầu sẽ giảm trong quý III. Còn theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), trong tuần trước, dầu thô của Mỹ đã lần đầu tiên trong 18 tháng giảm xuống dưới ngưỡng 9 triệu thùng/ngày...

Tâm lý lo lắng bao trùm thị trường dầu mỏ ngay trước thềm cuộc họp ngày 17-4. Theo OPEC, giá dầu tăng gần 30% trong tháng 3 là do tâm lý kỳ vọng về một lệnh "đóng băng" sản lượng dầu. OPEC cũng chỉ ra một số điểm đáng lo ngại như tình trạng cung vượt cầu vẫn tồn tại và lượng dầu tồn kho vẫn còn khá cao trên bình diện thế giới. Về lý thuyết, nếu ở cuộc gặp tại thủ đô Qatar trong 24 giờ tới, các nước đạt được thỏa thuận "đóng băng" sản lượng thì, tình trạng dư thừa dầu trên thị trường sẽ được cải thiện. Nếu vậy, những ngày tới sẽ hứa hẹn chuỗi giá dầu tăng, giúp cải thiện nguồn tài chính của các nước sản xuất dầu đang bị ảnh hưởng nặng nề do giá dầu giảm sâu.

Thế nhưng, chưa có gì bảo đảm 15 nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới - chiếm 75% sản lượng dầu trên toàn cầu - sẽ đồng lòng đóng băng sản lượng khai thác dầu mỏ. Theo Công ty Tài chính Morgan Stanley, ngay cả nếu đạt được một thỏa thuận thì giá dầu cũng sẽ tăng không quá cao so với mức hiện tại. Bộ trưởng Năng lượng Algeria, Khebri Salah ngày 14-4 cho biết, khó khăn nhất hiện nay là một số thành viên OPEC và ngoài OPEC từ chối cắt giảm sản lượng vì mục đích riêng. Nhất là khi Iran, một thành viên OPEC vẫn phản đối "đóng băng" sản lượng dầu do "khát" tiền khôi phục nền kinh tế sau cấm vận. Nếu không, giá dầu sẽ tiếp tục "chao đảo". Điều này thật không hề "dễ chịu" với nhiều quốc gia trên thế giới. Giá dầu giảm (tới gần 60%) từ giữa năm 2014 tới nay đã ảnh hưởng đáng kể tới nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nước xuất khẩu dầu lớn như Nga, Venezuela, Ecuador…

Câu hỏi "giá dầu sẽ như thế nào trong những ngày tới?" sẽ chỉ có thể giải đáp sau cuộc gặp giữa các "ông lớn dầu mỏ" ngày 17-4 tới. Đây sẽ là nhân tố quyết định lớn đến tốc độ hồi phục kinh tế toàn cầu vốn còn quá mong manh.

Quang Huy