Siết chặt quản lý điểm, cho điểm
Tuyển sinh - Ngày đăng : 07:11, 16/04/2016
Kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2015-2016. Ảnh: Nhật Nam |
Tại đây, Sở đã giải đáp nhiều băn khoăn, thắc mắc của các trường, đồng thời nhấn mạnh một số biện pháp siết chặt quản lý điểm, việc cho điểm cũng như để nâng cao chất lượng kỳ tuyển sinh Khảo sát ngữ văn, toán trước khi thi THPT Tại hội nghị, ông Phạm Khắc Lợi, Phó Trưởng phòng THPT, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết, học sinh THCS sẽ phải thực hiện đề kiểm tra khảo sát 2 môn ngữ văn và toán trước khi tham gia kỳ thi THPT. Theo ông Phạm Khắc Lợi, hiện các trường THCS đang có tình trạng nhiều em điểm thi cao nhưng vẫn bị hổng kiến thức cơ bản.
Điều này thể hiện rõ khi làm đề thi tuyển sinh vào lớp 10. Đề luôn có một câu rất dễ nhưng vẫn có hàng trăm học sinh không làm được. Đây là tình trạng đã diễn ra nhiều năm. Ngày 23-4, Sở GD-ĐT sẽ ra đề kiểm tra khảo sát 2 môn ngữ văn và toán trên toàn thành phố. Bài khảo sát này không quan trọng điểm cao hay điểm thấp mà nhằm mục đích phân loại được học sinh, xem các em có phải thuộc đối tượng kém hay không để "vực" lên. Sở GD-ĐT yêu cầu các trường phải thực hiện nghiêm túc, trung thực cuộc kiểm tra này.
Vấn đề quản lý điểm cũng được nêu ra tại hội nghị. Bà Đoàn Thị Kiều Oanh, Phó Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, các năm trước, một số phòng GD-ĐT, trường học vẫn để xảy ra tình trạng có sự không thống nhất giữa thông tin trong hồ sơ thí sinh, trong học bạ với điểm trong sổ gọi tên ghi điểm. Có môn thiếu đầu điểm, có môn thừa điểm, có hiện tượng xếp loại sai học lực, thậm chí có hiện tượng sửa điểm không đúng quy chế, khi chưa có xác nhận của Ban giám hiệu nhà trường. Có trường hợp học sinh thiếu điểm một môn nhưng vẫn được xét tốt nghiệp. Trong khi đó, việc kiểm tra chéo giữa các trường còn chung chung, chưa hiệu quả.
Ông Phạm Khắc Lợi cho rằng, việc thí sinh không làm được cả những bài rất dễ trong đề tuyển sinh vào lớp 10 cho thấy kết quả điểm THCS là chưa thực chất. Mặc dù Sở không nhận được đơn thư khiếu nại về vấn đề điểm THCS, việc quản lý cho điểm THCS vẫn cần làm tốt hơn và công bố công khai tới từng học sinh. Việc công bố điểm công khai được thực hiện ở các lớp tạo điều kiện để học sinh có thể giám sát lẫn nhau. Để việc quản lý điểm chặt chẽ, Sở cho biết sẽ tiến hành kiểm tra xác suất với từng phòng GD-ĐT, từng trường và học sinh. Các đoàn kiểm tra được tổ chức từ ngày 12 đến 15-5. Trong trường hợp phát hiện sai phạm trong chấm điểm và quản lý điểm THCS hay xét tốt nghiệp, Thanh tra sẽ kiên quyết xử lý theo quy định.
Cấm ép học sinh không thi lớp 10
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở GD-ĐT đã cảnh báo các trường tuyệt đối không ép buộc học sinh không dự thi lớp 10 THPT. Cảnh báo này bắt nguồn từ hiện tượng vận động những học sinh yếu kém không thi vào lớp 10, bởi các em có kết quả kém, bị điểm liệt sẽ gây ảnh hưởng tới uy tín của trường THCS. Các giáo viên cũng chịu sức ép khi được đánh giá dựa trên kết quả thi của học sinh trong lớp mình.
Để tránh hiện tượng này, ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết, năm nay, Sở yêu cầu tất cả các trường hợp học sinh không tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT đều phải có đơn tự nguyện của phụ huynh. Ông Chất cho biết, Sở đã từng nhận được khiếu nại của phụ huynh về việc nhà trường vận động, ép buộc học sinh không được dự thi vào lớp 10. Kết quả rà soát của Sở cho thấy chỉ có 2 quận, huyện có 100% học sinh thi vào lớp 10. Cá biệt, có địa phương có hơn 500 học sinh tốt nghiệp THCS nhưng không đăng ký thi vào lớp 10.
Năm nay, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các trường chuyên báo cáo Sở khi duyệt điểm chuẩn để Sở có cơ sở tính toán số lượng chỉ tiêu, tránh tuyển vượt quá chỉ tiêu quy định. Theo quy định của Sở, các trường THPT chuyên thuộc các trường đại học trên địa bàn đều thống nhất phải tổ chức thi trước ngày 7-6 để từ ngày 8-6 Sở tổ chức thi vào lớp 10 cho học sinh. Các trường chuyên cũng sẽ công bố điểm trúng tuyển cùng thời điểm với Sở GD-ĐT khi tuyển sinh xong đợt 1.
Hướng dẫn tuyển sinh của Sở GD-ĐT Hà Nội cũng lưu ý, những học sinh đoạt giải quốc gia và quốc tế, theo quy định của Bộ GD-ĐT, khi vào hệ chuyên, sẽ không được tuyển thẳng; không được hưởng quyền ưu tiên, cộng điểm và phải dự thi như thí sinh thông thường khác. Hệ chuyên chỉ xét tuyển thí sinh đủ điều kiện tham gia thi tuyển và đã thi đủ các bài thi theo quy định. Căn cứ điểm xét tuyển vào lớp chuyên, các trường sẽ xét từ cao xuống thấp để tuyển đủ chỉ tiêu được giao cho từng môn học. Khi xét đến 12 chỉ tiêu cuối cùng, nếu nhiều thí sinh có điểm xét tuyển bằng nhau thì tiếp tục chọn theo thứ tự ưu tiên sau: Có điểm thi môn chuyên đăng ký dự thi cao hơn; có điểm sơ tuyển cao hơn; có điểm trung bình môn chuyên đăng ký dự thi năm học lớp 9 cao hơn; có điểm trung bình các môn học cuối năm học lớp 9 cao hơn.