Tảo hôn: Gặp gỡ những cô dâu tuổi vị thành niên tại Trung Quốc

Xã hội - Ngày đăng : 14:20, 15/04/2016

(HNMO) - Nhiều thiếu niên sống tại một số vùng dân tộc thiểu số Trung Quốc đã tự nguyện kết hôn và có con từ rất sớm. Ngoài ảnh hưởng tư tưởng và văn hoá từ các thế hệ đi trước, đây còn là hệ quả của chính sách giáo dục nghèo nàn.

Chú rể 16 tuổi hạnh phúc bên cô dâu 13 tuổi mới cưới.


Jie, 13 tuổi, đã kết hôn với người chồng 16 tuổi chỉ sau ba ngày gặp gỡ trong dịp Tết Nguyên Đán năm 2014 và trót mang thai. Bên cạnh tấm ảnh cưới của cặp đôi là hình dán một nhân vật hoạt hình trong phim “Cars” của hãng Pixar. Tất cả những thứ ở cô bé mới chớm tuổi vị thành niên này đều toát lên một vẻ ngây thơ và non nớt.

Bên cạnh tấm ảnh cưới đơn sơ là hình dán của một nhân vật hoạt hình. Jie đã bỏ học ngay sau khi lấy chồng, cô cảm thất rất buồn chán khi phải ở nhà và đi làm đồng.


Câu chuyện của cô bé Jie khiến người ta liên tưởng đến một viễn cảnh từ thời phong kiến ở Trung Quốc khi việc kết hôn sớm trở thành một phong tục quan trọng, đặc biệt đối với những cô gái trẻ. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, người ta thường bắt gặp những cặp đôi cô dâu chú rể tuổi vị thành niên xuất thân từ gia đình nghèo khó ở những vùng thiểu số.

Lí do dẫn đến việc tảo hôn cũng rất phức tạp như áp lực về kinh tế, sự thay đổi quan điểm, thái độ xã hội và sự bùng nổ dân số.

Những hình ảnh được nhiếp ảnh gia Muyi Xiao ghi lại khi gặp gỡ vợ chồng Jie –Wen tại vùng tây nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc năm 2014.

Jie là cô dâu trẻ tuổi nhất trong số tất cả những cặp đôi tảo hôn tại Trung Quốc được ghi nhận và đã truyền cảm hứng để nhiếp ảnh gia 24 tuổi giành giải thưởng uy tín Magnum Foundation.

Xiao chia sẻ: “Mọi cô gái tôi thấy trong ngôi làng này đều kết hôn từ trước 18 tuổi, một số còn quá trẻ. Điều này được cho là bình thường khi mà trước đó, thầy cô giáo hay bố mẹ họ cũng tảo hôn”. Cô đã dành 18 ngày đi du lịch và tìm hiểu quanh khu vực và được biết tất cả các cuộc hôn nhân đều là tự nguyện, không hề có một chút áp lực nào từ phía gia đình. “Tôi không hề thấy bất cứ dấu hiện nào của hôn nhân ép buộc, bọn trẻ đều hạnh phúc và đến với nhau bằng tình yêu”.

Cai, 16 tuổi đang bế em bé 2 tháng tuổi trong lòng. Một năm trước sau khi cô lấy chồng, thì việc học tại trường cũng chấm dứt.


Quay lại câu chuyện của Jie, cô bé không hề muốn mang thai sớm nhưng lại không có một chút kiến thức gì về sinh sản.

Tảo hôn mà không nhận hình phạt?

Theo Giáo sư Jiang Quanbao từ trường đại học Jiaotong Tây An, tại Trung Quốc, độ tuổi kết hôn hợp pháp là 22 với nam giới và 20 với nữ giới nhưng không hề có hình phạt cụ thể nếu vi phạm pháp luật.

Ông cũng cho biết, tại các vùng nông thôn, hôn nhân của một cặp đôi được công nhận khi hai bên gia đình tổ chức lễ và tiệc cưới. Thủ tục đăng kí chính thức sẽ được hoàn thành khi cả hai đủ tuổi kết hôn theo luật pháp quy định.

Chồng của Cai cho biết anh nhớ cuộc sống độc thân, lúc còn có thể tự do vui chơi bạn bè. 


Theo số liệu thống kê, độ tuổi kết hôn trung bình của đất nước này đang tăng - với nam 26 tuổi và nữ 24 tuổi. Nhưng những câu chuyện về việc yêu sớm đang dấy lên một hồi chuông báo động.

Tháng hai vừa qua, những bức ảnh cưới của một cặp đôi 16 tuổi bị phát tán trên mạng xã hội và trở thành đề tài gây tranh cãi khi cư dân mạng cho rằng cặp đôi này chưa chắc đã lấy nhau vì tình yêu, hay họ lấy nhau vì bị ép buộc. Phía cô dâu chú rể thì một mực khẳng định đám cưới của họ hoàn toàn là tự nguyện. Họ được hai bên gia đình ủng hộ nhiệt tình và chi trả cho tiệc cưới.

Ở gia đình của Cai, bà ngoại ở nhà chăm cháu cho Cai và chồng đi làm.


Ở nhiều nơi, phụ huynh sốt ruột sợ con trai mình sẽ không tìm được vợ nên thường muốn con kết hôn sớm rồi mới đi làm ở nhà máy.

Chính sách một con và tư tưởng thích con trai nối dõi tông đường của người Trung Quốc đã dẫn đến hệ quả mất cân bằng giới tính nghiêm trọng. Theo số liệu mới nhất thì số lượng nam giới nhiều hơn nữ giới đến 33,6 triệu người. Điều này khiến cho đàn ông trở thành một “giống thừa” của xã hội.

Một cô gái khác, Mei,16, đang ngồi chơi cùng hai đứa con. Mei và chồng quen nhau từ thời tiểu học, cả hai cùng bỏ học sau khi kết hôn hai năm trước.


Một lý do khác dẫn đến tình trạng tảo hôn là chương trình giáo dục giới tính nghèo nàn và phần lớn trẻ em sinh ra và lớn lên tại các ngôi làng đều không được bố mẹ quan tâm chăm sóc sát sao bởi họ còn mải bươn chải kiếm tiền ở những khu công nghiệp và các thành phố lớn.

Giáo sư Jiang cho biết: “Bọn trẻ xem quá nhiều phim tình cảm nhưng lại không được học giáo dục giới tính một cách đầy đủ. Không ai dạy bảo chúng rằng ở tuổi của chúng việc quan hệ tình dục là điều không nên”.

Dù luật pháp có ngăn cấm và quan điểm xã hội hiện đại khó chấp nhận việc tảo hôn thì qua những khoảnh khắc đẹp mà nhiếp ảnh gia Muyi Xiao ghi lại, các cặp cô dâu chú rể tuổi teen trông vẫn rất hạnh phúc bên nhau.  

Diệu Linh