Lời giải mới cho "bài toán" cũ
Giao thông - Ngày đăng : 07:54, 15/04/2016
Dự án này sau khi hoàn tất cùng với các giàn thép đỗ xe cao tầng đã được đưa vào khai thác trước đó sẽ góp phần giải quyết một phần nhu cầu đỗ xe của người dân, đồng thời khai thác hiệu quả quỹ đất. Giao thông tĩnh của Thủ đô luôn là "bài toán" khó, song những mô hình trông giữ phương tiện mới này sẽ là lời giải bước đầu.
Khu vực số 295 đường Lê Duẩn (quận Hai Bà Trưng) là nơi sẽ được xây dựng bãi đỗ xe ngầm và trung tâm thương mại.Ảnh: Anh Tuấn |
Tránh lãng phí
Chủ trương xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp với TTTM bằng cách tận dụng 3 tầng hầm của dự án khách sạn SAS đã bị TP Hà Nội thu hồi trước đây, tại số 295 đường Lê Duẩn, quận Hai Bà Trưng (Công viên Thống Nhất) tuy không phải là dự án lớn, nhưng đã được TP Hà Nội bàn bạc khá kỹ với nhiều cuộc họp ở các cấp. Vì thế Thường trực Thành ủy đã thống nhất đồng ý chủ trương xây dựng bãi đỗ xe kết hợp TTTM ở phần không gian ngầm trong Công viên Thống Nhất tại vị trí nói trên, theo hình thức xã hội hóa và lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm để giao nghiên cứu dự án. Với diện tích xây dựng hơn 10.000m2, bãi đỗ xe dự kiến xây dựng trong Công viên Thống Nhất sẽ có 3 tầng đỗ xe ngầm, mỗi tầng hơn 5.600m2 (sức chứa khoảng 390 chỗ cho ô tô). Tầng mặt đất có sân đường giao thông, cây xanh, nhà điều hành, các công trình phụ trợ khác với tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng.
Đề cập tới dự án này, ông Lưu Quang Huy, Phó Chánh văn phòng UBND thành phố nêu rõ, dự án xây dựng khách sạn SAS trong Công viên Thống Nhất đã bị dừng năm 2013. Khi đó, dự án đã xây dựng xong 3 tầng hầm. Hiện, 3 tầng hầm vẫn để không, gây lãng phí và bức xúc. Trong khi đó, Hà Nội luôn có nhu cầu cao về bãi đỗ xe, vì vậy thành phố chủ trương tận dụng để làm bãi đỗ xe và TTTM. Dù thực hiện theo phương án xã hội hóa, song chủ đầu tư phải thực hiện theo quy hoạch chi tiết do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội thiết kế.
Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội, hiện nay thành phố mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu bãi đỗ xe. Vì vậy, việc đưa vào sử dụng các tầng hầm này làm bãi đỗ xe sẽ giải quyết bài toán tránh lãng phí và giảm bớt áp lực về hạ tầng giao thông tĩnh. Tuy nhiên, cần cân nhắc xây dựng bãi đỗ xe kết hợp với dịch vụ thương mại nhỏ, phù hợp với nhu cầu của người ra vào công viên.
Hiệu quả đã rõ
Giải quyết việc thiếu chỗ đỗ xe nhiều năm qua đã luôn là "bài toán" khó. "Bài toán" này càng khó hơn khi tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân thời gian gần đây luôn ở mức cao. Từ đầu năm 2015 đến nay, Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội (thuộc Tổng công ty Vận tải Hà Nội) đã lần lượt đưa 2 dự án thí điểm giàn thép đỗ xe cao tầng trên phố Trần Nhật Duật và Nguyễn Công Hoan vào khai thác, phục vụ nhu cầu đỗ xe của nhân dân.
Ông Phạm Văn Đức, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho biết, qua thực tế triển khai, theo đánh giá của các cơ quan chức năng và người dân, hiệu quả của mô hình trông giữ xe này rất cao, bởi với cùng một diện tích đất nhưng lại tăng số chỗ đỗ gấp 4 lần, thực sự là lời giải phù hợp cho "bài toán" đỗ xe ở các đô thị lớn. Công nghệ của Hàn Quốc và Nhật Bản cho phép các thao tác điều khiển nâng hạ xe an toàn, nhanh chóng, tiện lợi. Hơn thế, công trình còn là một điểm nhấn về giao thông đô thị của Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại. Đến nay, tỷ lệ lấp đầy của các giàn thép này đã ở mức hơn 90%. Trong năm qua đã có một số cơ quan, doanh nghiệp từ TP Hồ Chí Minh đến tham quan, học hỏi mô hình giàn thép đỗ xe cao tầng của Hà Nội. Vừa qua, công ty đã đề xuất với UBND thành phố và các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu triển khai mô hình này tại khu đất do công ty quản lý trên đường Đào Duy Anh (gần hầm chui Kim Liên).
Hà Nội đang khẩn trương nghiên cứu, phấn đấu hoàn chỉnh quy hoạch không gian ngầm trong đô thị ngay trong năm 2016. Chủ trương chung là việc quy hoạch các điểm đỗ xe sẽ gắn liền với nhu cầu thực tế, kết hợp hài hòa các mô hình đỗ xe trên cao và bãi đỗ xe ngầm. Trong đó với các phố khu trung tâm, các trung tâm thương mại lớn… khuyến khích xây dựng các bãi đỗ xe ngầm. Mô hình bãi đỗ xe ngầm kết hợp TTTM ở Công viên Thống Nhất ngoài việc tận dụng 3 tầng hầm mà dự án khách sạn nhằm tránh lãng phí còn là một "gợi ý" cho các nhà đầu tư khi thành phố "gọi" xã hội hóa đầu tư các dự án đỗ xe ngầm khác sau này.
Thời gian qua đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu…) đến nghiên cứu thị trường, tìm hiểu cơ hội đầu tư bãi đỗ xe tại Hà Nội. Tất cả đều đánh giá thị trường rất tiềm năng, nhưng chưa thể triển khai ngay, bởi dù là bãi đỗ trên cao hay ngầm đều còn vướng về mặt bằng, cơ chế khuyến khích đầu tư… Công nghệ và nguồn vốn đầu tư có thể giải quyết được, nhưng cơ chế chính sách hiện hành chưa tạo "cú hích" cho nhà đầu tư tham gia. Để khuyến khích nhà đầu tư, quan trọng nhất là cần nghiên cứu xây dựng, ban hành giá trông giữ xe thay cho mức phí hiện hành nhằm bảo đảm cho nhà đầu tư chủ quản thu hồi vốn theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, giá vé cần có sự quản lý của Bộ Tài chính nhằm khống chế giá trần, giá khung, bảo đảm hài hòa với thu nhập của người dân.