Hướng lựa chọn tất yếu
Xã hội - Ngày đăng : 07:30, 15/04/2016
Vùng sản xuất rau an toàn là mô hình đang được nhân rộng. Ảnh: Thái Hiền |
Đam mê nông nghiệp từ nhỏ, với khát khao làm giàu trên mảnh đất quê hương, vợ chồng chị Bùi Thị Thanh Hà, thôn Bằng Sở, xã Ninh Sở (huyện Thường Tín) đã dám từ bỏ công việc để bắt tay vào xây dựng một trại rau sạch tại địa phương. Khởi nghiệp từ năm 2013 với những giá rau mầm, giờ đây anh chị đã sở hữu một khu sản xuất rau sạch ứng dụng công nghệ cao đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là mô hình điểm trên địa bàn TP Hà Nội. Với diện tích canh tác 1ha, diện tích cho thu hoạch sản phẩm 7.000m2, trong đó khu nhà lưới rộng 1.000m2 để ươm giống, trại sản xuất rau của gia đình chị Hà sản xuất khá bài bản theo quy trình khép kín. "Cơ sở hiện nay đang chuyên canh trồng xà lách các loại như: Icebert, Lollo tím, Lollo xanh, Romanie,... Tất cả các giống rau đều được nhập khẩu từ Hà Lan, chất lượng tốt và cho năng suất cao. Hệ thống tưới tiêu tự động với các vòi phun nước được đặt cố định; hệ thống cảm biến mưa giúp điều chỉnh lượng nước cần thiết cho rau. Điều này giúp hạn chế tối đa sức lao động, nhân công, tăng hiệu quả sản xuất. Ước tính, thu hoạch rau mỗi năm của cơ sở đạt 55 tấn, sản lượng cung cấp ra thị trường là 150kg rau/ngày. Rau được thu hoạch sẽ vận chuyển đến một công ty chuyên sơ chế, đóng gói bảo quản trong điều kiện tối ưu trước khi bán ra thị trường cung cấp cho người tiêu dùng. Hiện nay sản phẩm rau của cơ sở sản xuất rau củ quả Thanh Hà đã có mặt tại các siêu thị và cửa hàng rau sạch trong TP Hà Nội như BigC, Vinmart... với giá bán từ 15.000-30.000 đồng/kg tùy từng chủng loại. Như vậy, chỉ với 1ha rau xà lách, cơ sở của chị sẽ thu về khoảng trên 1 tỷ đồng mỗi năm.
Tương tự, tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh nơi đi đầu trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân cũng năng động trồng rau an toàn đem lại thu nhập cao. Anh Nguyễn Huy Đoàn, nông dân thôn Đông Cao vui vẻ cho biết: "Với 8 sào RAT, năm ngoái gia đình tôi thu về 350 triệu đồng. Vụ vừa qua tôi thu gần 3 tấn củ cải, bán tại ruộng với giá 8.000 đồng/kg. Năm sau tôi sẽ tăng thêm diện tích, bởi đất ở đây rất hợp với củ cải, nhanh lớn và ăn rất ngon, được giá" - anh Đoàn chia sẻ. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn thì để kéo người nông dân vào cuộc, việc đầu tiên là phải tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện sản xuất an toàn, khi bản thân nông dân, cán bộ HTX và chính quyền địa phương "thấm" được vấn đề mới có hành động cụ thể. Bởi sản xuất an toàn là con đường duy nhất để vùng rau Mê Linh phát triển bền vững, nông dân làm giàu được từ nghề.
Ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi cục phó Chi cục BVTV Hà Nội cho hay: Vấn đề sản xuất tiêu thụ RAT, rau hữu cơ trên địa bàn thành phố hiện vẫn còn gặp muôn vàn khó khăn do đầu ra sản phẩm chưa được như mong muốn, nông hộ sản xuất nhỏ lẻ… Tuy nhiên để nghề trồng rau phát triển, bà con có thể sống khỏe với nghề, không còn cách nào khác là phải đầu tư sản xuất sạch, đặc biệt là khi nước ta gia nhập TPP thì vấn đề năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm sẽ càng quan trọng. Do vậy ngành nông nghiệp Hà Nội cần tích cực hỗ trợ nông dân về hạ tầng, kỹ thuật, quảng bá, xây dựng thành công thương hiệu RAT Hà Nội. Coi việc giữ gìn, phát huy thương hiệu này là nền tảng để nông dân thay đổi cách làm ăn.
Thực tế, năm qua, đã có những chuyển biến trong nhận thức của người trồng rau. Theo ông Nguyễn Mạnh Phương, trước đây, nếu đi trên các cánh đồng rau, đâu đâu cũng nhìn thấy vỏ chai, bao bì thuốc BVTV thì nay, trên các vùng rau trọng điểm, bà con đã có ý thức thu gom vỏ bao vào thùng rác rồi đốt tiêu hủy theo đúng hướng dẫn của ngành Nông nghiệp. Nông dân cũng đã tích cực tìm tòi, học hỏi những tiến bộ kỹ thuật mới đưa vào sản xuất nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu vào phòng và chữa bệnh cho rau màu, mà thay vào đó là áp dụng biện pháp che phủ ni lông, dùng thiên địch, bẫy bả sinh học để hạn chế sâu bệnh. Vì vậy, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới rau hữu cơ, RAT trên cơ sở liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, doanh nghiệp với doanh nghiệp, với mục tiêu đến năm 2020, diện tích canh tác RAT là 16.277ha, trong đó vùng sản xuất tập trung với diện tích là 6.645ha gồm 151 vùng.