Chống thực phẩm bẩn: Cần sự vào cuộc đồng bộ

Đời sống - Ngày đăng : 21:01, 14/04/2016

(HNMO) - Trang Chống thực phẩm bẩn vừa tổng hợp 31 đơn vị, tổ chức kinh doanh có dấu hiệu vi phạm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc trên cả nước, nhằm cảnh báo người tiêu dùng về tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm.


Trong đó, TP HCM và Hà Nội có nhiều cơ sở buôn bán thực phẩm bẩn nhất, lần lượt là 14 cơ sở và 6 cơ sở. Ngoài ra, danh sách còn có tên các tỉnh, thành phố: Hải Dương, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc.

Các mặt hàng thực phẩm bẩn rất phong phú như thịt gà tẩm chất vàng ô, thịt lợn có chất tạo nạc, miến bẩn, bánh kẹo không rõ nguồn gốc…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Huy Đăng-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội thừa nhận, thời gian vừa qua, tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn trên địa bàn là khá phổ biến. Theo ông, nguyên nhân là bởi mặt hàng bẩn được các đối tượng kinh doanh “luồn lách” nên có lợi nhuận cao, trong khi nhu cầu về thực phẩm trên địa bàn rất lớn. Đặc biệt, chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm thấp nên chưa đủ tính răn đe.

Thực phẩm bẩn đang đầu độc người Việt (ảnh minh họa, nguồn: Internet)


Tuy nhiên, đáng mừng là, Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định rất rõ, chỉ cần phát hiện có dấu hiệu buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là có thể xử lý hình sự và sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí phạt tù tới 20 năm; các tổ chức, cá nhân vi phạm ngoài bị xử phạt hành chính còn có thể bị cấm kinh doanh mặt hàng vi phạm trong một thời gian. Từ ngày 1/7 tới Bộ luật Hình sự này sẽ chính thức có hiệu lực, vì thế Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho rằng, tình hình về an toàn thực phẩm sẽ có nhiều chuyển biến.

Ông Phan Huy Đăng cho biết thêm, với những điểm kinh doanh đã bị liệt vào danh sách “đen” vì có dấu hiệu vi phạm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, Sở chỉ đạo Chi Cục thú y giao từng Trạm Thú ý giám sát, kiểm tra, đôn đốc, và thường xuyên nhắc nhở chứ không để xảy ra tình trạng phát hiện, xử phạt rồi lại để đấy.

Hiện đang bước vào “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016", Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các ngành liên quan đang tập trung đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra đột xuất, tập trung vào các lò mổ gia súc, việc kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, kháng sinh trong chăn nuôi như chất vàng ô, Salbutamol và các điểm sản xuất rau xanh…

Liên quan đến vi phạm an toàn thực phẩm với thực phẩm đã chế biến, theo ông Hoàng Đức Hạnh-Phó Giám đốc Sở Y tế, sau khi các điểm kinh doanh hàng ăn uống bị phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm, các cơ sở này sẽ bị theo dõi và kiểm tra lại, nếu đơn vị đó tiếp tục vi phạm, chế tài xử lý sẽ khác.

Trước băn khoăn về việc hiện có tình trạng cơ quan chức năng nói sẽ quyết liệt trong xử lý vi phạm an toàn thực phẩm nhưng vẫn còn nhiều vụ thực phẩm bẩn, nhiều cửa hàng bán hàng ăn bẩn bị phanh phui và người tiêu dùng phải “chịu trận”, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, vấn đề này cần được thực hiện đồng bộ, có sự vào cuộc của cả xã hội, cả cộng đồng. Người quản lý lý phải thực hiện đúng chức trách của mình, người kinh doanh phải thực hiện đúng quy định bởi kinh doanh mặt hàng này cần có điều kiện, còn người tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm với chính bản thân mình bằng cách không ăn ở những cửa hàng mất vệ sinh, không bảo đảm an toàn.

Ông cũng tin tưởng, với sự vào cuộc của cộng đồng, xã hội, đặc biệt là Bộ luật Hình sự năm 2015 chính thức có hiệu lực thi hành, các vụ vi phạm về an toàn thực phẩm bị xử lý “mạnh tay”, tình hình an toàn thực phẩm sẽ được cải thiện.

Còn theo ông Nguyễn Đắc Lộc-Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, trong bối cảnh các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm vẫn tồn tại, người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách chỉ mua hàng hóa đã được kiểm duyệt về chất lượng, có thương hiệu, xuất xứ rõ ràng, mua ở cửa hàng uy tín, có hóa đơn để tiện sau này nếu có khiếu kiện.

Hương Thủy