Quản lý trò chơi điện tử: “Chặt” với doanh nghiệp nội, “hở” với game lậu?

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 08:16, 14/04/2016

(HNM) - Nghị định 72 của Chính phủ và Thông tư 24 của Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) là cơ sở pháp lý để quản lý hoạt động với ngành game, thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ từ quan điểm

Quản lý thị trường game, là khuyến khích doanh nghiệp trong nước phát triển, tránh thất thu thuế là yêu cầu lớn nhất hiện nay.


Tuy nhiên lại có thực tế, cơ quan quản lý nhà nước cho rằng vẫn còn tình trạng DN chưa tuân thủ quy định của pháp luật, trong khi thì DN than chính sách chặt chẽ với DN trong nước nhưng lại buông lỏng với game lậu…

Game "lậu" bị bỏ lọt

Chơi game là nhu cầu giải trí có thật, thêm nữa được cung cấp trên môi trường mạng nên việc chơi khá dễ dàng, đồng nghĩa với việc quản lý không đơn giản. Thực tế, việc cơ quan quản lý ngừng cấp phép từ năm 2010 đến năm 2013, vô hình trung đẩy DN trong nước phải phát hành game "chui" bằng cách chuyển máy chủ ra nước ngoài rồi cung cấp dịch vụ trở lại thị trường trong nước… Cùng với đó, game "lậu" có xuất xứ từ Trung Quốc tràn vào, tung hoành trên môi trường mạng. Ước tính việc kinh doanh game "lậu" chiếm đến 30% doanh thu từ thị trường (năm 2015 doanh thu ngành game là khoảng 6.000 tỷ đồng), dẫn tới nhà nước thất thu số tiền khá lớn.

Trưởng phòng Thông tin điện tử (Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử) Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết, thời gian qua, các DN phát hành game để xảy ra không ít sai phạm. Phổ biến nhất là phát hành trò chơi không có giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 (trò chơi có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau thông qua máy chủ của DN) và gần 100% DN phát hành trò chơi G1 khi chưa có quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản…


Đại diện Tập đoàn VNG, ông Bùi Minh Phương cho biết, DN game nước ngoài có thể phát hành xuyên biên giới nên không cần thông qua DN trong nước xin phép. Họ thường mượn người Việt Nam hoặc đơn vị nhỏ, ít bị chú ý, để phát hành "chui". Doanh thu, lợi nhuận lại cao vì không phải đóng thuế hay chịu sự quản lý khắt khe nào. "30% doanh thu toàn thị trường game là còn ít.

Khảo sát riêng của VNG, doanh thu của game phát hành "lậu", không phép trên máy tính chiếm 45% và trên thiết bị di động chiếm 40% doanh thu toàn thị trường" - ông Phương nói. Theo ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp, DN cung cấp game "chui" lớn hơn con số 50 DN kinh doanh game trong nước rất nhiều, nhất là game do công ty nước ngoài phát hành xuyên biên giới rất khó quản lý, ngăn chặn vì mang tên miền nước ngoài.

Thống kê của Thanh tra Bộ TT-TT, trong các năm 2013, 2014, 2015 cơ quan công an đã khởi tố, bắt giữ một số cá nhân là lãnh đạo các công ty kinh doanh game trái phép. Điển hình là vụ Công ty Sgame (Hà Nội) thu lợi trái phép hơn 400 tỷ đồng; vụ một cá nhân ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng) kinh doanh game trái phép thu lợi gần 500 triệu đồng...

Cách nào ngăn game "lậu"?

Việc các quy định quản lý chỉ điều chỉnh với các DN game trong nước, còn việc phát hành game "lậu", game "chui" trên mạng thì không thể kiểm soát đã khiến nhiều DN bức xúc. Nếu không kiểm soát game "chui", game "lậu" sẽ tạo ra sân chơi thiếu lành mạnh, không chỉ tổn hại cho DN chân chính, có đóng góp thuế cho nhà nước, mà còn ảnh hưởng đến môi trường xã hội.

Theo Tổng Giám đốc VCCorp Nguyễn Thế Tân, với game được cung cấp qua công ty nước ngoài, như Facebook, Appstore của Apple, hay Google, cơ quan quản lý có thể gửi yêu cầu các công ty này tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Còn với DN game nước ngoài núp bóng DN, cá nhân trong nước để kinh doanh, nên áp dụng biện pháp quản lý thông qua công cụ quản lý tài chính… Cũng theo ông Tân, cơ quan quản lý hãy phân loại các DN trong nước lành mạnh, có tài chính công khai, hoạt động nghiêm túc để ưu tiên. Từ các DN tử tế này, sẽ cộng hưởng tài lực, nhân lực, công cụ kỹ thuật để giúp cơ quan quản lý chỉ ra DN không lành mạnh, đưa ra giải pháp kỹ thuật, xử lý các trường hợp sai phạm.

Đại diện các DN cũng kiến nghị cần rút ngắn quy trình cấp phép cho dịch vụ game trong nước. Bởi một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm là do tiến trình cấp phép theo quy định là 30 ngày nhưng thực tế phải mất 3-4 tháng, thậm chí lâu hơn. Trong khi, "vòng đời" của game, đặc biệt là game trên di động chỉ trong vòng 3-4 tháng; đến lúc được cấp phép, DN sẽ bị mất đi cơ hội kinh doanh.

Được biết, Thanh tra Bộ TT-TT cũng đề xuất, sửa đổi Nghị định 72 và Thông tư 24 về quản lý game online theo hướng quy định cụ thể hơn với từng loại game. Mặt khác, văn bản pháp luật nên đơn giản hóa và cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh khâu hậu kiểm. Theo Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử Hoàng Vĩnh Bảo, cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, Cục đề nghị DN trong nước phối hợp với cơ quan nhà nước, cung cấp thông tin game "lậu", game "chui", để cơ quan quản lý xử lý kịp thời.

Việt Nga