Thừa lúng túng, thiếu cương quyết

Đời sống - Ngày đăng : 07:10, 14/04/2016

(HNM) - Chiều 13-4, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Y tế để báo cáo kết quả thực hiện Quyết định 38/2015/QĐ-TTg ngày 9-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm hoạt động thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tại 5 quận, 10 phường, xã, thị trấn thuộc TP Hà Nội.

Việc quản lý thực phẩm tại các chợ dân sinh còn nhiều mối lo. Ảnh: Khánh Huy


Sau gần 4 tháng triển khai thí điểm cho thấy, số cơ sở bị phát hiện sai phạm không ít nhưng việc xử lý vẫn bộc lộ nhiều lúng túng, thiếu cương quyết.

Không dám xử phạt vì lo vướng… luật

Từ đầu năm 2016, Hà Nội triển khai thực hiện thí điểm hoạt động thanh tra chuyên ngành ATTP 5 quận, 10 phường, xã, thị trấn. Đề cập đến quá trình triển khai thực hiện trong gần 4 tháng qua, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho rằng, do đây là lần đầu tiên triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại tuyến quận, huyện, xã, phường nên việc thực hiện còn gặp không ít khó khăn.

Do cán bộ, công chức tại tuyến xã, phường, thị trấn phải kiêm nhiệm nhiều công việc cùng lúc nên không tập trung cao độ trong công tác thanh tra; việc tổ chức các cuộc thanh tra chuyên ngành ATTP khó triển khai thường xuyên vì quy trình của cuộc thanh tra đòi hỏi chặt chẽ, cần nhiều thời gian hơn; số cơ sở được thanh tra chưa nhiều. Số lượng cán bộ, công chức ở tuyến xã có chứng chỉ lấy mẫu ATTP cũng ít. Mặt khác, số điểm sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm lại chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, tồn tại ở cả chợ tạm, chợ cóc… gây khó khăn cho việc thanh tra và xử lý vi phạm hành chính. Tâm lý "họ hàng, làng xóm" cũng là nguyên nhân làm hạn chế kết quả xử lý vi phạm hành chính.

"Thanh tra chuyên ngành ATTP cấp cơ sở chỉ làm được việc kiểm tra hồ sơ pháp lý, điều kiện vệ sinh cơ sở, quy trình chế biến bảo đảm một chiều..., chứ không thể biết được thịt có dư lượng chất cấm, rau có chất bảo quản…", ông Hoàng Đức Hạnh nói.

Báo cáo kết quả thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 5 quận, 10 phường, xã, thị trấn trên địa bàn Hà Nội, từ tháng 1-2016 đến ngày 11-4-2016 cho thấy tổng số cơ sở được thanh kiểm tra là 774 cơ sở, phát hiện 249 cơ sở vi phạm (chiếm khoảng 30%), phạt tiền 88 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 240 triệu đồng, đóng cửa 2 cơ sở; nhắc nhở, phạt cảnh cáo 159 cơ sở.



Trước khi Hà Nội triển khai thực hiện Quyết định 38, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã yêu cầu, tuy chỉ thí điểm trong thời gian ngắn (một năm) nhưng việc thực hiện phải nghiêm túc và bảo đảm tối thiểu một tuần, lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP phải đi kiểm tra 3 lần. Đối với chủ tịch UBND 10 xã, phường, thị trấn thí điểm thực hiện, mỗi tuần phải bảo đảm một lần đi kiểm tra trực tiếp. Thế nhưng, trên thực tế, hầu hết các đơn vị đều cho rằng, do lực lượng thanh tra mỏng lại kiêm nhiều việc nên rất khó thực thi.

Bà Hà Thị Lê Nhung, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cũng thừa nhận, một phường có 7 cán bộ thanh tra ATTP nhưng phải kiêm nhiệm nhiều việc nên hiệu quả thanh tra chưa cao. "Người làm công tác thanh tra nếu không nắm chắc luật rất dễ bị kiện. Đặc biệt, trên địa bàn Đống Đa có nhiều điểm sản xuất, kinh doanh thực phẩm nằm sâu trong ngõ, tổ dân phố, không có địa điểm cố định mà lực lượng thanh tra còn mỏng nên việc phát hiện, điều tra, rà soát và tổ chức thanh tra xử lý các cơ sở vi phạm rất khó", bà Nhung lo ngại.

Chung quan điểm trên, đại diện phường Mỹ Đình 2 cho biết, thanh tra ATTP của phường cũng không thể bảo đảm đi kiểm tra 3 lần/tuần. Dù biết rõ tại các chợ trên địa bàn nhiều người dân bán rau không nguồn gốc, bán gà không qua kiểm dịch nhưng chưa biết phải xử lý thế nào... Còn tại phường Trung Liệt, kể từ ngày triển khai thí điểm đã thanh tra được 12 cơ sở thì cả 12 cơ sở đều có vi phạm về ATTP nhưng chỉ có một nơi vi phạm bị xử lý với số tiền phạt là 2 triệu đồng, các điểm còn lại chủ yếu là nhắc nhở.

Ông Nguyễn Cảnh Quang, Phó Chủ tịch UBND phường Láng Hạ cho rằng, việc xử phạt vi phạm ATTP rất khó thực hiện. Bởi, thẩm quyền của Chủ tịch UBND phường chỉ được xử phạt từ 5 triệu đồng trở xuống. Trong quá trình kiểm tra, khi cơ sở sai phạm 2-3 hành vi với tổng khung phạt từ 7 triệu đồng trở lên, chính quyền địa phương không biết xử lý thế nào. Khi tiến hành thanh tra theo kế hoạch, có trường hợp dù đã thông báo với nơi được kiểm tra trước 5 ngày vẫn không thể thực hiện vì chủ cơ sở đóng cửa với lý do bị ốm phải nằm viện…

Giám sát an toàn thực phẩm như mô hình 141

Ngay trước buổi làm việc với UBND thành phố, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã giám sát công tác thanh tra của đội ngũ thanh tra chuyên ngành ATTP quận Đống Đa và phường Trung Liệt.

Ông Đặng Văn Chính, Chánh Thanh tra Bộ Y tế đánh giá, qua gần 4 tháng thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 5 quận và 10 phường, xã, thị trấn thuộc TP Hà Nội đã phát hiện khoảng 30% cơ sở "có vấn đề". Điều đó cho thấy vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng trong công tác bảo đảm ATTP. Tuy nhiên, để hoạt động này mang lại hiệu quả thiết thực rất cần phải xây dựng quy trình thanh tra riêng cho thanh tra chuyên ngành ATTP cơ sở, tạo sự thống nhất trên toàn quốc.

Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Trưởng đoàn kiểm tra cho rằng, Hà Nội đã làm tốt, nghiêm túc nhưng chưa giải quyết được những "điểm nóng" về mất ATTP. Đơn cử như vụ việc bán tim, nội tạng lợn đông lạnh không nguồn gốc vừa bị phát hiện ở chợ Phùng Khoang; không chợ nào thực hiện quy định không giết gia súc, gia cầm trong chợ. Chính quyền địa phương dù biết rõ nhưng vẫn để hiện trạng trên tồn tại. Do đó, thời gian tới Hà Nội cần tích cực, tập trung giải quyết những "điểm nóng" là các chợ đầu mối Long Biên, Ngã Tư Sở, Phùng Khoang, chợ bán lẻ trong nội thành... Đặc biệt, phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu, đó là chủ tịch và phó chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn với thực thi nhiệm vụ thanh tra ATTP.

"Chúng ta tổ chức thanh tra nhưng vẫn nặng về thủ tục hành chính, chủ yếu thanh tra trên giấy tờ, khi phát hiện sai phạm còn ngại, không dám phạt. Do vậy, Hà Nội cần khắc phục ngay tình trạng này. Tôi mong rằng, lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP phải như người cảnh sát, phát hiện vi phạm phải xử lý ngay", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cũng nhấn mạnh, không chỉ thí điểm tại 5 quận, huyện; 10 xã, phường, thị trấn mà ngay trong Tháng hành động vì ATTP năm nay (diễn ra từ ngày
15-4 đến 15-5) thành phố đã yêu cầu triển khai lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP tại đồng bộ 30 quận, huyện, thị xã. Tới đây, việc giám sát ATTP cũng phải có cách làm giống như mô hình 141 của lực lượng Công an TP Hà Nội, thậm chí phải cương quyết hơn. Phó Chủ tịch chỉ đạo, khi phát hiện sai phạm cần xử lý tại chỗ và ngay lập tức. Xử lý xong cơ sở vi phạm phải công khai, đọc lên loa truyền thanh cơ sở để mọi người dân được biết. Nếu thực hiện nghiêm túc như vậy sẽ đủ sức răn đe các cơ sở, đối tượng vi phạm, nếu chỉ vận động, tuyên truyền, nhắc nhở sẽ khó có chuyển biến tích cực.

Phát hiện, thu giữ gần 5 tấn mỡ “bẩn”

(HNM) - Ngày 13-4, Đội Quản lý thị trường số 7 phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP Hà Nội) kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất, chế biến mỡ động vật, do ông Đinh Văn Thắng làm chủ, trong Khu công nghiệp Thanh Trì (xã Thanh Trì). Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này đang thu gom gần 5 tấn mỡ trâu, bò; trong đó có khoảng 25 bao tải mỡ trâu, bò chưa chế biến (khối lượng mỗi bao khoảng 25kg), đang phân hủy, bốc mùi hôi thối. Số mỡ thành phẩm không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, hóa đơn, chứng từ liên quan.

Chủ cơ sở nhận, thu mua số mỡ trên với giá 1.000 đồng/kg mỡ nước và 500 đồng/kg mỡ chưa qua sơ chế. Sau khi chế biến, chủ cơ sở sẽ bán mỡ thành phẩm với giá khoảng 100.000 đồng/bao. 

Thanh Hiền

Thu Trang