Phát triển xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (CNG): Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Giao thông - Ngày đăng : 07:11, 13/04/2016
Phát triển xe buýt CNG còn nhiều bất cập. |
Ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện thành phố có hơn 3.000 xe buýt đang hoạt động, trong đó có 137 xe buýt CNG. Sau 5 năm hoạt động (năm 2011), xe buýt CNG đã khẳng định những lợi ích như giảm ô nhiễm không khí; giảm tiếng ồn, mùi hôi. Đặc biệt, xe CNG tiết kiệm khoảng 23% chi phí nhiên liệu so với chạy bằng diesel.
Công ty CP Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam cho biết, hiện trữ lượng khí thiên nhiên của Việt Nam là khoảng 2,7 tỷ mét khối. Lượng khí này có thể cung cấp cho xe buýt CNG hoạt động trong gần 100 năm. Hiện TP Hồ Chí Minh có 4 tuyến với 128 xe buýt CNG. Theo kế hoạch, hết năm 2016, trên địa bàn thành phố sẽ có thêm 101 xe buýt CNG hoạt động. |
Theo ông Trần Quốc Toản, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cơ khí GT-VT Sài Gòn (Samco), xe buýt CNG vận hành êm, khí thải độc hại giảm 53-63%, khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính giảm 20%, không có bụi và khói đen, nhiên liệu được đốt cháy triệt để. Còn PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hằng, Chuyên gia quản lý vận tải (Đại học GT-VT cơ sở 2) cho biết, nghiên cứu khảo sát trên 3 xe buýt CNG cho thấy, 3 xe dùng nhiên liệu diesel tiêu tốn gần 9 tỷ đồng/năm, còn 3 xe CNG chỉ hơn 6,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Minh cho biết, dù đã triển khai được 5 năm nhưng xe buýt CNG vẫn chưa tạo ra nhiều chuyển biến. Cụ thể, số lượng vận tải hành khách công cộng liên tục không đạt chỉ tiêu đề ra. Rõ nhất là chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng trong quý I-2016 chỉ đạt gần 135 triệu lượt khách, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2015. "Những cơ chế, chính sách hỗ trợ vẫn chưa tạo ra sự đột phá trong việc chuyển đổi, đầu tư phát triển hệ thống xe buýt CNG", ông Minh đánh giá.
Cụ thể hơn khó khăn này, ông Trần Văn Quan, Phó Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai có 24 tuyến xe buýt đang hoạt động, trong đó 5 tuyến có trợ giá với 30 tỷ đồng/năm. 5 năm qua, Sở đã 2 lần trình đề xuất UBND tỉnh đầu tư 500 xe buýt CNG nhưng vẫn chưa có hồi âm. Nguyên nhân là không có kinh phí vì một xe buýt CNG có giá xấp xỉ 3 tỷ đồng. "Thiết nghĩ, ngân sách trung ương cần hỗ trợ khoảng 50% kinh phí thì xe buýt CNG mới phát triển được ở các tỉnh", ông Quan đề xuất.
Ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã vận tải TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, hiện cả TP Hồ Chí Minh chỉ có 4 trạm bơm nhiên liệu CNG, nhưng các xe hoạt động trong bán kính 150-200km, nên nhiều trường hợp hết nhiên liệu giữa đường, vì thế khó nhân rộng mô hình này.
Bên cạnh đó, theo quy định, xe buýt CNG hoạt động trên 1 năm mới được hỗ trợ lãi suất của Nhà nước. Thế nhưng, với áp lực trả lãi ngân hàng thì trung bình một xe buýt CNG phải có nguồn thu từ 35 đến 40 triệu đồng/tháng, ổn định trong 7 năm thì mới có thể đủ trả cả nợ gốc và lãi ngân hàng. Như vậy, duy trì hoạt động đã khó nói gì phát triển thêm. Các đơn vị vận tải, hợp tác xã nhỏ, các doanh nghiệp, các tỉnh sẽ càng khó có thể thực hiện.