Bài cuối: Quyết liệt xử lý vi phạm

Đời sống - Ngày đăng : 06:36, 13/04/2016

(HNM) - Việc các lò giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư làm ô nhiễm môi trường đang gây bức xúc hơn bao giờ hết.


Kiến nghị từ cơ sở cho thấy, trong bối cảnh nguồn vốn eo hẹp, thành phố cần đầu tư một cách đồng bộ, hợp lý cho những dự án GM đã được phê duyệt để giải quyết triệt để các khúc mắc hiện nay. Theo ông Bùi Văn Oánh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh (Thanh Oai), qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân trong xã đều đề nghị các ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án GM tập trung để các hộ có nhu cầu vào thuê nhà xưởng, đưa toàn bộ công đoạn GM ra ngoài khu dân cư và xây dựng chợ đầu mối về buôn bán động vật để giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường.

Sản phẩm từ các dây chuyền giết mổ hiện đại không cạnh tranh nổi với các lò mổ thủ công về giá thành.


Đối với các lò GM tập trung đang có sẵn, các chủ lò mổ đề nghị thành phố cho hưởng chính sách theo Quyết định 16/2012/QĐ-UBND ngày 6-7-2012 của UBND TP Hà Nội ban hành quy định thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn. Theo ông Bùi Quang Vinh, chủ lò GM tập trung Vinh Anh (Thường Tín), xu hướng hiện đại để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) là GM tập trung để kiểm soát đầu vào, đầu ra sản phẩm. Để các lò mổ này hoạt động hết công suất như thiết kế, đề nghị thành phố ngoài hỗ trợ xây dựng theo Quyết định 77/2009/QĐ-UBND ngày 10-6-2009 của UBND TP Hà Nội về ban hành quy định một số chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở GM, chế biến gia súc, gia cầm, ATTP và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố. Thành phố tiếp tục hỗ trợ cho các lò mổ công nghiệp tập trung được hưởng chính sách theo Quyết định 16 để thu hút các hộ GM nhỏ lẻ vào đây. Còn ông Lê Đình Phượng, chủ cơ sở GM tập trung Foodex (Đan Phượng) kiến nghị, thành phố cần sửa đổi chính sách hỗ trợ cho GM tập trung để phù hợp với thực tế, đồng thời chính quyền địa phương phải cương quyết xóa bỏ các lò mổ thủ công và xử phạt thật nặng thì mới đưa được các hộ nhỏ lẻ vào khu GM tập trung.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho rằng, thời gian tới, Sở sẽ xây dựng các chuyên đề phù hợp về ATTP trong sản xuất, lưu thông, GM, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật để định kỳ tuyên truyền trên hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng nhằm phổ biến pháp luật, các chế độ, chính sách, quy định đối với người sản xuất kinh doanh, định hướng người tiêu dùng thay đổi thói quen tiêu dùng chuyển sang lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có bao gói, tem nhãn. Các sở, ban, ngành của thành phố cũng cần tăng cường kiểm tra hoạt động GM, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn mình quản lý, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh trái quy định...

"Hiện đã có sự phân cấp rõ ràng, trong đó nêu rõ chỉ chính quyền địa phương mới dẹp bỏ được lò mổ thủ công. Đơn cử như huyện Thanh Trì cách đây vài năm, tình trạng GM nhỏ lẻ tràn lan khắp nơi, tuy nhiên huyện đã vào cuộc quyết liệt cùng với việc hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng cơ sở GM tập trung bán công nghiệp tại xã Vạn Phúc song hành với tuyên truyền, kiểm tra, có biện pháp xử lý mạnh đối với các hộ GM nhỏ lẻ. Vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn hơn 10 hộ GM thủ công trên địa bàn huyện đã vào khu tập trung. Đến nay, lò mổ Vạn Phúc hoạt động hiệu quả, cung cấp 1/5 lượng thịt cho người dân tiêu dùng Thủ đô với số lượng từ 1.700-1.800 con lợn/ngày" - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Nguyễn Ngọc Sơn cho biết.

Ông Sơn cũng nhận định, để tiến tới đưa các hộ GM vào khu tập trung cần phải thực hiện có lộ trình, không nóng vội. Do đó, đề nghị thành phố nghiên cứu sửa đổi những bất cập sao cho phù hợp với thực tiễn.

Ngọc Quỳnh