Một tháng, 4 tấn nầm heo TQ nhúng hóa chất đổ về TP HCM
Đời sống - Ngày đăng : 21:34, 12/04/2016
Nói về nhóm hàng có nguy cơ mất an toàn lớn nhất hiện nay thuộc ngành nông nghiệp quản lý tại buổi họp tổng kết ở TP HCM, ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục thú y TP HCM, khẳng định, nầm heo giả nầm dê đang là sản phẩm tiềm ẩn nguy cơ lớn nhất. Trong một tháng qua, cơ quan thú y TP HCM đã phát hiện 3 vụ vận chuyển, kinh doanh nầm từ Trung Quốc về với số lượng hơn 4 tấn.
“Dựa vào thông tin tiếng Trung Quốc trên những thùng xốp chứa sản phẩm này cho thấy, nầm có nguồn gốc tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) thẩm lậu về TP HCM qua quãng đường dài. Việc bảo quản không phải bằng xe lạnh chuyên dụng nhưng vẫn không hư hỏng, chứng tỏ đã được tẩm ướp những loại hóa chất độc hại. Không loại trừ có đường dây cung cấp sản phẩm này về TP HCM”, ông Phát nói.
Một sản phẩm khác cũng thuộc nhóm có nguy cơ cao là thịt trâu đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ giả thịt bò bán ra thị trường. Một số vụ phát hiện gần đây cho thấy, thịt trâu đã được nhúng sunfit (loại chất cấm sử dụng cho thịt) để giúp thịt đỏ tươi như thịt bò.
Nầm heo Trung Quốc giả nầm dê là mặt hàng mất an toàn thực phẩm nhất hiện nay. Ảnh: Nam Thiên. |
Ngoài ra những mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh trong dịp Tết như giò, chả, bò viên… cũng tiềm ẩn nguy cơ. Vì nhiều cơ sở gian lận bằng cách sử dụng thịt gà có giá rẻ để giả các sản phẩm làm từ thịt heo hay bò. Cơ quan thú y khó xử lý, bởi những trường hợp này thuộc lĩnh vực quản lý hàng giả, hàng gian của quản lý thị trường. Thú y chỉ có thể kiểm soát đầu vào, nhưng mới quản được với cơ sở có đăng ký kinh doanh.
Chính lợi nhuận đã khiến các đầu nậu bất chấp sức khỏe người tiêu dùng. Nầm heo từ Trung Quốc giá nhập chỉ vài chục nghìn đồng/kg, nhưng khi về đến TP HCM bán lại cho các nhà hàng, quán nhậu lên tới 160.000-170.000 đồng/kg.
Tương tự, thịt trâu đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ giá nhập khẩu cũng chỉ vài chục nghìn đồng nhưng sau khi nhúng hóa chất để giả thịt bò, loại này được bán cho các quán ăn, nhà hàng 170.000-200.000 đồng/kg. Các đối tượng sau khi bị xử lý sẽ thay đổi địa điểm kinh doanh và tiếp tục vi phạm.
Ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường TP HCM cho biết, trong 4.951 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm mà Quản lý thị trường kết hợp với các cơ quan chuyên ngành phát hiện trong năm 2015 có 3.014 vụ liên quan đến lĩnh vực của thú y. Trong đó, rất nhiều trường hợp bắt quả tang các đầu nậu đưa thực phẩm hôi thối về TP HCM tiêu thụ. Ngoài ra còn nhiều trường hợp phát hiện lò giết mổ gia súc đưa heo mắc bệnh lở mồm long móng ra thị trường.
Đại diện cơ quan quản lý thị trường cũng cảnh báo mối nguy sử dựng hóa chất độc hại để sản xuất thực phẩm. Một số doanh nghiệp vẫn sử dụng hóa chất cấm, hóa chất công nghiệp để chế biến thực phẩm vì giá thành rẻ, lợi nhuận cao. Tuy nhiên, việc phát hiện, xử lý rất khó, vì nguyên liệu và sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó.