Mở lớp đào tạo nhân lực cho cấp cứu đột quỵ
Sức khỏe - Ngày đăng : 19:36, 12/04/2016
Một bệnh nhân bị đột quỵ được điều trị tại Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh. |
Hiện nay nước ta chỉ có khoảng 5 bệnh viện có thể cấp cứu, can thiệp, điều trị hiệu quả được bệnh đột quỵ. Trong những năm gần đây, xu thế bệnh đột quỵ có xu hướng gia tăng. Trong khi hiện tại, điều trị đột quỵ có nhiều vấn đề rất mới cần được cập nhật. Quan trọng nhất là cấp cứu người bệnh trong những giờ đầu, đặc biệt là ở trường hợp tắc nghẽn mạch máu lớn. Đây là việc quyết định liệu người bệnh có tử vong không, có di chứng nặng để lại hay không. Để mở rộng nguồn nhân lực y tế phục vụ điều trị, cấp cứu bệnh nhân đột quỵ đang gia tăng hiện nay, Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực về đột quỵ của Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh kết hợp với Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh sẽ mở khóa đào tạo đầu tiên trong tháng 5-2016.
Chương trình đào tạo sẽ bao gồm lý thuyết và cả thực hành, trong đó có chương trình thực hành tại phòng thực nghiệm (làm trên động vật). Trong chữa trị đột quỵ hiện nay chỉ có 2 biện pháp là dùng thuốc và phẫu thuật, bác sĩ điều trị cân nhắc và quyết định. Gần đây có một giải pháp mới là can thiệp nội mạch, đã được ứng dụng trong điều trị đột quỵ và được ghi nhận là có hiệu quả khá cao. Ghi nhận trong những trường hợp người bệnh bị tắc nghẽn động mạch lớn, áp dụng phương pháp can thiệp nội mạch cho hiệu quả đến 80%. Phương pháp này sẽ được đào tạo cho học viên trong khóa học.
Tiến sĩ bác sĩ Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội can thiệp thần kinh TP Hồ Chí Minh cho biết: “Phương pháp điều trị tái thông mạch máu bằng đường can thiệp nội mạch đã được Hội Đột quỵ Hoa kỳ đưa vào phác đồ điều trị và hiện nay ngành y tế các nước đã ứng dụng rộng rãi, song ở Việt Nam bệnh viện thực hiện phương pháp này chưa nhiều, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Như vậy, người bệnh ở tỉnh sẽ có nguy cơ tử vong cao, nguy cơ bị di chứng nặng cao. Cần thiết mở lớp đào tạo để có nhân lực cấp cứu người bệnh là yêu cầu cấp thiết”.
Song song với việc đào tạo nguồn nhân lực nói chung về bệnh đột quỵ, Trung tâm còn đẩy mạnh việc đào tạo và chuyển giao kỹ thuật (cho các bệnh viện, trung tâm y tế ở các tỉnh, thành trong cả nước) công nghệ can thiệp đột quỵ trên máy DSA (lấy huyết khối, lấy cục máu đông trong não) - đây là một trong những giải pháp điều trị tiên tiến có hiệu quả cao về bệnh đột quỵ hiện nay.