Giải pháp nào trong khi quản lý còn chồng chéo?

Xã hội - Ngày đăng : 19:34, 12/04/2016

(HNMO) - Tại Diễn đàn “Khuyến nông – Nông nghiệp” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN&PTNT) vừa tổ chức ngày 12-4, các nhà quản lý cho hay, việc việc chưa thống nhất trong quản lý giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế trong một số chất cấm, việc nhiều cơ sở chăn nuôi vì lợi nhuận lách luật, chống đối đã gây khó khăn cho các cơ quan quản lý.

Quản lý chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi là vấn đề được nhiều bộ, ngành quan tâm hiện nay


Thực trạng nguy hiểm

Theo điều tra đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), trong năm 2015 và 2 tháng đầu năm 2016, qua kiểm tra 1893 cơ sở trên địa bàn cả nước thì có 58 cơ sở (chiếm 3,1%) vi phạm về chất cấm. Các chất cấm trong chăn nuôi chủ yếu là Salbutamol và chất Vàng O (Auramine). Về sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, trong số 94 đơn vị được điều tra thì có 60 đơn vị (chiếm 64%) cung cấp thông tin là có sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi. Trong đó 54 đơn vị sử dụng với mục đích là kích thích tăng trưởng, 20 đơn vị sử dụng kháng sinh để phòng bệnh. Theo Cục chăn nuôi, việc lạm dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi vẫn xảy ra với hàm lượng cao hơn mức quy định trong quy chuẩn.

Tại các tỉnh phía Nam, 3 tháng đầu năm 2016, Chi cục Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản Bình Dương phát hiện 17,39% số cơ sở chăn nuôi lợn sử dụng chất cấm. Cùng trong Qúy I/2016, Chi cục Chăn nuôi – Thú y Đồng Nai sau khi lấy 70 mẫu nước tiểu tại 70 cơ sở chăn nuôi, phát hiện 10 mẫu dương tính, xét nghiệm bằng phương pháp định lượng thì có 2 mẫu (chiếm 2,85%) vượt ngưỡng cho phép với chất cấm Salbutamol.

Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia (Bộ Y tế), khi động vật được kích thích tăng trưởng bằng chất Beta-agonist, các chất này được tích lũy trong cơ thể động vật và tồn dư lại trong sản phẩm được con người sử dụng. Việc thường xuyên sử dụng các sản phẩm thực phẩm có chứa dư lượng chất tăng trưởng gây ra ngộ độc cấp và mãn tính cho người sử dụng, có thể dẫn đến rối loạn hệ thống hormone của cơ thể, gây nhiễm độc gan, gây đột biến và có thể dẫn đến ung thư.

Ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai (địa phương nuôi lợn nhiều nhất nước) cho biết, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ngày càng diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chưa thống nhất trong quản lý như Bộ NN&PTNT cấm Salbutamol trong chăn nuôi nhưng Bộ Y tế lại cho phép trong hỗ trợ điều trị bệnh lý. Thêm nữa, nhiều cơ sở chăn nuôi vì lợi nhuận cao khi sử dụng chất cấm nên tìm nhiều cách lách luật, chống đối việc kiểm tra, lén lút bán sản phẩm ra thị trường, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý.

Thực hiện đồng thời nhiều giải pháp

Trước thực trạng trên, ông Võ Văn Ninh, nguyên giảng viên khoa Chăn nuôi Thú y (Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần áp dụng những biện pháp thay thế kháng sinh, chất cấm hiện nay bằng các loại kháng sinh không hấp thụ qua đường ruột để vào cơ thể mà chỉ ức chế vi khuẩn có hại, có lợi cho việc hấp thụ. Nhờ đó vật nuôi không có tồn dư chất kháng sinh, chất cấm (trừ bộ phận tiêu hóa).

Không chỉ siết chặt quản lý chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi, ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN&PTNT) cho rằng, xây dựng tổ hợp tác xã, chuỗi liên kết trong chăn nuôi nhằm quản lý tốt nhất chất cấm và tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn là rất quan trọng. Từ đó, nhân rộng, chuyển giao mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, các chất thay thế trong các mô hình sẽ làm hạn chế không chỉ dịch bệnh, mà còn làm giảm đến mức tối đa việc sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT, phải kết hợp giữa nhà sản xuất với người kinh doanh để tạo ra vòng khép kín an toàn từ chăn nuôi đến sản phẩm. Đặc biệt, cần tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân, để cho người dân nhận biết nơi bán sản phẩm sạch, hướng dẫn người dân nhận biết thực phẩm sử dụng chất cấm, kháng sinh để người dân tránh không sử dụng. Có sự phối hợp đồngbộ như vậy mới ngăn chặn được tình trạng người ta tự "đầu độc" nhau.

Tiến Thành