Giảm nghèo bền vững vẫn là thách thức

Đời sống - Ngày đăng : 19:30, 12/04/2016

(HNMO) - TS Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, làm thế nào để đến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội cho người dân và mức tối thiểu về nhu cầu xã hội, y tế giáo dục là thách thức lớn.


- Có ý kiến cho rằng, Chính phủ đã chỉ đaọ Bộ Lao động Thương binh xã hội thay đổi từ chuẩn nghèo đơn chiều sang phương pháp nghèo đa chiều khiến số hộ nghèo càng tăng lên. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- Chuẩn nghèo mới vẫn bao gồm tiêu chí về mức thu nhập (cao hơn mức hiện nay) và tính tới việc để người nghèo phải tiếp cận được những dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục, nước sạch, thông tin. Thông qua tiếp cận đo lường nghèo đa chiều định kỳ, chúng ta sẽ đánh giá được mức độ thay đổi các nhu cầu xã hội cơ bản của người dân tại từng địa phương, từng bước đáp ứng đa dạng hơn các nhu cầu xã hội cơ bản của đối tượng thụ hưởng, đồng thời có giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn nhu cầu của hộ nghèo, cận nghèo. Song theo chuẩn nghèo đa chiều, số hộ nghèo mới hiện tại của chúng ta hiện nay sẽ tăng lên gấp 3 lần, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cân đối ngân sách nhà nước.

- Ngân sách nhà nước chi cho an sinh xã hội tăng đều qua mỗi năm, đến nay chiếm gần 7% GDP. Theo ông, đây có phải là cơ sở để chúng ta giảm tỷ lệ hộ nghèo trong thời gian tới?

- Đây là cơ sở để Chính phủ tập trung đầu tư có trọng điểm hơn, quan tâm hơn đến các vùng sâu, vùng xa, những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; mở rộng phạm vi đối tượng cho vay hộ nghèo, nâng mức vay, kéo dài thời gian cho vay, góp phần giảm nhanh chênh lệch giàu nghèo. Song vấn đề nghèo đói của Việt Nam phải chịu tác động rất lớn của biến đổi khí hậu. Hiện hộ nghèo còn 4,5%, giảm nhanh nhưng không bền vững, tái nghèo, cận nghèo có xu hướng tăng nhanh. Tôi cho rằng mục tiêu đến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội cho người dân và bảo đảm mức tối thiểu về nhu cầu xã hội, y tế giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt khó có thể đạt được.

- Để giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, theo ông phải ưu tiên những lĩnh vực gì?


-Các địa phương cần nhất quán, kiên trì quan điểm coi người nghèo là đối tác của chính sách giảm nghèo, thay đổi dần phương thức trợ cấp cho không sang phương thức cấp bằng tiền mặt có điều kiện để đảm bảo sự công bằng và hạn chế tâm lý trông chờ và ỷ lại. Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên, mục tiêu hết năm 2020 phải gấp 2 lần năm 2015. Đồng thời, giải quyết một cách cơ bản hạ tầng thiết yếu, như giao thông, điện, nước sinh hoạt ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí nông thôn mới.

Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội dành cho hộ cận nghèo mới đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu vay, hạn chế khả năng thoát nghèo bền vững. Yêu cầu đặt ra là cần điều chỉnh mức vay, lãi suất, thời hạn vay linh hoạt hơn, có sự gắn kết việc cho vay vốn với chuyển giao khoa học kỹ thuật, phương thức sản xuất thì hiệu quả sử dụng vốn sẽ cao hơn  

Hà Phong