Tăng trưởng doanh nghiệp: Đâu là rào cản?

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 13:55, 12/04/2016

(HNMO) – Ngày 12/4, trong khuôn khổ Lễ công bố danh sách 500 doanh nghiệp tăng trưởng và triển vọng xuất sắc nhất Việt Nam năm 2016, tại Hà Nội, Vietnam Report đã công bố “Báo cáo tăng trưởng và triển vọng kinh tế Việt Nam 2016: Những yếu tố tác động đến tăng trưởng của một số ngành chủ yếu”.

Đây là sản phẩm do Vietnam Report cùng nhóm chuyên gia phối hợp xuất bản với nội dung chủ yếu tập trung vào các đánh giá, nhận định những yếu tố tác động đến tăng trưởng của cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn 2012-2015; Những dự báo về kinh tế, triển vọng tăng trưởng và môi trường kinh doanh 2016; Những tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đến triển vọng phát triển, hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2016...

Báo cáo không chỉ dựa trên những phân tích đánh giá của các chuyên gia mà còn tổng hợp ý kiến phản hồi từ các doanh nghiệp trong các Bảng xếp hạng FAST500 (Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam) và Prospect 500 (Top 500 doanh nghiệp triển vọng xuất sắc nhất Việt Nam), từ đó đề xuất những khuyến nghị chính sách nhằm tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng hơn, nâng cao tính cạnh tranh cho doanh nghiệp trên con đường hội nhập.

Từ phân tích của báo cáo, có thể rút ra sáu vấn đề lớn. Một là, kết quả điều tra của Vietnam Report với các doanh nghiệp tăng trưởng và triển vọng cho thấy chi phí đầu vào tăng là rào cản bên ngoài lớn nhất đối với tăng trưởng của 60% số doanh nghiệp phản hồi. Hai rào cản tiếp theo có tỷ lệ lựa chọn tương đương nhau (hơn 52%) là biến động nhu cầu thị trường về sản phẩm, dịch vụ và sự trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh.

Trong khi đó, những rào cản từ nội tại của doanh nghiệp ảnh hưởng tới tăng trưởng trong ba năm qua xuất phát từ vấn đề quản trị doanh nghiệp. Đây là khó khăn đối với gần một nửa số doanh nghiệp tham gia khảo sát, tiếp theo đó là rào cản từ việc tuyển dụng và giữ chân nhân sự và thiếu thông tin về xu hướng thị trường, đối thủ cạnh tranh với tỷ lệ lựa chọn lần lượt là 42,1% và 40,4%.

Ảnh minh họa.


Thứ hai, thách thức cho tăng trưởng đến từ các đột phá chiến lược. Ba mũi đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đổi mới thể chế chưa thực sự đột phá nếu so với các nước trong khu vực. So với chính chúng ta thì có những cải thiện đáng kể, nhất là ở hai mũi phát triển cơ sở hạ tầng và đổi mới thể chế. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, đặc biệt vừa hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN nên nếu thua kém các nước trong khu vực, cũng có nghĩa năng lực cạnh tranh của nền kinh tế sẽ thấp hơn, nguồn lực cho tăng trưởng sẽ hạn chế hơn

Thứ ba, đứng từ góc độ nhìn nhận của cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam, thách thức lớn nhất đối với hơn 48% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đợt này liên quan đến vấn đề xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường. Hai thách thức tiếp theo có tỷ lệ lựa chọn ngang bằng nhau ở mức 43,1% là các vấn đề liên quan đến quy định, văn bản chính sách của Chính phủ, thuế phí và hải quan cũng như sự trỗi dậy của các đối thủ cùng ngành.

Thứ tư, trong năm 2016, các doanh nghiệp chọn chiến lược tăng trưởng mạo hiểm trong bối cảnh hội nhập TPP. Những kết quả kinh doanh khởi sắc đã đạt được trong cả một chặng đường dài từ năm 2011 đến năm 2015 kết hợp với các dự báo kinh tế khả quan trong năm 2016, và đặc biệt là triển vọng thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế TPP và AEC (Cộng đồng Kinh tế ASEAN) là cơ sở đáng tin cậy làm tăng thêm niềm tin và kỳ vọng tăng trưởng kinh doanh của doanh nghiệp Việt.

Hơn 76% số doanh nghiệp tham gia khảo sát dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh nhằm tận dụng tối đa những cơ hội tăng trưởng mới, 22,1% số doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh như năm trước, trong khi chỉ 1,6% doanh nghiệp có ý định thu hẹp quy mô kinh doanh. Đây là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh nền kinh tế đang bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng mới.

Thứ năm, đa phần các doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa đều có sự cải thiện về hiệu quả kỹ thuật. Trong đó, hiệu quả kỹ thuật của doanh nghiệp FDI nhìn chung cao hơn so với hiệu quả kỹ thuật của doanh nghiệp nội địa trong ngành.

Thứ sáu, dù tiêu chí phân loại doanh nghiệp là lao động hay vốn thì các doanh nghiệp lớn có hiệu quả kỹ thuật tốt hơn so với các doanh nghiệp nhỏ. Hoạt động xuất khẩu và hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp cũng có mối tương quan tích cực đối với hiệu quả kỹ thuật của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thời gian hoạt động lâu hơn và đặt tại các địa bàn có cơ sở hạ tầng tốt hơn sẽ có được hiệu quả kỹ thuật cao hơn.

Theo Ban Tổ chức, những phân tích trong báo cáo hy vọng sẽ đem lại một số gợi ý thiết thực cho các nhà hoạch định chính sách nhằm hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp tăng trưởng và triển vọng nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung trong bối cạnh hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra gay gắt trong thời gian sắp tới. Đó cũng chính là lấy áp lực cạnh tranh, cải thiện cơ sở hạ tầng, cung cấp đầy đủ thông tin về cơ chế - chính sách và môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.

Lan Hương